Theo Bộ GTVT, Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc được đầu tư trên diện rộng, trải dài trên hơn 200 km qua địa bàn 3 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, có địa chất phức tạp, thay đổi bất thường, nhiều vị trí đào sâu, đắp cao, nguồn vật liệu khu vực dự án không ổn định.
Để tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình trong quá trình thi công, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho phép triển khai thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình trong quá trình thi công.
Căn cứ tình hình thực tế triển khai, Ban QLDA 2 - với vai trò chủ đầu tư của Dự án - kiểm tra, rà soát, xem xét cụ thể các hạng mục cần thiết thực hiện kiểm định chất lượng công trình trong quá trình thi công. Lưu ý tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định công trình như: đào sâu, đắp cao, có sử dụng các giải pháp gia cố bằng tường chắn, đinh neo, các vị trí cầu lớn; chất lượng thi công các lớp móng, mặt đường;...
Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á và Chính phủ Australia tài trợ nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Quy mô của Dự án gồm 2 tuyến. Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147 km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53 km, đường cấp 4 miền núi.
Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ chi phí hạng mục kiểm định chất lượng công trình bảo đảm không làm vượt tổng mức đầu tư của Dự án.
Mới đây, tháng 2/2023, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc tăng tổng mức đầu tư dự án từ hơn 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.046 tỷ đồng (tăng khoảng 707 tỷ đồng).
Trong đó, vốn đối ứng tăng từ hơn 988 tỷ đồng lên hơn 1.643 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia tăng từ hơn 101 tỷ đồng lên hơn 143 tỷ đồng.
Đề cập đến lý do điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, Bộ GTVT cho biết, theo quyết định phê duyệt đầu tư Dự án số 2034 ngày 17/9/2018 của Bộ GTVT, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là gần 312 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả cập nhật cho thấy, chi phí GPMB Dự án đến nay là hơn 1.020 tỷ đồng (tăng hơn 708 tỷ đồng).
Đối với nguồn vốn tăng thêm, Bộ GTVT dự kiến cân đối vốn đối ứng hơn 708 tỷ đồng để bổ sung cho chi phí GPMB từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT.