Tăng “liều thuốc trợ lực” cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ năm 2020 đến nay, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người lao động chịu tác động của dịch Covid-19 đã được ban hành và thực thi.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí ban hành Nghị quyết về một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân với mức hỗ trợ lên đến 21,3 nghìn tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn trong việc cân đối nguồn lực ngân sách nhà nước hiện nay. Song một số ý kiến cho rằng, cần có thêm các gói hỗ trợ tiếp theo để DN Việt Nam có thể bắt nhịp sự hồi phục của các nền kinh tế trên thế giới.

Chấp nhận thâm hụt ngân sách tăng

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Các nước đều tung ra các gói hỗ trợ lớn chưa từng có, bình quân toàn thế giới các gói hỗ trợ chiếm khoảng 16% GDP, với các nước đang phát triển khoảng 7,7% GDP. Hỗ trợ tài khóa luôn là chủ yếu, chiếm 60 - 65% các gói hỗ trợ, còn tiền tệ tín dụng chiếm 35 - 40%. Đối với tiền tệ tín dụng vẫn lẩn khuất là hỗ trợ tài khóa, như bảo lãnh, hỗ trợ lãi suất thực tế là tiền ngân sách.

Cơ cấu các gói hỗ trợ của quốc tế có nhiều điểm khác biệt rất quan trọng so với Việt Nam. Thứ nhất, đối với hỗ trợ tài khóa, giãn, hoãn thuế của các nước rất ít, chỉ chiếm 6,7% tổng lượng hỗ trợ tài khóa, mà tập trung vào y tế, bảo lãnh cho DN vay vốn, hỗ trợ lãi suất, mua tài sản để tăng thanh khoản hỗ trợ cho hệ thống tài chính… Về chính sách tiền tệ, các nước rất chú trọng bảo lãnh tín dụng. Thứ hai, các nước có gói hỗ trợ cả ngắn và dài hạn, ví dụ Mỹ có gói đầu tư hạ tầng 10 năm từ 2021 - 2030, còn Việt Nam chủ yếu là ngắn hạn. Thứ ba, các gói hỗ trợ được triển khai nhanh gọn, có thời hạn cụ thể hoàn thành từng gói. Dù điều kiện của Việt Nam khác với các nước nhưng vẫn nên cân nhắc các hỗ trợ trên.

Điểm rất quan trọng nữa là nhiều nước chấp nhận nợ công và thâm hụt ngân sách tăng, chúng tôi gọi là tài khóa nghịch chu kỳ, trước đã củng cố tài khóa rất tốt, giờ phải chi để cứu trợ nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu. Có thể thấy nợ công toàn cầu tăng thêm 20 điểm % trong 1 năm rưỡi qua, thâm hụt ngân sách tăng 7 điểm %, chấp nhận và có lộ trình kiểm soát, củng cố tài khóa lâu dài.

Nhân tố đặc biệt quan trọng là triển khai thực hiện

Ông Arnaud Ginolin, Giám đốc Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group (BCG)

Chương trình hỗ trợ của nhiều nước gồm giai đoạn đầu tiên là bảo vệ, phòng chống dịch, tăng cường độ phủ y tế, hỗ trợ nhóm yếu thế. Giai đoạn 2 là phục hồi, hướng đến các giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn, hỗ trợ ngành bị ảnh hưởng nhưng có khả năng phục hồi tốt.

Giai đoạn 3 rất quan trọng là chuyển đổi. 6 giải pháp được nhiều nước triển khai ở giai đoạn này và đưa đến thành công. Đó là, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với nhiều giải pháp mới, biện pháp ưu đãi mạnh mẽ hơn, hỗ trợ nhà đầu tư tốt hơn; thúc đẩy đầu tư hạ tầng, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, dự án hạ tầng có hiệu quả cao, tác động lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số, hỗ trợ khu vực tư nhân chuyển đổi số; tái cấu trúc, hiện đại hóa doanh nghiệp nhà nước để không chỉ giúp phục hồi, nâng cao hiệu hoạt động của khối DN này, mà còn nâng cao đóng góp vào GDP trong tương lai. Tiếp đó là hỗ trợ DN tư nhân vươn ra thị trường quốc tế, tận dụng cơ hội từ những xu thế mới nổi; huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ thị trường quốc tế, tận dụng để có thêm nguồn vốn mới trong tương lai.

Song song với các chương trình, chính sách, nhân tố đặc biệt quan trọng là triển khai thực hiện. Nhiều chính phủ đã đẩy mạnh việc hợp tác công tư để thúc đẩy triển khai các chương trình.

Cần thêm các gói hỗ trợ “tiền tươi, thóc thật”

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Tôi vừa đi châu Âu cách đây 2 tuần và tận mắt thấy các nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp các nước khởi động và dần bình thường trở lại, trong khi DN Việt Nam đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn nên cảm thấy xót xa. Nếu doanh nghiệp chậm hồi phục sẽ thiệt hại rất lớn. Do đó, rất mong Chính phủ, ngành tài chính, ngân hàng tiếp tục có các trợ lực mạnh mẽ để DN hồi phục nhanh nhất.

Các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và tín dụng thời gian qua được nhiều DN đánh giá là có ý nghĩa. Gần đây, cách tiếp cận để thực hiện hỗ trợ đã thay đổi theo hướng lần đầu tiên chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và giảm thuế thu nhập DN được đề xuất. Đây được coi là sự trợ giúp “tiền tươi, thóc thật”, dự kiến sẽ là lực đẩy tích cực giúp DN khôi phục sản xuất kinh doanh.

Dù vậy, với mức độ tổn thương đáng kể do giãn cách kéo dài, DN và người dân vẫn cần thêm các gói hỗ trợ khác.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc, chồng chéo giữa các chính sách thuế, đất đai để tạo điều kiện cho DN. Nếu cải cách mạnh mẽ nội dung này thì hiệu ứng hỗ trợ trên thực tế sẽ càng lớn hơn.

Cân đối theo nguồn lực

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam

Quan sát cách làm từ các nước cho thấy, mỗi nước có cách tiếp cận hỗ trợ và kích cầu riêng tùy theo nguồn lực về tài chính, quy mô nền kinh tế và cách thức triển khai chính sách. Malaysia thực thi gói hỗ trợ gần đây nhất là 36 tỷ USD, một phần trong đó chi trực tiếp cho người dân thụ hưởng, một phần là hỗ trợ qua các chính sách thuế, tín dụng cho DN. Thái Lan cũng có gói hỗ trợ tương tự ở mức 4,5 tỷ USD. Mỹ và Trung Quốc thực thi các gói kích cầu rất lớn nhằm hồi phục nền kinh tế và hiện đã đạt hiệu quả nhất định.

Với Việt Nam, các gói hỗ trợ thuế, phí thời gian qua là nỗ lực rất lớn so với nguồn lực ngân sách nhà nước và được DN đánh giá tích cực. Gói hỗ trợ 21,3 nghìn tỷ đồng, trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng và giảm thuế thu nhập DN, được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để DN khôi phục sản xuất kinh doanh. Để tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp và hiệu quả cho DN và người dân, cần đánh giá cụ thể, chi tiết về hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ thời gian qua.

Hơn nữa, việc nới lỏng giãn cách an toàn, đảm bảo cho DN hoạt động trở lại, đảm bảo sinh kế cho người dân là cách hỗ trợ thiết thực và quan trọng nhất hiện nay.

Bị tổn thương quá lâu, TP.HCM cần giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế

TP.HCM vừa thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong năm 2022 là triển khai hiệu quả phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Nền kinh tế của TP.HCM vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng trong một thời gian rất dài, để phục hồi cần nhiều giải pháp đồng bộ cũng như hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ. Theo tính toán của UBND TP.HCM, Thành phố cần ít nhất từ 6 đến 9 tháng để phục hồi kinh tế với kinh phí khoảng 8 tỷ USD.

Theo tôi, để có nguồn lực phục hồi kinh tế cho đầu tàu này, Chính phủ nên sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho TP.HCM ở mức 23%; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong y tế, giáo dục; sớm cho phép TP.HCM thí điểm đấu giá đất công đã có quy hoạch xây dựng hạ tầng xã hội...

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề