Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. - Ảnh: VGP |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh thông tin trên trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 3/10 trước sự có mặt của đông đảo các cơ quan báo chí. Cuộc họp báo cũng được truyền hình trực tiếp trên internet.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian phân tích kỹ về động lực khiến GDP quý III tăng bứt phá tới 7,46%. Con số này tăng mạnh so với quý I (5,15%) và quý II (6,17%), giúp GDP 9 tháng ước tăng 6,41% và mục tiêu cả năm 6,7% trở nên khả thi.
Dầu thô không còn là động lực tăng trưởng
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khai thác dầu thô, nguyên liệu thô trong năm nay và năm tới không còn là nguyên nhân chính hay động lực chính với tăng trưởng kinh tế, mặc dù giá dầu thô đã khôi phục, đạt trung bình 54,6 USD mỗi thùng trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, tổng sản lượng dầu thô cả năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với 2016 và giảm 4,54 triệu tấn so với năm 2015.
Thay vào đó, động lực chính cho tăng trưởng là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong năm nay, ngành có thể đạt mức tăng 13-13,5%, cao nhất từ 2010 tới nay. Cùng với đó, du lịch cũng tăng trưởng bứt phá trong khi các ngành dịch vụ khác tăng trưởng rất đồng đều. Khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng 9 tháng lên tới 2,78%, gấp 4 lần so với cùng kỳ. Tốc độ xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước cũng tăng cao nhất từ trước tới nay.
“Số lượng tăng trưởng như vậy, còn chất lượng tăng trưởng thì sao?”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề và cho biết, các tính toán cho thấy năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tiếp tục được cải thiện so với năm trước. TFP năm 2017 dự kiến tăng ít nhất 5-6% so với năm 2016 và đóng góp 30,5-31% vào tăng trưởng GDP.
Cùng với đó, hệ số ICOR (tỷ lệ bao nhiêu đồng vốn đầu tư để tăng thêm 1 đồng GDP) của năm 2017 dự kiến khoảng 4,5-5 lần, so với 5,3 lần năm 2016. “Chất lượng tăng trưởng có cải thiện đáng kể. Với ICOR như vậy và với tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 33,5% - 34% GDP thì khả năng GDP cả năm đạt và vượt 6,7% là khả thi”, Phó Thủ tướng nhận định.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, tăng trưởng tín dụng hiện tại chỉ trên 11%, cả năm mục tiêu trên 20%. Như vậy, tăng trưởng GDP cũng không phụ thuộc vào tín dụng.
Làm rõ hơn về tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh định hướng điều hành của Chính phủ và của NHNN là tăng trưởng tín dụng khoảng 21%, nhưng không phải là “ép” tăng trưởng tín dụng. Quan trọng là tăng trưởng tín dụng phải đi cùng với bảo đảm chất lượng tín dụng và không để gia tăng nợ xấu.
Thống đốc cho biết tính tới ngày 28/9, tăng trưởng tín dụng khoảng 11,2% nhưng quan trọng hơn là cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, phù hợp với định hướng điều hành, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể, tín dụng cho công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,8%, cho xây dựng tăng 17,7% và cho nông nghiệp, nông thôn tăng 17%, cao hơn nhiều so với mức trung bình. Tín dụng cho xuất khẩu tăng trên 8%.
Trong khi đó, tín dụng cho các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát, như tín dụng cho bất động sản trong 7 tháng chỉ tăng hơn 6% và chỉ chiếm 6,7% tổng dư nợ.
Cỗ máy tăng trưởng đang chạy đều
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Ngành thủy sản tăng trưởng tốt, sản lượng thủy sản 9 tháng tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi dần ổn định, lâm nghiệp phát triển thuận lợi, cả nước không còn dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%. Tình hình sản xuất công nghiệp và xây dựng cải thiện rõ rệt nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Toàn ngành đóng góp 2,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 7,9%, đã cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2016 (7,1%), đáng chú ý là ngành khai khoáng đã giảm chậm lại và ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng kỷ lục (12,8%).
Khu vực dịch vụ có đà tăng trưởng tốt nhất từ đầu năm, tính chung 9 tháng tăng 7,25%, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2013 trở lại đây, có đóng góp lớn nhất, 2,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Đáng chú ý nhất là thị trường trong nước phát triển mạnh, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 10,5% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,95%).
Hoạt động du lịch tuy có chững lại trong tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 10 tại các tỉnh miền Trung, nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng vẫn đạt cao, ước trên 9,4 triệu lượt khách, tăng 28,4%, bình quân mỗi tháng đạt trên 1 triệu lượt khách.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng mạnh, vượt xa so với mục tiêu cả năm đã đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%, cao hơn nhiều mục tiêu tăng 7% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2016 (6,7%).
Với các động lực chính này, tăng trưởng kinh tế đã bền vững hơn.
Theo các thành viên Chính phủ, mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện, đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.
Đồng tình với các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017, tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc thực hiện các giải pháp đề ra. Nếu chúng ta cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là tăng trưởng GDP, Thủ tướng lưu ý.
Trong những tháng cuối năm, phải tiếp tục theo dõi sát tình hình để có đối sách phù hợp, “càng về đích càng phải cố gắng”, trong đó tập trung giải quyết việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước.