Thách thức cung ứng điện năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2023 vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, sản lượng điện thương phẩm năm nay sẽ tăng khoảng 9 tỷ kWh so với năm 2022 (năm 2022 là 242,3 tỷ kWh, năm 2023 là 251,28 tỷ kWh). Trong khi đó, tiến độ thực hiện một số dự án điện chưa đáp ứng yêu cầu khiến việc đảm bảo cung ứng điện năm 2023 thấy trước khó khăn.
Tiến độ một số dự án nguồn và lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu. Ảnh: Nhã Chi
Tiến độ một số dự án nguồn và lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu. Ảnh: Nhã Chi

Lo tiến độ nhiều dự án

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận định, việc đảm bảo cung ứng điện năm nay dự báo sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là tiến độ một số dự án nguồn và lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu, còn những vướng mắc cần được tháo gỡ.

Nhìn vào tiến độ Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - một trong những dự án yếu kém ngành Công Thương đã được các cấp vào cuộc nhiều năm qua với hy vọng “hồi sinh”, cho đến nay, Dự án vẫn còn vướng mắc. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện dầu khí Thái Bình 2 cho hay, các vướng mắc liên quan đến việc chưa ký được hợp đồng mua bán điện và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ gửi Bộ Công Thương, EVN chỉ đạo phải có kết quả về việc xử lý vướng mắc tại Dự án trước ngày 10/1/2023.

Bên cạnh đó, tại 2 công trình truyền tải điện từ Lào về Việt Nam, theo Ban Quản lý dự án điện 2 - đơn vị được EVN giao điều hành, quản lý Dự án Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và đường dây 220 kV đấu nối từ Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (Lào) vào Hệ thống điện Việt Nam, Dự án dự kiến hoàn thành trong quý II/2023 nhưng hiện đang gặp khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thời gian thực hiện công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên kéo dài, tiếp đến là vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Với Dự án Trạm cắt 220 kV Bờ Y và các đường dây 220 kV đấu nối từ cụm Nhà máy Thủy điện NamKong 1, 2, 3 (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam, Dự án đang chậm khoảng 6 tháng so với kế hoạch do vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 diễn ra mới đây, EVN cho biết, năm qua, một số dự án nguồn điện quan trọng bị chậm tiến độ như: Nhiệt điện Ô Môn IV, Nhiệt điện Dung Quất I&III, Thủy điện Trị An mở rộng, Thủy điện tích năng Bắc Ái… Khối lượng các dự án lưới điện đạt thấp so kế hoạch.

Trong khi tiến độ nhiều dự án nguồn điện và lưới điện gặp khó, ông Võ Quang Lâm cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, mực nước trên sông Đà và các dòng sông phía Bắc giảm sút, đặt ra thách thức không nhỏ cho việc đảm bảo đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và sản xuất điện. Bên cạnh đó, giá than, xăng dầu vẫn biến động mạnh theo xu hướng bất lợi cho sản xuất điện.

Nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội

Dù đối mặt với một loạt khó khăn, thách thức, nhưng lãnh đạo EVN khẳng định, trong năm 2023, EVN sẽ thực hiện các giải pháp vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án, công trình nguồn và lưới điện.

Cụ thể, Tập đoàn tập trung thi công 3 dự án nguồn điện (Thủy điện Ialy mở rộng, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I); khởi công và hoàn thành phát điện thương mại các dự án điện mặt trời: Phước Thái 2, Phước Thái 3; phấn đấu khởi công Dự án Nhiệt điện Ô Môn IV…

Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp chính: hoàn thiện hệ thống quy chế nội bộ về đầu tư xây dựng; thu xếp đủ và kịp vốn cho đầu tư xây dựng; cải tiến công tác chuẩn bị đầu tư; kiểm soát chặt chẽ giai đoạn thực hiện đầu tư; nâng cao chất lượng và rút ngắn tiến độ giai đoạn kết thúc đầu tư…

Mặt khác, để hoàn thành kế hoạch năm 2023, tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của Tập đoàn, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII; xem xét sửa đổi các nghị định liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước như EVN huy động các nguồn lực tài chính mới.

Bên cạnh đó, Tập đoàn kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg để giảm bớt khó khăn và đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và các năm tiếp theo do giá nhiên liệu tăng cao; chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc tăng cường khai thác than trong nước và có giải pháp giảm giá bán than cho sản xuất điện…

Chuyên đề