Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng chi phí giải quyết kiến nghị giúp nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị cho nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều năm qua, việc lập hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu cho thấy có nhiều bất cập. Đó là chi phí cho hội đồng thấp, ảnh hưởng đến việc thành lập hội đồng và giải quyết kiến nghị của nhà thầu. Cùng với đó là kết luận của hội đồng chưa được thực thi nghiêm túc…
Trong báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2022, một số địa phương đề xuất nâng mức chi phí tối thiểu cho hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội đề xuất nâng lên tối thiểu 10 triệu đồng.
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk, hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị bao gồm các thành viên đại diện của cơ quan có thẩm quyền, đại diện hội nghề nghiệp có liên quan, nên chi phí 0,02% giá dự thầu và tối thiểu là 1 triệu đồng là quá thấp. Đắk Lắk đề nghị nâng mức tối thiểu lên 20 triệu đồng, cũng là để những nhà thầu muốn kiến nghị phải cân nhắc, hạn chế các trường hợp kiến nghị “chỉ để cho vui”, hoặc kiến nghị “chỉ để phá rối cuộc thầu”.
Về phía nhà thầu, ông Trần Quang Tuyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường cho rằng, nhà thầu sẵn sàng tăng chi phí giải quyết kiến nghị, nhưng hội đồng tư vấn phải xứng đáng đóng vai trò là trọng tài phân định đúng, sai trong cuộc thầu. Cùng với đó, các bên liên quan phải chấp hành nghiêm túc kết quả giải quyết kiến nghị. Trường hợp nhà thầu kiến nghị đúng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm đền bù các chi phí, thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà thầu.
Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4 lại có quan điểm khác. Theo ông Thọ, các thành viên tham gia hội đồng phần lớn là công chức, cán bộ nhà nước, nên cần làm chỗ dựa để giúp nhà thầu tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi họ cần. Ông Thọ cho rằng, đề xuất tăng mức chi phí tối thiểu cần phải được cân nhắc, bởi điều đó có thể hạn chế nhà thầu kiến nghị khi thấy gói thầu có bất thường.
Chưa có chế tài buộc chủ đầu tư phải thực thi kết quả giải quyết kiến nghị đấu thầu của hội đồng tư vấn. Ảnh: Nhã Chi |
Điều đáng quan tâm hơn, theo ông Thọ, là ở Việt Nam hiện chưa có cơ chế cụ thể nào bắt buộc các chủ đầu tư phải chấp hành kết quả giải quyết kiến nghị của hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.
Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Khánh Anh đồng tình với đề xuất tăng chi phí của nhà thầu khi kiến nghị, nhưng cho rằng, cần bổ sung chế tài buộc chủ đầu tư phải thực thi kết quả giải quyết kiến nghị. Thực tế hoạt động đấu thầu tại tỉnh Khánh Hòa vừa qua cho thấy, có tình trạng một số chủ đầu tư đã “phớt lờ” kết quả giải quyết kiến nghị của hội đồng, khiến nhà thầu vừa mất thời gian, vừa mệt mỏi với việc theo đuổi kiến nghị của mình.
Theo bà Phạm Thị Thúy Hà, Trưởng ban Quản lý đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chi phí không phải là vấn đề quan trọng, mà quan trọng là cần ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi nêu kiến nghị. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát chất lượng giải quyết kiến nghị của hội đồng tư vấn.
Từ góc nhìn chuyên gia, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, có thể nâng chi phí tối thiểu để tăng cường trách nhiệm của cơ quan giải quyết kiến nghị, cũng như hạn chế tình trạng nhà thầu kiến nghị không chính xác, làm rối các cuộc thầu. Tuy nhiên, cần phải tạo ra sự bình đẳng trong giải quyết kiến nghị để bảo đảm quyền lợi chính đáng và công bằng cho nhà thầu. Nếu kết quả giải quyết kiến nghị cho thấy, bên mời thầu hoặc cấp có thẩm quyền sai thì người làm sai phải có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ các chi phí cho nhà thầu, trong đó có chi phí giải quyết kiến nghị.
Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Group nhận định, về nguyên tắc, ngân sách nhà nước không chi trả chi phí cho hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị. Nếu có nguồn chi phí tốt, hội đồng sẽ mời được các chuyên gia giỏi tham gia phân định đúng, sai trong cuộc thầu. Tuy nhiên, hoạt động của hội đồng chỉ có ý nghĩa thực sự nếu kết quả giải quyết kiến nghị được xem là phán quyết của trọng tài, các bên phải chấp hành, thực hiện. Đây là điểm cần nghiên cứu, bổ sung, nhằm tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà thầu.