Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Ảnh: MPI) |
Sáng 5/7/2022, Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên coi việc lập quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Tỉnh đã sử dụng hết trí tuệ, công sức của tập thể, nhân dân, tham mưu tất cả các chuyên gia, nhà khoa học để có được tâm huyết tốt nhất đưa ra trong Quy hoạch tỉnh.
Theo đó, báo cáo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên sẽ trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, Tỉnh trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao, trung tâm giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch, dịch vụ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Các khâu đột phá trong quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được chỉ ra là, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng gắn với phát triển đô thị và công nghiệp tại các khu vực phía Nam của Tỉnh; đẩy mạnh việc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về không gian phát triển, Quy hoạch Tỉnh định hướng phát triển theo 2 vùng: Bắc Thái Nguyên với các khu chức năng bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái và hỗn hợp; Nam Thái Nguyên sẽ là vùng động lực với các khu chức năng cụm đô thị tích hợp, đô thị vệ tinh Phú Bình và Đại Từ…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Thái Nguyên đã có những thay đổi rất lớn, đã có sự năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, làm thế nào để tốt hơn là vấn đề khó, do đó, bản Quy hoạch Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần nhận diện được các tiềm năng, lợi thế, các yếu tố mới để Tỉnh có thể phát triển trình độ cao hơn. Ngoài ra, trong bối cảnh đang có rất nhiều yếu tố mới, như quan điểm phát triển mới, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi..., Thái Nguyên cần phải có định hướng mới để vượt qua thách thức, tận dụng được hết các cơ hội; có cách tiếp cận mới, tư duy, tầm nhìn mới, sắp xếp lại không gian phát triển để đạt được hiệu quả cao nhất, mang nhiều lợi ích đến các địa phương, vùng và cả nước.
Tổng hợp nhận xét, đánh giá đối với Hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định cho biết, qua tổng hợp ý kiến tham gia thẩm định của 19 bộ, cơ quan ngang bộ và 5 chuyên gia phản biện đối với Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên, Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC)…, hồ sơ Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc khóa XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Báo cáo quy hoạch, Báo cáo ĐMC được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính khoa học và cơ bản đáp ứng yêu cầu được quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đối với các nội dung trong phần Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên, Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định đề nghị bổ sung, đánh giá thêm đối với các vấn đề về vai trò, vị trí của Tỉnh trong vùng; các khu vực đặc biệt khó khăn; thế mạnh, lợi thế chưa phát huy được (về vị trí, về tiềm năng, về con người, các yếu tố xã hội,…); tỷ lệ đô thị hóa của huyện Đại Từ, huyện Phú Bình; hiện trạng phát triển ngành xây dựng, kết quả đạt được so với mục tiêu quy hoạch thời kỳ trước, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
Bổ sung, đánh giá thêm đối với mục tiêu quy hoạch đưa Thái Nguyên thành trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 8 - 8,5% trong giai đoạn 2021 - 2030, dân số tăng từ 1,307 triệu người năm 2020 lên 1,517 triệu người năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 32% lên 60%, GDP đầu người đạt khoảng 9000 USD vào năm 2030. Theo đó, đề nghị phân tích, làm rõ các cân đối về vốn, nhân lực, đất đai, năng lượng để đạt được mục tiêu này, đặc biệt về nhu cầu về chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thu hút nhân lực.
Bổ sung thêm hiện trạng phát triển khu du lịch (số lượng, thị trường khách du lịch; cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch...); cụ thể hơn phương hướng phát triển văn hóa các dân tộc. Rà soát đảm bảo tính thống nhất của kế hoạch phân loại đô thị tỉnh Thái Nguyên với kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021; phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật tại phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; mạng lưới cấp nước; mạng lưới thoát nước và cao độ nền; phát triển nghĩa trang và nhà tang lễ liên huyện; phương án về vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ dự kiến, phạm vi tiếp nhận chất thải để xử lý của các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng…
Bổ sung giải pháp để phát triển công nghiệp Thái Nguyên đa ngành, đa lĩnh vực; giải pháp về quy hoạch, mô hình quản lý, nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch; giải pháp về đầu tư tài chính dành cho khoa học và công nghệ…
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu