Thấy gì từ tốc độ tăng các loại giá sản xuất, kinh doanh?

0:00 / 0:00
0:00
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các loại giá bao gồm các loại giá trực tiếp sản xuất, kinh doanh và giá tiêu dùng đã cùng tăng. Thấy gì từ tốc độ tăng các loại giá này?...
Nhiều yếu tố trên sẽ tạo sức ép cho CPI, làm cho CPI cả năm sẽ tăng cao hơn mục tiêu.
Nhiều yếu tố trên sẽ tạo sức ép cho CPI, làm cho CPI cả năm sẽ tăng cao hơn mục tiêu.

Trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tăng đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ tăng lên.

GIÁ TRỰC TIẾP SẢN XUẤT, KINH DOANH

Giá trực tiếp sản xuất kinh doanh bao gồm giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất, giá vận tải, kho bãi và giá sản xuất.

Giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng tương đối cao. Nếu phân theo mục đích sử dụng thì sử dụng cho sản xuất nông, lâm nghiệp – thủy sản tăng cao nhất (10,01%), sử dụng cho xây dựng (9,32%), sử dụng cho sản xuất công nghiệp (5,78%). Nếu phân theo ngành sản phẩm, thì sản phẩm công nghiệp tăng cao nhất (6,43%), tiếp đến là dịch vụ xây dựng chuyên dụng (5,96%), sản phẩm nông, lâm nghiệp – thủy sản (5,88%)…

Tuy nhiên, tốc độ tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất thấp hơn so với tốc độ tăng giá của xuất khẩu (6,04% so với 8,03%). Điều đó làm cho một số mặt hàng xuất khẩu có lợi hơn là để tiêu dùng trong nước, nhất là phân bón, thức ăn gia súc, sắt thép, ximăng… Trạng thái đó làm cho xuất khẩu tăng cao, trong khi sản xuất của một số ngành sử dụng các mặt hàng đó lại gặp khó khăn. Tốc độ tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng thấp xa so với tốc độ tăng giá nhập khẩu (6,04% so với 11,21%) được lý giải bằng hai yếu tố.

Một là, nhờ tỷ giá VND/USD bình quân 6 tháng năm nay giảm nhẹ (0,2%) so với cùng kỳ, làm cho tốc độ tăng giá tính bằng VND thấp xuống so với tốc độ tăng giá nhập khẩu tính bằng USD.

Hai là, việc tăng giá nhập khẩu được chia nhiều cho nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất, một phần cho thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng – đây là một yếu tố làm cho CPI 6 tháng tăng thấp (2,44%).

Giá vận tải, kho bãi tăng cao thứ hai sau tốc độ tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất (5,86% so với 6,04%). Trong đó, giá dịch vụ vận tải hàng không tăng cao nhất (18,32%), giá dịch vụ vận tải đường thủy tăng cao thứ hai (12,91%), chủ yếu do dịch vụ vận tải đường ven biển và viễn dương (14,28%) do ngành này liên quan đến giá dầu rẻ hơn xăng, tăng thấp hơn giá xăng. Tuy nhiên, do giá vận tải đường biển tăng làm cho luân chuyển theo ngành vận tải đường biển 6 tháng tăng tới 41% (chủ yếu do nước ngoài thực hiện); còn luân chuyển hàng hóa theo ngành vận tải đường thủy nội bộ bị giảm tương đối sâu (giảm 11%). Đối với giá dịch vụ luân chuyển hành khách, tốc độ tăng chung đã khá cao (42,7%), nhưng hàng không tăng cao nhất (153,9%), tiếp đến là đường sắt (61,3%); còn đường bộ tăng thấp hơn (20,9%) và đường thủy nội địa còn tăng thấp hơn (19,6%).

Giá sản xuất 6 tháng đầu năm nay nhìn chung tăng thấp xa so với tốc độ tăng của giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất và giá vận tải kho bãi, càng thấp xa hơn so với tốc độ tăng của giá xuất khẩu và giá nhập khẩu. Trong các giá sản xuất, giá công nghiệp tăng cao hơn, trong đó Khai khoáng tăng cao nhất (22,85%) chủ yếu do giá than, giá dầu thô, giá xăng dầu đều tăng rất cao. Giá dịch vụ tăng khá (2,83%), trong đó giá vận tải kho bãi tăng cao nhất (5,86%); giá nông, lâm nghiệp – thủy sản tăng thấp nhất (1,38%), trong đó nông nghiệp bị giảm 0,09%, lâm nghiệp tăng 1,92%, thủy sản tăng 5,96%.

Trong điều kiện tốc độ tăng của giá nhập khẩu, giá xuất khẩu, giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất, giá vận tải, kho bãi là một sự thiệt thòi cho sản xuất. Đây là một trong những yếu tố làm cho tỷ suất lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp ở mức rất thấp; đồng thời, làm cho số doanh nghiệp bị giải thể, tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động mặc dù 6 tháng đầu năm nay có được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều. Điều đó ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025 (đến cuối tháng 6/2022 mới đạt khoảng 884,9 nghìn doanh nghiệp) và các mục tiêu khác (như tăng trưởng GDP, trở thành nước công nghiệp có xu hướng hiện đại, vượt thu nhập trung bình thấp…).

GIÁ TIÊU DÙNG THẤP, VÌ SAO?

CPI 6 tháng đầu năm còn thấp được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.

Thứ nhất, xét theo thời gian, nếu tính theo tháng (tháng sau so với tháng trước), trong 6 tháng có 2 tháng tăng thấp (tháng 1, tháng 4), có 4 tháng tăng cao hơn (tháng 2, tháng 3, tháng 5, tháng 6). Nếu xét theo sau 1 năm (tháng 6 năm nay so với cùng kỳ năm trước), sau 6 tháng (tháng 6/2022 so với tháng 12/2021), hay tính bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước (mục tiêu tính theo cách này), thì còn thấp so với mục tiêu cả năm.

Thứ hai, xét theo CPI bình quân 6 tháng so với cùng kỳ, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, chỉ có 2 nhóm tăng cao hơn tốc độ chung (giao thông tăng 17,43%, đồ uống và thuốc lá tăng 2,76%); có 7 nhóm khác tăng thấp hơn; 2 nhóm giảm (bưu chính viễn thông giảm 0,55%, giáo dục giảm 2,82%). Trong 7 nhóm tăng thấp hơn, đáng lưu ý có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (33,56%) - chỉ tăng 0,89%, trong đó thực phẩm (chiếm 21,28%) giảm 0,4%.

Thứ ba, so sánh CPI tháng 6 so với cùng kỳ thì của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cao nhất trong mấy chục năm, vượt xa so với mức định hướng, cao hơn nhiều của Việt Nam.

Thứ tư, các yếu tố của lạm phát, thì 6 tháng đầu năm chưa gây áp lực lớn. Tổng cầu tuy tăng lên nhưng vẫn còn yếu. Giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao nhưng chủ yếu chuyển vào chi phí sản xuất, chưa gây áp lực lớn đối với giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Yếu tố tài khóa - tiền tệ chưa gây áp lực lớn, khi ngân sách bội thu, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, nhất là gói cấp bù lãi suất còn đang triển khai; đặc biệt tỷ giá VND/USD tiếp tục giảm (0,2%), chứng khoán giảm, giá vàng chững lại và có xu hướng giảm.

Các yếu tố tác động đến lạm phát trong 6 tháng còn lại đã có diễn biến mới gần như đổi chiều so với 6 tháng đầu năm.

Yếu tố cầu kéo đã tăng mạnh trong tháng 6 (tổng mức bán lẻ quý 2 tăng 19,5%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 4,6% của quý 1, tính chung 6 tháng tăng 11,7%, có khả năng sẽ tăng tốc trong 6 tháng còn lại do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do thu nhập bị bào mòn và tiêu dùng bị dồn nén trong nhiều tháng vì đại dịch, nay tăng tốc do tỷ trọng tiêu dùng thông qua tự cấp, tự túc có xu hướng giảm xuống, cùng với sự tăng lên tương ứng của tỷ trọng tiêu dùng thông qua việc mua bán trên thị trường - tức là tốc độ tăng tổng mức bán lẻ sẽ phục hồi. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, trong đó đầu tư công sẽ có quy mô và tốc độ tăng cao lên; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP 6 tháng đạt 29,4%, cao hơn tỷ lệ tương ứng của quý 1 (26,3%).

Yếu tố chi phí đẩy bao gồm cả giá nhập khẩu tiếp tục tăng lên (nhập khẩu lạm phát); chi phí sản xuất tăng cao trong thời gian trước, nhưng chưa chuyển vào giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (CPI) trong thời gian trước, nay sẽ chuyển vào CPI; giá nhập khẩu tính bằng USD tăng, nhưng tính bằng VND tới đây sẽ tăng kép khi tỷ giá VND/USD có thể sẽ tăng lên trước sức ép tăng lãi suất đồng USD trên thế giới và để Việt Nam khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, để ngăn chặn khả năng xuất siêu trong 6 năm trước sang nhập siêu trong năm nay (tuy trong 6 tháng đã xuất siêu hàng hóa 709 triệu USD, nhưng nhập khẩu dịch vụ 8004 triệu USD).

Yếu tố tài khóa - tiền tệ cũng có xu hướng đổi chiều, khi gói hỗ trợ cấp bù lãi suất sẽ kéo theo 1 triệu tỷ đồng tín dụng ra lưu thông (vào 6 tháng cuối năm), tạo áp lực lên CPI. Nếu tỷ giá VND/USD tăng sẽ làm cho giá nhập khẩu tăng kép (vừa tăng do giá nhập khẩu tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng); đó là chưa kể lượng nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng do vẫn còn bị đứt gãy, trong khi nhu cầu lượng nhập khẩu tăng. Sự chuyển dịch dòng tiền từ các thị trường khác có xu hướng chuyển sang thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cũng tạo sức ép cho CPI. Bội thu ngân sách trong 6 tháng cuối năm sẽ khó giữ được như đầu năm do cấp bù lãi suất, do giảm thuế, phí xăng dầu,…

Khi lạm phát tăng thì yếu tố tâm lý cũng bị ảnh hưởng, vòng quay tiền tệ tăng, tâm lý găm giữ hàng hóa, vàng, USD tăng.

Những yếu tố trên sẽ tạo sức ép cho CPI, làm cho CPI cả năm sẽ tăng cao hơn mục tiêu; đã có dự báo khả năng CPI bình quân năm sẽ ở mức trên 5,5%.

Chuyên đề