Tận dụng tối đa thỏa thuận JETP Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kể từ khi Thỏa thuận Hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) đầu tiên - JETP Nam Phi - được công bố tại COP26, cơ chế này đã có thêm một số nước tham gia. Trong đó, Việt Nam là quốc gia thứ ba công bố hợp tác theo thỏa thuận JETP với Nhóm Đối tác quốc tế (IPG) gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong khuôn khổ JETP Việt Nam, IPG cam kết một khoản tài trợ ban đầu trị giá 7,75 tỷ USD từ khu vực tài chính công trong vòng 3 - 5 năm để hỗ trợ Việt Nam đạt được một số mục tiêu chuyển dịch năng lượng. Nhằm ủng hộ nỗ lực này, Liên minh Tài chính Glasgow vì cân bằng phát thải (GFANZ) đã thành lập Nhóm làm việc chuyên trách nhằm hỗ trợ huy động và tạo điều kiện huy động một khoản tương ứng là 7,75 tỷ USD từ khu vực tài chính tư nhân. Tóm lại, thỏa thuận JETP Việt Nam xoay quanh vấn đề huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư để giúp Việt Nam đạt được tham vọng cân bằng phát thải.

Theo bà Lương Phương Mai, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn Khu vực phía Nam và Bất động sản tại HSBC Việt Nam, thỏa thuận JETP chắc chắn sẽ hữu ích cho Việt Nam trong việc thúc đẩy các nỗ lực khí hậu.

"Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn để thay đổi ngành năng lượng và vận tải - hai ngành phát thải nhiều nhất Việt Nam - khi triển khai thỏa thuận JETP Việt Nam. Với tiềm năng gió và mặt trời dồi dào, chuyển dịch trực tiếp từ nhiệt điện than sang năng lượng gió và mặt trời cho phép Việt Nam tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên sẵn có để cung cấp nguồn năng lượng đảm bảo và kinh tế cho người dân", bà Lương Phương Mai nhận xét.

Bà Lương Phương Mai cho biết, thỏa thuận JETP Việt Nam mang đến tiềm năng tạo ra đột phá cho tài chính khí hậu. Một trong ba mục tiêu cơ bản của thỏa thuận này chính là huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân để tài trợ cho những nỗ lực giảm phát thải.

Khả năng đáp ứng được các điều kiện tài trợ của dự án và tỷ lệ thu hồi vốn cho ngân hàng trong trường hợp dự án gặp khó khăn sẽ là những vấn đề đầu tiên cần chia sẻ với bên cho vay nếu các doanh nghiệp mong muốn tìm hiểu các cơ hội tiếp cận tài chính bền vững. Doanh nghiệp nên chia sẻ với ngân hàng một cách cẩn trọng về kế hoạch của mình, có một số vùng đệm trong đánh giá độ nhạy rủi ro của dự án, ví dụ như sản lượng điện có thể bị cắt giảm, chi phí vận hành và bảo trì có thể tăng, lãi suất tăng, biến động ngoại tệ bất lợi…

Một lợi ích quan trọng cho Việt Nam khi tham gia thỏa thuận JETP chính là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xanh hơn và dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch. Việt Nam đã và đang chú trọng đến FDI chất lượng cao và FDI xanh chính là một nguồn FDI chất lượng cao.

"Các đối tác có tư tưởng tương đồng thường tìm đến nhau và vì thế, để thu hút các nhà đầu tư nghiêm túc với phát triển bền vững, Việt Nam cần tạo dựng vị thế và hình ảnh tương xứng, từ chính sách, cơ sở hạ tầng đến hệ sinh thái chuỗi cung ứng đều phải hướng đến mục tiêu xanh, bền vững. Và thỏa thuận JETP với sự hậu thuẫn từ các nước G7 là một nền tảng quan trọng để cộng đồng quốc tế biết đến khát vọng bền vững của Việt Nam nhiều hơn", bà Lương Phương Mai cho biết.

Chuyên đề