Quý I/2023, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Công nghiệp Cao su đạt 947,9 tỷ đồng, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Song Lê |
Giá cao su thấp, hiệu quả kinh doanh giảm sút
Năm 2022 là năm khó khăn với hoạt động sản xuất và kinh doanh mủ cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, doanh nghiệp Nhà nước đang nắm 96,77% vốn điều lệ. Kết thúc năm 2022, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 25.426 tỷ đồng, giảm 2,9% so với thực hiện năm 2021; lợi nhuận gộp giảm 16,3%, còn 6.342 tỷ đồng. Mặc dù có khoản thu nhập từ bồi thường lên đến 798,7 tỷ đồng, gấp gần 8 lần năm 2021 (chủ yếu là bồi thường chuyển đổi đất làm KCN VSIP III tại Công ty CP Cao su Phước Hòa - công ty con của Tập đoàn), nhưng lợi nhuận trước và sau thuế của Tập đoàn vẫn lần lượt giảm 8,2% và 11% so với năm 2021, đạt 5.701,6 tỷ đồng và 4.753,2 tỷ đồng, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Nguyên nhân là giá bán cao su giảm dù sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn năm 2022 đạt khoảng 501.322 tấn, tăng hơn 23.300 tấn so với năm 2021. Trong khi đó, các vật tư đầu vào như phân bón, hóa chất… tăng giá đột biến do đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu năm làm tăng chi phí sản xuất, kéo giảm biên lợi nhuận.
Theo dữ liệu của Trading Economics, giá hợp đồng cao su tự nhiên duy trì xu hướng giảm suốt năm 2022 và đến cuối năm giảm gần 28% so với đầu năm. Do đó, giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2022 theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ở mức 1.546 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021.
Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục duy trì tình hình tài chính tốt với lượng tiền mặt lớn, tỷ lệ nợ vay ở mức thấp là điểm sáng trong bức tranh tài chính của Tập đoàn. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn đạt 78.377 tỷ đồng, trong đó, tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn là 15.632 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn là 7.412 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản là hơn 9,4% đến cuối năm 2022, chủ yếu tại các đơn vị thành viên.
Năm 2023, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn được kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su, tác động tích cực đến xu hướng giá. Thực tế đến cuối tháng 4/2023, giá cao su trên thị trường thế giới đã tăng 3,3% so với đầu năm, nhưng phục hồi chậm hơn kỳ vọng. Mặt bằng giá hiện vẫn ở mức thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Bối cảnh khó khăn khi nhiều nền kinh tế lớn đứng trước nguy cơ suy thoái khiến giá cao su tiếp tục được dự báo khó tăng mạnh.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su đánh giá, thị trường tiêu thụ mủ cao su năm nay gặp nhiều khó khăn do giá bán giảm và mức giá bình quân có khả năng sẽ thấp hơn năm 2022; sản phẩm gỗ phôi cao su tồn kho lớn tác động đến giá trị thu hoạch gỗ cây cao su của các công ty thành viên; giá bán sản phẩm găng tay y tế giảm sâu do cung vượt cầu; chi phí đầu vào tăng… Do vậy, dư địa cho tăng trưởng trong năm 2023 được dự báo không tích cực.
Kết quả kinh doanh quý đầu năm 2023 cũng phản ánh tình hình này khi doanh thu thuần hợp nhất đạt 4.135,1 tỷ đồng, giảm 15,5% so với quý I/2022; lợi nhuận trước thuế giảm 36,8% còn 947,9 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Tập đoàn, giá bán mủ cao su - sản phẩm cốt lõi của Tập đoàn trong quý I chỉ đạt bình quân 33 triệu đồng/tấn (giảm 6 - 6,5 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm ngoái) nên kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm giảm mạnh.
Các dự án khu công nghiệp đang triển khai của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Nguồn: Báo cáo phân tích tháng 4/2023 - Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam |
Xoay hướng sang phát triển khu công nghiệp
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang đầu tư vào 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN (bao gồm 8 công ty thành viên: Bắc Đồng Phú, Dầu Giây, Nam Tân Uyên, An Điền, Tân Bình, Long Khánh, Đầu tư Sài Gòn VRG, KCN Cao su Bình Long và 3 công ty liên kết) với 16 dự án, tổng diện tích hơn 6.566 ha, tập trung tại các tỉnh/thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai.
Tập đoàn định hướng tổng diện tích dự kiến quy hoạch KCN, CCN giai đoạn 2021 - 2030 là 39.177,24 ha, trong đó KCN là 37.387,29 ha, CCN là 1.789,95 ha. Nếu hoàn thành mục tiêu này, Tập đoàn sẽ trở thành một trong các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn nhất trong ngành bất động sản KCN tại Việt Nam.
Đến nay, nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn đang thực hiện các thủ tục để đầu tư mở rộng trên 5.000 ha đất KCN, CCN.
Với quỹ đất quản lý khoảng 407,8 nghìn ha, trong đó có 394,7 nghìn ha đất cao su trải rộng trên hàng chục tỉnh, thành, Tập đoàn Công nghiệp Cao su được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc chuyển đổi đất cao su sang phát triển KCN như tiết kiệm thời gian và chi phí đền bù so với các KCN khác, giúp giá cho thuê đất cạnh tranh hơn... Sở hữu quy mô tài sản, nguồn vốn lớn cũng là lợi thế của Tập đoàn bởi đầu tư KCN là lĩnh vực cần nhiều vốn.