Biện pháp hữu hiệu nhất
Đại dịch Covid-19 xuất hiện gây nên những đứt gãy nghiêm trọng đối với hoạt động kinh tế, “châm ngòi” cho cuộc suy thoái kinh tế lớn nhất toàn cầu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong bối cảnh này, đa phần các quốc gia đều có những chính sách nhanh, quyết liệt, đặt nền kinh tế vào chế độ “thời chiến” với các gói hỗ trợ tài chính quy mô lớn nhất hàng thập kỷ.
Hiện tại, đa phần các quốc gia đã qua giai đoạn hỗ trợ tài chính trực diện (phát tiền hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp lương…), tuy nhiên, các biện pháp này vẫn sẽ được duy trì tại một số khu vực cho tới đầu năm 2022. Quy mô các biện pháp hỗ trợ tài chính trực diện nằm trong khoảng 5 - 24% GDP năm 2019 tại các nền kinh tế phát triển. Giới chức tại các nền kinh tế mới nổi thực hiện các gói hỗ trợ tài chính với quy mô nhỏ hơn, nhưng vẫn là đáng kể so với quy mô nền kinh tế, nằm trong khoảng 1 - 9% GDP, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đối với nhiều nền kinh tế, động thái này khiến tỷ lệ nợ của chính phủ/GDP tăng lên mức cao nhất trong 1 năm kể từ chiến tranh thế giới thứ hai tới nay.
Nếu không có sự can thiệp tài chính từ chính phủ, đại dịch có thể cắt đứt hoặc làm giảm mạnh thu nhập của hộ gia đình và doanh nghiệp, gây nên khủng hoảng thất nghiệp và nhiều hệ luỵ kéo dài đối với nền kinh tế. Thực tế, vào thời điểm đại dịch Covid-19 mới xuất hiện, nhiều tổ chức kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc đại khủng hoảng toàn cầu. Tới nay, các chính sách hỗ trợ tài chính được đánh giá là công cụ tốt nhất để phần nào hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch, bởi nó có thể hỗ trợ trực tiếp thu nhập cho người dân và doanh nghiệp ở phạm vi rộng.
Trong đó, đa phần các nền kinh tế phát triển “mạnh tay” chi tiền trực tiếp cho hộ gia đình và doanh nghiệp thông qua các hình thức như phát tiền cho người dân, trợ cấp thất nghiệp, phát tiền cho doanh nghiệp, chương trình bảo toàn tiền lương (Paycheck Protection Program), hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp… Nước Mỹ đã chi tiền mặt cho hộ gia đình với tổng chi hơn 5% GDP năm 2019 (thời điểm trước đại dịch), trong khi nhiều quốc gia khác như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy… cũng chi xấp xỉ 5% GDP.
Tại các nền kinh tế mới nổi, các biện pháp hỗ trợ trực tiếp, xét theo tương quan, nhỏ hơn so với quy mô tại các nền kinh tế phát triển. Điều này phản ánh nguồn lực, cũng như những vấn đề vĩ mô khác. Theo đó, một số quốc gia nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế với các biện pháp tập trung vào hỗ trợ tài chính gián tiếp, như bảo lãnh cho vay, các sáng kiến đầu tư và sản xuất… Quy mô các chương trình hỗ trợ tài chính gián tiếp chiếm tỷ trọng lớn tại một số quốc gia, bao gồm Ấn Độ và Brazil, bởi dư địa thực hiện hỗ trợ trực tiếp hạn hẹp…
Thêm nhiều chương trình mới trong giai đoạn phục hồi
Các chính sách hỗ trợ tài chính tại các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong vài năm tới, gắn liền với chu kỳ hồi phục của nền kinh tế. Mỗi quốc gia sẽ có sự sắp đặt thời gian tùy thuộc vào các mục tiêu ưu tiên trong dài hạn, cũng như đảm bảo không để xảy ra đứt gãy trong giai đoạn hồi phục.
Tại đa phần các quốc gia phát triển, chính sách hỗ trợ tài chính được dự báo tiếp tục tập trung vào hỗ trợ thu nhập và thị trường lao động. Tuy nhiên, nhờ các chiến dịch tiêm chủng đang được thực hiện nhanh chóng, trọng tâm của các gói hỗ trợ có thể thay đổi. Theo đó, mục tiêu mới sẽ tập trung vào đầu tư công, nhất là trong các sáng kiến công nghệ và lĩnh vực tăng trưởng xanh, các sáng kiến đầu tư tư nhân và tiêu dùng…
Một số gói hỗ trợ tài chính trong giai đoạn hồi phục đã được công bố, nhưng đa phần tại các nền kinh tế, quy mô của các chương trình này sẽ nhỏ hơn so với giai đoạn “thời chiến” - trực tiếp đối diện “cơn sóng thần” Covid-19.
Theo đó, nước Mỹ dự kiến sẽ có chương trình hỗ trợ tài chính quy mô lớn trong giai đoạn phục hồi, với quy mô tương đương 9% GDP, tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng và thời gian kéo dài hơn một thập kỷ. Trong khi đó, các thành viên Liên minh châu Âu sẽ triển khai một chương trình kết hợp giữa bảo lãnh và cho vay, với thời gian vào khoảng 2021- 2026. Quy mô của chương trình có thể tương đương 5% GDP của EU. Với một số nền kinh tế nhỏ hơn khác, các chương trình hỗ trợ tài chính trong giai đoạn hồi phục sẽ có quy mô vào khoảng 6% GDP năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Tại các nền kinh tế mới nổi, nơi dư địa để thực hiện các chương trình hỗ trợ tài chính không nhiều, chưa có nhiều chương trình trong giai đoạn hồi phục được công bố, ngoại trừ một số nền kinh tế quy mô lớn tại châu Á. Ví dụ, Ấn Độ công bố gói nới lỏng tài chính sau khi chấm dứt giãn cách xã hội vào tháng 10/2020, bao gồm các sáng kiến thúc đẩy tiêu dùng và tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng bắt đầu bước sang giai đoạn phục hồi với các biện pháp hỗ trợ sản xuất.
Tuy nhiên, đa phần các nền kinh tế mới nổi chưa công bố các gói hỗ trợ mang tính dài hạn trong giai đoạn hồi phục, chủ yếu bởi ưu tiên lớn trong thời điểm này vẫn là nâng cao năng lực hệ thống y tế để đối phó với tình trạng lây nhiễm và hỗ trợ đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine phòng dịch.
Khi đại dịch xuất hiện, các ngân hàng trung ương cũng như chính phủ các quốc gia trên toàn cầu đã nhanh chóng có biện pháp đối phó bằng các chính sách tiền tệ, tài khoá nới lỏng với kỳ vọng đại dịch chỉ là cú sốc ngắn hạn và nền kinh tế sẽ sớm hồi phục. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vượt ra ngoài mọi dự báo, ngày càng trở nên nguy hiểm với các biến thể mới. Theo đó, một số quốc gia dần chuyển từ nới lỏng ngắn hạn sang các chương trình dài hạn.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù mang lại những hiệu quả tích cực ban đầu, góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, nhưng việc các gói cứu trợ quy mô khổng lồ được tung ra cũng mang tới những rủi ro. Chẳng hạn, theo Brookings, việc nước Mỹ thực hiện gói hỗ trợ tài chính 5,2 nghìn tỷ USD phần nào đưa nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục sớm hơn, nhưng lại giảm khả năng chi tiêu cho các mục tiêu cấp thiết khác trong tương lai. Chưa kể, không ít khoản chi hiện tại đang “lạc hướng” và được thực hiện ở hình thức không phù hợp.
Một lo ngại khác được chỉ ra liên quan tới việc thế giới sắp đối mặt với làn sóng lạm phát. Lạm phát đang chịu tác động của các chính sách bơm tiền kích cầu nền kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy giải ngân đầu tư. Kích thích kinh tế luôn đi kèm rủi ro lạm phát cao nếu kích thích không đúng và không hiệu quả.
Sự hồi phục của nhu cầu và quá trình tăng trưởng bền vững của nền kinh tế phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh, theo đó, mục tiêu hàng đầu của các nền kinh tế hiện tại vẫn cần tập trung vào đẩy mạnh chương trình tiêm chủng và nâng cao năng lực của hệ thống y tế.