Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong quý 1 và cả năm nay - Ảnh: Reuters. |
Nền kinh tế Mỹ không đạt mục tiêu tăng trưởng 3% mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đề ra cho năm 2018, bất chấp gói cắt giảm thuế 1,5 nghìn tỷ USD và chương trình chi tiêu rộng rãi của Chính phủ. Ngoài ra, các chuyên gia dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chỉ yếu đi từ đây.
Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/2 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng 2,9% trong 2018, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mục tiêu.
Ông Trump luôn "khoe" rằng kinh tế là một trong những thành tựu tốt nhất trong nhiệm kỳ cầm quyền của ông. Tháng 7 năm ngoái, ông tuyên bố chính quyền ông đã "đạt một bước ngoặt kinh tế ở tầm lịch sử". Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump luôn nói với cử tri Mỹ rằng ông sẽ đưa nền kinh tế Mỹ đạt mức tăng 4%, một mục tiêu mà giới phân tích luôn cho là "không tưởng".
"Kinh tế Mỹ đang quay trở lại với tốc độ tăng trưởng bền vững đã duy trì trong phần lớn thời gian cầm quyền của Tổng thống Obama", chuyên gia kinh tế trưởng Joel Naroff thuộc Naroff Economic Advisors nhận định. "Chương trình cắt giảm thuế giờ không còn nhiều tác dụng, nên rất khó có chuyện tốc độ tăng trưởng được đẩy mạnh".
Trong quý 4/2018, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,6%, mức tăng cao hơn dự báo, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,4% đạt được trong quý 3.
Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng 2,9% mà kinh tế Mỹ đạt được trong 2018 là cao nhất kể từ 2015 và cải thiện nhiều so với mức tăng 2,2% đạt được vào 2017.
Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong quý 1 và cả năm nay. "Quý 1 sẽ không được tốt như quý 4 vừa rồi", chuyên gia kinh tế trưởng Paul Ashworth của Capital Economics nhận định. "Với các biện pháp kích cầu mất dần tác dụng và ảnh hưởng bị trì hoãn của chính sách thắt chặt tiền tệ thời gian qua tiếp tục tác động lên nền kinh tế, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 của Mỹ chỉ đạt khoảng 2,2%".
Ngoài các yếu tố trong nước, thách thức đối với kinh tế Mỹ hiện nay còn bao gồm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, sự suy giảm nhu cầu toàn cầu, và những bấp bênh xung quanh việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Tất cả những yếu tố này đều là cơ sở cho lập trường "kiên nhẫn" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong vấn đề nâng lãi suất.