Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Tình trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng luôn đặt ra những thử thách lớn đối với ngành thanh tra nói chung và Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nói riêng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Do đó, Thanh tra Bộ cần bản lĩnh hơn, quyết tâm hơn, có phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện khoa học để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung thanh tra các dự án thuộc các lĩnh vực được xã hội quan tâm như: dự án giao thông, thủy lợi quy mô lớn; dự án bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng; dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO… Ảnh: Lê Tiên
Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung thanh tra các dự án thuộc các lĩnh vực được xã hội quan tâm như: dự án giao thông, thủy lợi quy mô lớn; dự án bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng; dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO… Ảnh: Lê Tiên

Ông Lương Văn Kết, Chánh thanh tra Bộ KH&ĐT chia sẻ với Báo Đấu thầu nhân dấu mốc 20 năm ngày thành lập cơ quan Thanh tra Bộ (19/8/2003 - 19/8/2023).

Ông Lương Văn Kết

Ông Lương Văn Kết

Với cương vị là người đứng đầu Thanh tra Bộ KH&ĐT, ông đánh giá thế nào về quá trình phát triển của đơn vị trong 20 năm qua?

Thanh tra Bộ KH&ĐT được thành lập ngày 19/8/2003 theo Quyết định số 614/QĐ-BKH của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra Sở KH&ĐT được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004 và tạo thành hệ thống Thanh tra ngành KH&ĐT trên cả nước (ở Trung ương là Thanh tra Bộ, ở địa phương là Thanh tra Sở). Thanh tra Bộ thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; giúp Bộ trưởng quản lý về công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

Từ khi thành lập đến nay, Thanh tra Bộ đã từng bước trưởng thành, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Từ chỗ hàng năm chỉ tiến hành một vài cuộc thanh tra, vừa thanh tra vừa học hỏi thanh tra các bộ, ngành khác, đến nay, Thanh tra Bộ tiến hành trung bình 10 đến 12 cuộc thanh tra, kiểm tra mỗi năm theo chuyên đề, diện rộng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Hệ thống văn bản pháp luật, quy trình nghiệp vụ, biểu mẫu trong hoạt động thanh tra KH&ĐT ngày càng hoàn thiện. Vị trí của Thanh tra Bộ trong hệ thống thanh tra các cơ quan nhà nước ngày càng được khẳng định. Kết quả công tác thanh tra đã đóng góp lớn vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực KH&ĐT nói riêng.

Xin ông chia sẻ một số kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ KH&ĐT trong 20 năm qua?

Trong 20 năm qua, Thanh tra Bộ đã triển khai 186 cuộc, gồm 149 cuộc thanh tra chuyên ngành và 37 cuộc thanh tra hành chính. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về kinh tế với số tiền 10.472 tỷ đồng và trên 67 triệu USD (trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách là 1.060 tỷ đồng; giảm trừ khi thanh toán, quyết toán là 568 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 8.844 tỷ đồng và trên 67 triệu USD); kiến nghị thu hồi 57 dự án đầu tư, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 12.185 tỷ đồng và 15 triệu USD, tổng diện tích đất đăng ký khoảng 5.269,7 ha.

Thông qua 149 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về công tác quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng ở các lĩnh vực được xã hội quan tâm như: dự án giao thông, thủy lợi quy mô lớn; dự án bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng; dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO; thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu công; thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư… cũng như thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Thanh tra Bộ đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục. Những đề xuất, kiến nghị từ thực tiễn rất có giá trị, đóng góp vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư công, đầu tư ở khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp, quy hoạch...

Bên cạnh đó, thông qua 37 cuộc thanh tra hành chính trong 20 năm qua, Thanh tra Bộ đã kiến nghị với Lãnh đạo Bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị khắc phục những sai sót, khuyết điểm, phát huy yếu tố tích cực trong công tác quản lý của mình, đồng thời giúp Thủ trưởng đơn vị được thanh tra nắm rõ tình hình hoạt động của các đơn vị, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng nề nếp, nâng cao hiệu quả công việc và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Nhờ những kết quả trong hoạt động, Thanh tra Bộ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2019; Huân chương Lao động hạng Hai năm 2014; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2009. Tập thể và cá nhân Thanh tra Bộ nhận được nhiều cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Tổng Thanh tra Chính phủ. Tập thể Thanh tra Bộ đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc liên tục trong 19 năm (2004 - 2022).

Bên cạnh những kết quả đạt được, xin ông chia sẻ khó khăn, thách thức mà Thanh tra Bộ KH&ĐT gặp phải hiện nay là gì?

Nhìn chung, số lượng cán bộ, công chức thanh tra tương đối mỏng, các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Thanh tra Bộ ngày càng nhiều, nên việc bố trí nhân sự tham gia các đoàn thanh tra hoặc phân công thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác gặp không ít khó khăn. Mặt khác, do lực lượng mỏng nên chưa thể thanh tra được hết các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT (các cuộc thanh tra mới chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách).

Bên cạnh đó, tình trạng chồng chéo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra vẫn xảy ra giữa các cơ quan thanh tra và cơ quan Kiểm toán nhà nước. Điều này, không chỉ gây khó khăn cho các cơ quan Thanh tra mà cũng cho cả đối tượng được thanh tra, kiểm tra.

Tình trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng luôn đặt ra những thử thách lớn đối với ngành thanh tra nói chung và Thanh tra KH&ĐT nói riêng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Do đó, Thanh tra Bộ cần phải vững vàng, bản lĩnh, quyết tâm hơn, có phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện khoa học, khách quan, đúng pháp luật, không chùn bước trước những khó khăn, thử thách, không nóng vội, chủ quan, quyết tâm đổi mới hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với cương vị Chánh thanh tra Bộ KH&ĐT, ông có thông điệp gì gửi gắm tới đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra của Ngành?

Để đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn công việc cũng như yêu cầu công tác quản lý nhà nước của ngành KH&ĐT, thời gian tới, Thanh tra Bộ nói riêng và Thanh tra ngành KH&ĐT nói chung phải nâng cao năng lực hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.

Với cương vị là người đứng đầu đơn vị Thanh tra Bộ KH&ĐT, tôi mong muốn phát huy những kết quả đạt được trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ thanh tra ngành vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, nghiệp vụ ngày càng tinh thông, tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác, đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao trong nội bộ; góp phần vào sự phát triển của ngành KH&ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chuyên đề