Tạo tiền đề vững chắc phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Thời gian còn lại của năm 2020 các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt “mục tiêu kép” trên tinh thần ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tạo tiền đề vững chắc phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Chính phủ quyết nghị cho phép các đơn vị đến ngày 30/9/2020 giải ngân dưới 60% kế hoạch được giao đầu năm tiếp tục giải ngân số vốn còn lại
Chính phủ quyết nghị cho phép các đơn vị đến ngày 30/9/2020 giải ngân dưới 60% kế hoạch được giao đầu năm tiếp tục giải ngân số vốn còn lại

Đó là yêu cầu chỉ đạo chung của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch 2021 ngay từ đầu năm trong bối dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường. Thực hiện nghiêm Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 2/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, trong đó tiếp tục thực hiện chiến lược kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả ở trong nước, thần tốc, quyết liệt hơn nữa để truy vết, phát hiện và xử lý các ca lây nhiễm, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, không hoang mang nhưng không được chủ quan. Tăng cường công tác quản lý giá cả, bình ổn giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm; xử lý nghiêm tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba, không để ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và uy tín của nước ta…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khai thác tốt các thị trường còn dư địa và các thị trường nước ta đã ký kết các FTA, nhất là CPTPP, EVFTA. Chủ động phổ biến thông tin rộng rãi về Hiệp định RCEP cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất xuất khẩu có cơ hội thuận lợi hoặc bị tác động. Chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp về chính sách thương mại ứng phó với sự thay đổi chính sách của các đối tác lớn. Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp.

Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, hạ tầng giao thông trọng điểm… Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội...

Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng quyết nghị cho phép các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2020 giải ngân dưới 60% kế hoạch được giao đầu năm tiếp tục giải ngân số vốn còn lại trong phạm vi tổng số vốn năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Chuyên đề