Thanh khoản quay lại thời hoàng kim, vốn ngoại tiếp tục “múc” ròng

0:00 / 0:00
0:00
Sau nhiều phiên thận trọng, dòng tiền đang giải ngân mạnh mẽ, hôm nay đẩy quy mô khớp lệnh hai sàn niêm yết vọt lên trên 30,5 ngàn tỷ đồng. Nếu tính cả thỏa thuận lẫn UpCOM, giao dịch vượt 34 ngàn tỷ đồng. Đây là con số tương đương mức trung bình thời kỳ hoàng kim về thanh khoản...
Nhóm blue-chips tuy không mạnh, nhưng đủ khỏe để giữ nhịp chung. Phần còn lại là do dòng tiền vận động chọn lọc cổ phiếu và nhóm ngành.
Nhóm blue-chips tuy không mạnh, nhưng đủ khỏe để giữ nhịp chung. Phần còn lại là do dòng tiền vận động chọn lọc cổ phiếu và nhóm ngành.

Sau nhiều phiên thận trọng, dòng tiền đang giải ngân mạnh mẽ, hôm nay đẩy quy mô khớp lệnh hai sàn niêm yết vọt lên trên 30,5 ngàn tỷ đồng. Nếu tính cả thỏa thuận lẫn UpCOM, giao dịch vượt 34 ngàn tỷ đồng. Đây là con số tương đương mức trung bình thời kỳ hoàng kim về thanh khoản.

Điểm khác lạ nhất trong phiên bùng nổ thanh khoản nay sao với giai đoạn trước là cổ phiếu ngân hàng không đóng vai trò lớn. STB và VPB là hai cổ phiếu duy nhất thuộc nhóm ngân hàng lọt được vào Top 20 giá trị giao dịch phiên này.

Tính chung các mã ngân hàng tại HoSE, mức giao dịch hôm nay chỉ đạt 3.647,4 tỷ đồng, tuy có tăng 51% so với hôm qua, nhưng giai đoạn nhóm này kiến tạo thanh khoản lớn cho thị trường chung, giao dịch trung bình hàng ngày ở ngưỡng 5-7 ngàn tỷ đồng.

Điều này nghĩa là dòng tiền chưa ưu tiên nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng và tài chính nói chung. Trong khi đó giao dịch ở các nhóm cổ phiếu khác cực kỳ sôi động. Nếu căn cứ vào Top 20 mã khớp lệnh lớn nhất thị trường (chiếm 37% tổng giá trị hai sàn) thì dòng tiền đang vận động mạnh tại nhóm cổ phiếu bất động sản và thép.

Đối với các mã ngành thép thì HPG xưa nay vốn nổi tiếng thanh khoản lớn, nhưng HSG, NKG cũng giao dịch rất nổi bật. Cả 3 mã thép này đều tăng giá, dù HPG khá nhẹ, còn HSG tăng 1,57%, NKG tăng 4,33%.

Nhóm bất động sản thì quá nổi bật cả về thanh khoản lẫn biến động giá. NVL, HAG, DXG, CII, DIG, FLC, VCG, NLG, PDR, KBC, CEO giúp nhóm bất động sản chiếm ưu thế tuyệt đối về dòng tiền phiên này. FLC, NLG và CEO là 3 mã giảm giá, còn lại đều tăng mạnh. Nhóm bất động sản nhỏ còn tăng dữ dội hơn.

Điểm khá bất ngờ là khi thanh khoản đang phục hồi rõ rệt từ mấy phiên nay thì nhóm cổ phiếu chứng khoán lại chưa chuyển động đáng chú ý. Những cổ phiếu nhóm chứng khoán nhỏ tăng rất khá như APS, ART, VIG, CTS, HBS, BMS, IVS đều tăng trên 2%, nhưng các blue-chips lại kém hơn nhiều: SSI tăng 0,11%, HCM tăng 1,13%, VND tăng 0,47%, VCI tăng 0,5%...

Rất có thể dòng tiền hiện đang vận động theo nhóm ngành nhưng vẫn ưu tiên các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trước. Điều này có thể hiểu được vì các mã nhỏ, thanh khoản ít thì biên độ tăng giá lại nhiều hơn các blue-chips. Ngay cả với nhóm đang rất mạnh hiện tại là bất động sản cũng vậy.

Ở góc độ vốn hóa, nhóm VN30 hôm nay chỉ chiếm 27,5% tổng mức khớp lệnh của sàn HoSE hôm nay, đang tụt dần từ đầu tuần, so với trung bình 30% tuần trước. Trong khi đó nhóm Midcap – rổ tập trung nhiều mã bất động sản trung bình và nhỏ - lại giao dịch rất lớn, đạt 11.713 tỷ đồng hôm nay và chiếm 43,8% giá trị sàn HoSE.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang hành động khá bất ngờ. Sau phiên đầu tuần mua ròng hơn 1.100 tỷ đồng trên HoSE thì hôm nay vào tiếp 536,9 tỷ ròng nữa. Khối này giải ngân tổng hợp trên HoSE khoảng 1.750 tỷ đồng, tương đương 6,1% tổng giao dịch của sàn. DGC được mua ròng đột biến 244,5 tỷ, tiếp đến là STB với gần 96 tỷ, GEX hơn 92 tỷ, VRE xấp xỉ 72 tỷ, VHM trên 67 tỷ. Phía bán ròng duy nhất NVL -144 tỷ và VNM -46,2 tỷ là đáng kể.

VN-Index chiều nay thoái lui khỏi đỉnh cao của ngày do ảnh hưởng từ một số mã vốn hóa lớn.

VN-Index chiều nay thoái lui khỏi đỉnh cao của ngày do ảnh hưởng từ một số mã vốn hóa lớn.

Thị trường chiều nay không tiến triển mạnh thêm về tổng thể, khi VN-Index chỉ đi ngang tương đương với mức cao của phiên sáng. Thực ra khoảng 30 phút đầu phiên chiều chỉ số có tiến lên đỉnh cao mới (trong ngày) tại 1.507,71 điểm (tăng 0,85% so với tham chiếu) nhưng sau đó lại tụt xuống và kết phiên chỉ còn tăng 0,59%.

Lý do chính khiến chỉ số không lập được đỉnh cao mới trong phiên là do vài mã lớn đã hãm đà đi lên. Cụ thể, VHM, VCB, GAS, VPB, NVL, MSN hạ bớt độ cao cuối phiên kết hợp với VNM, BID giảm nhiều hơn. Dù vậy lực đỡ chính từ rổ VN30 vẫn đảm bảo VN-Index đứng chân trên mốc 1.500 điểm.

Điều quan trọng nữa là dòng tiền phát tín hiệu gia nhập thị trường ở quy mô lớn rõ rệt. Sau những ngày giao dịch thận trọng, nhà đầu tư mua nhiều hơn là một biểu hiện rất tốt. Thị trường cần dòng tiền vận động mạnh để tạo sôi động, còn chỉ số ít liên quan hơn. Đây cũng là đặc điểm thường thấy ở giai đoạn tích lũy cho mua báo cáo tài chính hàng quý, khi nhà đầu tư “đãi cát tìm vàng”.

Chuyên đề