Thẻ tín dụng nội địa vẫn khó tiếp cận người dân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hướng tới khách hàng có thu nhập thấp, cung cấp nhiều chính sách ưu đãi và được nhận định là một trong những giải pháp để ngăn người dân đến với tín dụng đen, song đến nay, sự phát triển của thẻ tín dụng nội địa vẫn còn rất khiêm tốn. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh quảng bá, tăng thêm các chính sách ưu đãi và giảm thủ tục để công cụ thanh toán này hữu dụng với người dân có thu nhập thấp.
Cá nhân có thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng có thể mở được thẻ tín dụng nội địa với hạn mức chi tiêu từ 10 - 30 triệu đồng cùng các ưu đãi về phí rút tiền mặt, lãi suất rút tiền mặt. Ảnh: Lê Tiên
Cá nhân có thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng có thể mở được thẻ tín dụng nội địa với hạn mức chi tiêu từ 10 - 30 triệu đồng cùng các ưu đãi về phí rút tiền mặt, lãi suất rút tiền mặt. Ảnh: Lê Tiên

Cá nhân có thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng, thậm chí chỉ cần có hóa đơn thanh toán điện nước cũng có thể mở được thẻ tín dụng nội địa với hạn mức chi tiêu từ 10 - 30 triệu đồng cùng các ưu đãi về phí rút tiền mặt, lãi suất rút tiền mặt. Đây là những điều kiện thấp hơn rất nhiều so với mở thẻ tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 600 nghìn thẻ tín dụng nội địa được phát hành. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện có 12/46 tổ chức phát hành thẻ phát hành thẻ tín dụng nội địa, bao gồm 9 ngân hàng và 3 công ty tài chính.

“Thẻ tín dụng nội địa có nhiều ưu điểm với cá nhân có thu nhập thấp, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Khi có nhu cầu khẩn cấp, cá nhân sử dụng thẻ có thể rút tiền tại các máy ATM thay vì vay tín dụng đen. Do đó, các tổ chức phát hành thẻ cần đẩy mạnh quảng bá về tính năng, lợi ích khi sử dụng thẻ, tăng thêm chương trình khuyến mãi, đồng thời mở rộng điểm chấp nhận thanh toán thẻ để tiếp cận nhiều người dân hơn nữa”, ông Giang nói.

Trong 5 năm qua, thẻ tín dụng nội địa có tốc độ tăng trưởng 47% về số lượng và 45% về giá trị giao dịch, tiềm năng phát triển thị trường này trong thời gian tới vẫn rất lớn.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, trong 5 năm qua, thẻ tín dụng nội địa có tốc độ tăng trưởng 47% về số lượng và 45% về giá trị giao dịch, tiềm năng phát triển thị trường này trong thời gian tới vẫn rất lớn.

“Điều kiện mở thẻ tín dụng nội địa đơn giản hơn thẻ tín dụng quốc tế, thậm chí một số thẻ có ưu đãi lớn như miễn lãi 60 ngày nên dễ phổ cập trong đông đảo người dân, qua đó khuyến khích chi tiêu không dùng tiền mặt và tạo kênh tiếp cận nguồn vốn cho tiêu dùng cá nhân, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể, nông dân ở vùng sâu, vùng xa”, ông Hùng nhận xét.

Về điều kiện mở thẻ, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc quốc gia Công ty Công nghệ tài chính tích hợp trí tuệ nhân tạo Israel - Paretix tại Việt Nam và Campuchia cho biết, một trong những yêu cầu khi mở thẻ là phải có điểm tín dụng. Đây cũng có thể là trở ngại để người dân tiếp cận thẻ tín dụng nội địa. “Nếu chấm điểm tín dụng vẫn theo cách truyền thống, tức là cần có thời gian để nhân viên tín dụng xem xét hồ sơ và thẩm định dữ liệu khách hàng thì sẽ mất thời gian và nhân lực, chi phí thực hiện sẽ lớn. Trong khi đó, nếu sử dụng các giải pháp công nghệ để xử lý dữ liệu của khách hàng thì có thể rút ngắn quy trình thẩm định và tiết kiệm đáng kể chi phí thực hiện”, ông Nam nói.

Từ góc độ khác, một số ý kiến cho rằng việc triển khai thẻ tín dụng nội địa cũng gặp khó khăn do các ngân hàng phải tuân thủ các quy định quản trị rủi ro và bảo đảm thu hồi vốn vay.

Bà Phan Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt là NHTM nhà nước phải tuân thủ quy định của NHNN về đảm bảo an toàn vốn, phải trích lập dự phòng rủi ro các khoản vay theo quy định. Theo đó, ngân hàng có thể cung cấp các khoản vay cho người dân có thu nhập thấp song phải thẩm định về nguồn trả nợ, trong nhiều trường hợp phải giữ giấy xác nhận quyền sử dụng đất cùng với xác nhận của địa phương. Với công nhân, hồ sơ vay yêu cầu phải có xác nhận của lãnh đạo doanh nghiệp. Đây có thể là điểm khó trong triển khai thẻ tín dụng nội địa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Dũng, Trưởng ban Tài chính thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết đã từng kết hợp với một số công ty tài chính tiếp cận người lao động thu nhập thấp ở các doanh nghiệp để cung cấp thẻ tín dụng nội địa. Theo đó, các tổ chức tài chính không yêu cầu xác nhận của lãnh đạo doanh nghiệp mà chỉ cần thông tin về hợp đồng lao động, thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hóa đơn điện nước, cam kết trích nợ từ tài khoản tiền lương… càng nhiều thông tin thì càng được ưu đãi, thậm chí lãi suất có thể chỉ còn 15%/năm, mức khá thấp so với lãi vay tiêu dùng. Do đó, theo ông Dũng, cần có các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận hơn.

Chuyên đề