Thêm giải pháp phục hồi thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù thị trường bất động sản (BĐS) đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển là rất lớn. Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển BĐS nhà ở, khu công nghiệp, các phân khúc thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm để thị trường BĐS phục hồi và phát triển đúng tiềm năng. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 13/7/2023.
Một số ý kiến cho rằng thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ nét hơn từ cuối năm 2023, đầu năm 2024. Ảnh: Lê Tiên
Một số ý kiến cho rằng thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ nét hơn từ cuối năm 2023, đầu năm 2024. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều dư địa phát triển

Theo ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), trong những năm qua, đóng góp của lĩnh vực BĐS đối với GDP có xu hướng tăng (ngành kinh doanh BĐS khoảng 3,6%; ngành xây dựng khoảng 10,6% - theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến năm 2022). Giá trị vốn hóa ngành BĐS ước tính khoảng 1,7 - 1,8 triệu tỷ đồng. Tính trung bình đóng góp của ngành xây dựng và BĐS các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó ngành BĐS chiếm khoảng 4,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP).

Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam dự báo, đến năm 2025, tỷ trọng BĐS/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 21,2% và đến năm 2030 là 22%.

Ông Hoàng Hải cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng xu hướng phát triển của thị trường BĐS là tất yếu. BĐS vẫn là kênh đầu tư hiệu quả vì nhiều yếu tố, đó là tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, dân số đông, nguồn cung còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Việt Nam đang là điểm đến của các tập đoàn lớn, dẫn đến tăng nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; du lịch tăng trưởng trở lại là cơ hội cho BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang cho thấy hiệu quả, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Hải dự báo, với những chính sách hiện nay, nếu triển khai quyết liệt, hiệu quả, thị trường BĐS sẽ phục hồi rõ hơn vào cuối năm 2023.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS hiện đang trầm lắng ở nhiều phân khúc, tăng nhẹ ở phân khúc nhà ở xã hội, BĐS công nghiệp. Nếu tập trung giải quyết các nhóm khó khăn, vướng mắc và giảm lãi suất thì đầu năm 2024, thị trường BĐS sẽ phục hồi rõ nét hơn.

Về phân khúc có tiềm năng, ông Khôi nhận định, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, cho lao động khu công nghiệp và nhà ở giá trung bình là hướng chủ đạo của thị trường BĐS từ năm 2024. BĐS công nghiệp vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ phục hồi từ năm 2024 và tiếp tục phát triển khi các quy định pháp lý được hoàn thiện.

Thêm giải pháp phục hồi thị trường

Ông Joseph Low, Chủ tịch Bộ phận BĐS Tập đoàn Keppel tại Việt Nam, nhận xét, hiện nay, nguồn cung nhà ở bị hạn chế bởi các thách thức như vấn đề thanh khoản, thủ tục phê duyệt dự án phức tạp. Nếu không được giải quyết, các vấn đề này sẽ làm tăng sự không ổn định trên thị trường, dẫn đến tăng chi phí xây dựng và cuối cùng là giá nhà cao hơn cho người dân Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường BĐS tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong tình trạng thanh khoản kém và nguồn cung rất hạn chế, chủ yếu do các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ và việc khó tiếp cận nguồn vốn, một số vụ việc xảy ra nửa cuối năm 2022 làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và một số vấn đề căn cơ của thị trường chưa được giải quyết (pháp lý, nguồn cung khan hiếm, mất cân đối cung cầu…).

Về giải pháp cho thị trường, ông Khôi cho rằng, mức lãi suất cho vay với nhà ở thương mại cần phù hợp với thu nhập, kiến nghị dưới 7%/năm; nhà ở xã hội với doanh nghiệp kiến nghị dưới 6%/năm, với người mua nhà dưới 4,5%/năm; BĐS du lịch, nghỉ dưỡng kiến nghị dưới 9%/năm và BĐS nhà ở cao cấp kiến nghị từ 9 - 10%/năm. Đồng thời, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đúng quy định pháp luật.

Để tháo gỡ về pháp lý, theo ông Khôi, nếu rút ngắn quy trình thủ tục đầu tư dự án 1 năm có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoản lãi suất lên tới 12 - 15% chi phí vốn. Đó là chưa kể tiết kiệm chi phí tiền lương, máy móc thiết bị… cho cả năm. Cần tiếp tục rút gọn quy trình thủ tục đầu tư, nhất là với dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ; chính quyền địa phương cần sớm điều chỉnh quy hoạch và xác định vị trí đất cho đầu tư nhà ở xã hội; điều chỉnh kịp thời định mức, đơn giá xây dựng do biến động giá nguyên vật liệu.

Đối với doanh nghiệp, cần cơ cấu lại sản phẩm, ưu tiên phân khúc phù hợp nhu cầu đại đa số người dân. Quản trị lại doanh nghiệp, xác định lại giá thành để hạ giá bán hợp lý. Đảm bảo thực hiện cam kết với nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng kỳ vọng, khi Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được thông qua sẽ có tác động tích cực đến thị trường nhà ở và BĐS, đảm bảo minh bạch, lành mạnh và ổn định thị trường, cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam.

Cho rằng “xung đột pháp luật” là rào cản phát triển nói chung và là điểm chính yếu làm thị trường BĐS rơi vào tình trạng mất thanh khoản, tắc nghẽn như thời gian qua, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần đổi mới cách xây dựng hệ thống pháp luật về đất đai, BĐS sao cho không còn khoảng trống, không còn xung đột pháp luật để có một hệ thống pháp luật đầy đủ, nhất quán và hoàn chỉnh.

Chuyên đề