Sự lạc điệu của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã làm hỏng phiên tăng sôi động hôm nay |
Phiên tăng không trọn vẹn hôm nay là do sự thiếu đồng thuận ở các cổ phiếu dẫn dắt. Ngay cả khi nhóm cổ phiếu ngân hàng khởi sắc hơn thì các mã khác lại quay đâu giảm. Bản thân nhóm ngân hàng cũng khuyết đi sức mạnh của VCB.
Đà tăng khá rực rỡ đầu phiên báo hiệu một ngày giao dịch vất vả của thị trường. Lý do đơn giản là khối lượng cổ phiếu mắc kẹt rất nhiều, nhà đầu tư sẽ tranh thủ bán ra thoát lỗ. VN-Index từ mức tăng tới 1,23% co về còn tăng 0,33% đã thể hiện điều đó.
Thị trường phiên này có nhiều lợi thế để tăng tốt. Đầu tiên là hành động đẩy giá chiều hôm qua có hiệu quả, rất nhiều cổ phiếu đảo chiều thanh công. Ngoài ra chứng khoán thế giới lại tiếp tục vượt lên đỉnh cao mới nhờ kết quả kinh doanh tốt. Thêm nữa, các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất tăng và chỉ còn chờ đợi cổ phiếu ngân hàng hồi lại.
VN-Index chỉ vào phút sau khi vào phiên đã “mở gap” tăng vọt gần 1%. Đà tăng duy trì tốt đến cuối sau 11h vẫn tăng hơn 1,2%. Đó là thời điểm nhóm blue-chips dẫn dắt có thời gian cộng hưởng tăng giá khá tốt, thậm chí cả VNM, VCB. Tuy nhiên sang phiên chiều, thị trường bắt đầu chịu ảnh hưởng lớn từ nhóm “rã đám”.
VNM, VIC, VHM và VCB là ba cổ phiếu ép chỉ số trượt dốc mạnh buổi chiều. VCB bắt đầu hạ độ cao từ khoảng 1h30 và đến 2h chiều thì rơi hẳn qua tham chiếu. Bất chấp nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay tăng rất khá, nhưng VCB lại một mình một đường. Cổ phiếu này và EIB cũng là 2 mã duy nhất trong nhóm ngân hàng giảm giá. VCB chốt phiên xuất hiện lực bán rất mạnh ép giá lùi 1,04% so với tham chiếu. Tính ra cổ phiếu này đóng cửa bốc hơi tới 2,66% so với đỉnh trong phiên.
VHM cũng là trụ “lật mặt” quá nhanh, hôm qua vừa tăng 1,9% và trở thành trụ hi vọng nhất kéo VN-Index lên. Hôm nay VHM đã giảm ngay 1,64%. Buổi sáng VHM vẫn còn kịp tăng thêm 1,04% nữa và giúp VN-Index đạt đỉnh, nhưng từ 11h đến 1h30 chiều gần như rơi tự do.
VIC là trụ gây sức ép dạng khác. VIC tăng cao đầu phiên nhưng sau 2h lại trượt cực nhanh. Từ đỉnh 105.800 đồng VIC lao xuống 104.300 đồng lúc đóng cửa tương đương giảm 1,42% và chốt phiên chỉ còn trên tham chiếu 0,1%.
Nhìn chung việc các cổ phiếu vốn hóa lớn truyền thống vừa đẩy thị trường hồi hôm qua đồng loạt quay đầu hôm nay đã làm giảm sức mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm này quay đầu tăng tưởng như có thể tạo nên một phiên tăng sôi động. Rất tiếc sự lệnh pha giữa các cổ phiếu lại làm VN-Index chịu ảnh hưởng xấu.
Trong hàng chục cổ phiếu ngân hàng trên 3 sàn, duy nhất VCB, EIB giảm, VBB, HDB tham chiếu, còn lại là tăng. Một số mã blue-chips tăng khá cao như TPB tăng 3,6%, TCB tăng 1,5%, STB tăng 1,4%, ACB tăng 1,4%, CTG tăng 1,1%. Tuy vậy mức tăng tốt nhất thuộc về các ngân hàng nhỏ chứ không phải blue-chips, do đó sức kéo đối với VN-Index rất hạn chế. Bằng chứng rõ nhất là VCB giảm 1,04% tương đương với mức tăng của ACB, TPB, CTG, VIB cộng lại.
VN30-Index đạt đỉnh đầu phiên chiều với mức tăng 1,38% nhưng đến cuối ngày chỉ còn tăng 0,42%. Độ rộng từ 29 mã tăng/1 mã giảm con lại còn 19 mã tăng/10 mã giảm cuối ngày. Độ rộng của cả sàn HoSE cũng cho thấy sự suy yếu của các mã trụ có ảnh hưởng rất nhiều. Đầu phiên chiều sàn này có 231 mã tăng/129 mã giảm nhưng hết phiên chỉ còn 206 mã tăng/166 mã giảm.
Dù vậy độ rộng vẫn đang thể hiện sự phân hóa khá tốt. Sàn này vẫn còn hơn 100 mã đóng cửa tăng trên 1%. Hầu hết các mã tăng mạnh nhất là nhóm đầu cơ nhỏ như TNT, AGG, SJF, DTA, DAH, PSH kịch trần. Cổ phiếu chứng khoán cũng có nhiều mã tăng vượt 2%.
Mức độ phục hồi ở các cổ phiếu thường không giống nhau và các cổ phiếu được đầu cơ với thanh khoản thấp dễ tăng hơn. Ngược lại nhóm blue-chips có nhiều nhà đầu tư lớn giao dịch, thanh khoản cao nên khả năng đầu cơ hạn chế. Ở vòng T3 mới nhất, hầu hết các cổ phiếu trong VN30 vẫn đang thua lỗ nhưng nhiều mã nhỏ đã bắt đầu có lãi.
Thanh khoản thị trường hôm nay cũng cải thiện tích cực với giá trị khớp lệnh đạt 18.508 tỷ đồng, tăng 16,8% so với hôm qua. VN30 tăng thanh khoản khá nổi bật 21%, đạt 8.993 tỷ đồng. STB nổi lên là cổ phiếu thanh khoản cao với 29,76 triệu cổ tương đương 866 tỷ đồng. Dù vậy mức này vẫn còn chưa bằng ngưỡng bình quân 20 phiên gần nhất.
VN-Index có được phiên tăng thứ hai liên tiếp nhưng tình thế vẫn chưa phải là rõ ràng. Chỉ số này vẫn đang “lỗ T3” khoảng 1,3%. Dù vậy dòng tiền vào nhiều hơn với hiện tượng đảo chiều ở cổ phiếu ngân hàng có thể là một lực đỡ lúc này, vì ít nhất giảm rủi ro khiến VN-Index tạo đáy mới trong ngắn hạn.