Thế giới 2021: Năm của nhiều xúc cảm tột bậc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau một năm nhìn lại, không ít câu chuyện mang tới nhiều xúc cảm trong bối cảnh đại dịch tiếp tục có những diễn biến không thể lường trước. Từ những biến động chính trị trên toàn cầu, cho tới những bước tiến vượt bậc của công nghệ, các câu chuyện không chỉ thay đổi hiện tại mà còn tạo ảnh hưởng tới tương lai gần.

6/1 - 20/1: Bạo động đồi Capitol, ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ

Năm 2021 đã khởi đầu không hề yên ả khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thu hút sự chú ý trên toàn cầu, nhưng lại có bạo động và những diễn biến nhiều bất ngờ.

Ngày 6/1, một đám đông những người ủng hộ Tổng thống Donal Trump đã xông vào Đồi Capitol, thực hiện cuộc tấn công nhằm vào Quốc hội Hoa Kỳ với nỗ lực lật ngược thất bại của ông Trump sau cuộc bầu cử Tổng thống. Cuộc bạo động để lại hàng loạt hệ quả, trong đó có việc khiến 5 người tử vong, các vụ bắt giữ và truy tố diễn ra trên toàn quốc, nhiều nhân vật hàng đầu trong chính quyền của ông Trump từ chức.

Sau khi tham gia vào việc kích động cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, các tài khoản của ông Trump trên Twitter, Youtube và Facebook… đồng loạt bị đình chỉ. Ông Trump cũng trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên bị đề nghị phế truất 2 lần.

Tới ngày 20/1, Joseph R. Biden, vị thủ lĩnh Đảng Dân chủ trở thành Tổng thống mới sau cuộc bầu cử hỗn loạn bậc nhất lịch sử Mỹ. Cũng vào ngày này, Kamala Harris là người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ.

1/2: Đảo chính tại Myanmar

Trong một động thái đầy kịch tính, gây sốc trên toàn cầu và ngay tại Myanmar, quân đội Myanmar đã tiến hành đảo chính quân sự. Ông Min Aung Hlaing, nhà lãnh đạo quân đội Myanmar tự tuyên bố là Thủ tướng và cho biết sẽ điều hành đất nước trong giai đoạn áp dụng tình trạng khẩn cấp cho tới khi Myanmar tổ chức tổng tuyển cử để bầu ra chính quyền mới trong thời gian hai năm nữa. Cũng theo ông, tình trạng khẩn cấp được ban bố tại Myanmar sẽ kết thúc vào tháng 8/2023.

Theo AFP, cuộc chính biến ở Myanmar đánh dấu sự kết thúc giai đoạn dân chủ ngắn ngủi của nước này.

Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi - Lãnh đạo Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), người đoạt giải Nobel hòa bình năm 1991 bị phế truất và đối diện hàng loạt phiên tòa với nhiều tội danh. Tới tháng 12/2021, bà Suu Kyi bị kết án 4 năm tù vì kích động bất đồng chính kiến chống lại quân đội.

Sau động thái của quân đội, các cuộc biểu tình phản đối chính biến đã nổ ra trên khắp Myanmar. Một nhóm các quan chức thuộc chính quyền dân sự đã thành lập một mặt trận đấu tranh khiến Myanmar rơi vào “nội chiến”.

Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Myanmar dự kiến giảm 10% trong năm 2021. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cũng cảnh báo tác động tổng hợp của đại dịch và cuộc đảo chính có thể khiến gần một nửa dân số Myanmar sống trong cảnh nghèo đói vào năm tới.

24/2: Chương trình vaccine COVAX bắt đầu

Ngày 24/2/2021, COVAX (viết tắt của Covid-19 Vaccines Global Access) – chương trình nhân đạo được sáng lập nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine nhanh chóng và bình đẳng giữa các quốc gia trên toàn thế giới - bắt đầu phân phối 60.000 mũi vaccine đầu tiên tới Ghana.

Được sáng lập bởi Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với đối tác phân phối là Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), COVAX nhằm đảm bảo 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không đủ khả năng mua vaccine Covid-19 được tiếp cận bình đẳng với vaccine trong tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, COVAX cũng hỗ trợ việc mua vaccine cho hơn 97 quốc gia có thu nhập trên trung bình và thu nhập cao.

Với quan điểm trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, không ai an toàn cho tới khi tất cả đều an toàn, các tổ chức đã quyết định thiết lập COVAX nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng giữa các quốc gia trên toàn cầu đối với vaccine, từ đó sớm kiểm soát được dịch bệnh.

Theo Dự báo nguồn cung mới nhất, COVAX đã điều chỉnh mục tiêu hoàn thành việc mua và phân bổ công bằng 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2021 sang quý I năm 2022 vì lý do thiếu hụt về nguồn cung vaccine.

11/3: Tác phẩm nghệ thuật NFT đầu tiên được đấu giá

Everyday: The First 5000 Days - một tác phẩm nghệ thuật NFT (Non-Fungible Token) của Beeple, nghệ sỹ người Mỹ tên thật là Mike Winkelmann đã được bán đấu giá với số tiền lên đến 69 triệu USD.

Đây là mức giá cao nhất từng được trả cho một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số từ trước tới nay và cũng là tác phẩm NFT đầu tiên được bán đấu giá. Theo tổ chức đấu giá Christie’s, tác phẩm này trở thành “1 trong 3 tác phẩm giá trị cao nhất” đối với một nghệ sĩ còn sống.

Cũng kể từ dấu mốc này, các tác phẩm nghệ thuật dạng NFT (vật phẩm ảo do công nghệ blockchain chứng thực bằng chữ ký số, không thể sao chép hay làm nhái), cũng như các tài sản kỹ thuật số khác trở thành cơn sốt trên toàn cầu.

23 - 29/3: Kênh đào Suez ách tắc, chuỗi cung ứng toàn cầu rối loạn

Ever Given - siêu tàu chở hàng có chiều dài bằng độ cao của toà nhà Lanmark 81 (TP.HCM) mắc kẹt chắn ngang kênh đào Suez vào ngày 23/3/2021, kéo theo nhiều hệ quả.

Theo Reuters, kênh đào Suez chiếm khoảng 30% lưu lượng tàu container trên thế giới mỗi ngày. Đây là tuyến vận tải quan trọng hàng đầu đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ.

Với việc các tàu không thể lưu thông, thị trường dầu mỏ, tốc độ vận chuyển hàng hoá toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến giá cả hàng hoá gia tăng tại nhiều khu vực. Trang Politico dẫn các số liệu ước tính vụ tàu Ever Given bị kẹt ở kênh đào Suez gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 400 triệu USD mỗi giờ.

Vụ tàu Ever Given mắc kẹt khiến hoạt động giao thương đi qua kênh đào Suez hầu như tê liệt. Hơn 200 tàu đang tắc nghẽn ở hai đầu kênh đào dài khoảng 190 km này. Nhiều tàu chở dầu bị mắc kẹt tại đây được cho là nguyên nhân khiến giá dầu tăng khoảng 5%.

5/5: SpaceX thử nghiệm hạ cánh thành công tàu Starship

Sau 4 lần thất bại, ngày 5/5, nguyên mẫu Starship mới nhất của SpaceX đã thực hiện chuyến bay thử lên độ cao lớn và hạ cánh thành công lần đầu tiên. Bốn phiên bản tiền nhiệm của SN15 đều vỡ thành nhiều mảnh sau những chuyến bay thử tương tự trong 5 tháng trước đó.

SpaceX đang phát triển tàu Starship để chở người và hàng hóa lên Mặt Trăng, sao Hỏa và nhiều địa điểm xa xôi khác.

Lần thử nghiệm thành công này cũng được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho SpaceX, đặc biệt sau khi hãng này giành hợp đồng phát triển tàu vũ trụ đưa người lên Mặt Trăng của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Tới ngày 16/9/2021, SpaceX đã một lần nữa tạo nên lịch sử khi các phi hành gia không chuyên trong sứ mệnh Inspiration4 của Tập đoàn trở về trái đất an toàn. Đây là nhóm du hành dân sự đầu tiên vào vũ trụ trong chương trình của SpaceX khởi động lĩnh vực du lịch không gian.

Hiện SpaceX chưa tiết lộ mức giá chính xác của chuyến đi này, song giới phân tích ước tính có thể lên tới hàng chục triệu USD. Cho đến nay, SpaceX đã đưa trên 10 phi hành gia lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), nhưng đây sẽ là lần đầu tiên tập đoàn này đưa các nhà du hành không chuyên lên vũ trụ.

31/5: biến chủng Delta xuất hiện

Biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây lan nhanh chóng xuất hiện, trở thành cơn ác mộng mới của nhiều quốc gia trên toàn cầu, nhất là khi các nỗ lực khôi phục kinh tế chỉ mới bắt đầu sau các đợt sóng lây nhiễm trước đó. Tính tới ngày 13/12/2021, biến chủng Delta đã trở thành chủng “thống trị” trên toàn cầu và lan tới 192 quốc gia.

Trước đó, vào tháng 7/2021, 83% các ca nhiễm tại Mỹ là do biến chủng Delta gây ra. Đây cũng là nguồn cơn gây ra làn sóng lây nhiễm thảm khốc tại Ấn Độ, xuất phát từ tháng 3/2021. Trong 3 tháng từ tháng 4 tới tháng 6, làn sóng lây nhiễm thứ hai đã khiến hơn 200.000 người Ấn Độ thiệt mạng, nhiều hơn 50% tổng số ca tử vong tại Ấn Độ kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Với tốc độ lây lan nhanh chóng, biến chủng Delta đã tạo nên cơn ác mộng tồi tệ với hệ thống y tế. Việc thiếu hụt giường bệnh, thiếu oxy, vaccine và hạ tầng y tế khác đã khiến Ấn Độ ghi nhận số lượng người chết kỷ lục. Tính tới ngày 13/12/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ cho biết có 475.636 người tử vong vì Covid-19 tại quốc gia này.

28/10: Facebook theo đuổi cuộc chơi Metaverse

Facebook, mạng xã hội có sức ảnh hưởng rộng lớn trên toàn cầu đổi tên thành Meta vào tháng 11/2021. Ngay sau đó, hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi khác cũng thể hiện tham vọng trong cuộc chơi Metaverse – phát triển đa vũ trụ ảo.

Mark Zuckerbeg, Giám đốc điều hành Facebook cho biết, Facebook chuyển mình từ một công ty mạng xã hội sang công ty đa vũ trụ ảo. Công ty đã đầu tư mạnh tay vào việc phát triển các thiết bị thực tế ảo và thực tế tăng cường như tai nghe và kính. Facebook được cho là sẽ tạo ra 10.000 việc làm ở Liên minh châu Âu để truyền sức sống cho đa vũ trụ ảo.

Metaverse có thể bao quát nhiều thứ mới lẫn cũ trong lĩnh vực giải trí và công nghệ thông tin. Nó sẽ mở rộng các công nghệ Internet hiện có và người dùng sở hữu máy tính, smartphone, kính thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), thực tế hỗn hợp (MR), và công nghệ thế giới ảo (Virtual World) đều có thể truy cập vào các metaverse.

Các công ty công nghệ đang nỗ lực tìm kiếm biên giới tiếp theo khi Internet, mạng xã hội và thiết bị thông minh đã trở thành công cụ hằng ngày không thể thiếu. Facebook coi metaverse là “sự kế thừa của Internet di động” khi quyết định đổi tên thành Meta. Trong khi đó, Microsoft, Apple và Google không ngừng đổ nguồn lực vào công nghệ VR và AR.

Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc cũng cảm nhận được cơ hội. Tập đoàn trò chơi điện tử và dịch vụ mạng xã hội Tencent đã nộp gần một trăm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu liên quan đến metaverse kể từ tháng 9/2021. Hãng thương mại điện tử Alibaba cũng đăng ký một số nhãn hiệu liên quan. Một ngày sau khi Facebook thông báo đổi tên, công ty công cụ tìm kiếm Trung Quốc Baidu đã nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu cụm từ “metaapp”.

11/11: Ông Tập Cận Bình định hình lại nền kinh tế Trung Quốc

Ngày 11/11, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua nghị quyết về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử 100 năm phấn đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nghị quyết lịch sử này sẽ củng cố hơn nữa sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình cũng như định hình đặc trưng của nền chính trị Trung Quốc trong những năm tới và có thể là những thập kỷ tới.

Đây mới chỉ là lần thứ ba "nghị quyết lịch sử" được thông qua kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập năm 1921. Hai lần thông qua nghị quyết trước đó, một lần vào năm 1945 và một lần vào năm 1981.

Trong năm 2021, chính quyền Bắc Kinh đã có hàng loạt động thái thay đổi chính sách đối với nhiều lĩnh vực, ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế, trong đó phải kể tới việc quan sát chặt chẽ ngành công nghiệp Internet và lĩnh vực giải trí, siết chặt các biện pháp kiểm soát những ngành công nghiệp lớn như luyện thép, khai khoáng, thị trường bất động sản...

Chuyên đề