Hàng loạt dự án cao tốc được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ mở ra cơ hội cho nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông. Ảnh: Lê Tiên |
Hoạt động sản xuất, kinh doanh bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty CP Giao dịch hàng hóa quốc tế MXL
Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đã lắng xuống, hoạt động sản suất, kinh doanh có những bước hồi phục mạnh mẽ. Điều này được minh chứng bằng con số GDP tăng cao ở các tháng đầu năm (GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 6,42%), đặc biệt là quý II/2022 GDP tăng tới 7,72%. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ như giảm thuế giá trị gia tăng, triển khai các gói vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp… cũng được kích hoạt. Hoạt động giao thương trong nước và quốc tế được kết nối, tạo động lực cho nền kinh tế hồi phục. Từ đó sẽ tạo ra các trợ lực mới để doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, không những khôi phục đà phát triển trước đại dịch mà còn có thể có những bước tiến xa hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có tầm nhìn và chiến lược đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để nắm bắt những cơ hội mới do biến động môi trường kinh tế trong nước, khu vực và thế giới tạo ra. Chính vì thế, sau khi bình ổn đại dịch Covid-19, ở giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sắp tới, nền kinh tế sẽ ghi nhận nhiều doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội phát triển nhanh chóng và rất thành công.
Tháo gỡ nhanh các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh
Ông Tống Mạnh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục TSV Việt Nam
Với sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, nền kinh tế tiếp đà phát triển và có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi tình hình dịch bệnh ổn định cùng với các gói giải pháp hỗ trợ đã giúp các doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức sau những “cú sốc” liên tiếp, đó là cuộc xung đột giữa Nga - Ukraina, áp lực lạm phát, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn thực hiện đóng cửa theo chính sách “zero Covid”. Với độ mở lớn, nền kinh tế nước ta và các doanh nghiệp trong nước đang chịu tác động từ các yếu tố này, rõ nhất là giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu tăng mạnh, chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Theo đó, chúng tôi rất mong Chính phủ, các bộ, ngành chức năng tiếp tục có những gói hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn sau thời gian dài tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả do đại dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới. Đồng thời, cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển.
Du lịch tăng trưởng nhưng ... “mong manh, dễ vỡ”
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng
Trong các lĩnh vực kinh tế sau đại dịch Covid-19, tại miền Trung, ngành du lịch có sự phục hồi rõ nét nhất, các trung tâm du lịch của khu vực đều ghi nhận lượt khách tăng cao. Đơn cử như Bình Định, 6 tháng đầu năm 2022 đón gần 2,3 triệu lượt khách, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Khánh Hòa ghi nhận tổng lượt khách lưu trú trên 1 triệu lượt, tăng 128,64% so với cùng kỳ 2021 và đạt 87,2% so với kế hoạch 2022, doanh thu ngành du lịch của Khánh Hòa đạt gần 5.550 tỷ đồng. Thành phố Đà Nẵng cũng ghi nhận tăng trưởng khích lệ với hơn 1.260 doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại, đạt tỷ lệ 70%, trong đó có 850/1.280 cơ sở lưu trú du lịch. Đặc biệt, cả 16 khu điểm du lịch, 210 đơn vị lữ hành, 170 đơn vị vận chuyển với 2.100 xe phục vụ du lịch, 18 tàu du lịch đều đã hoạt động trở lại hoàn toàn.
Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan đó cũng xen lẫn những âu lo vì sau mùa du lịch nội địa, du lịch miền Trung có thể rơi vào tình trạng “đóng băng” trở lại do các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Đài Loan… chưa mở cửa trở lại, Nhật Bản còn áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ nên lượng khách còn hạn chế…
Hy vọng từ nay đến cuối năm 2022, nhiều đường bay quốc tế đến miền Trung được khôi phục, nhiều hãng hàng không tham gia khai thác đường bay quốc tế đến khu vực này sẽ giúp ngành du lịch bảo đảm lượng khách, giữ nhịp độ tăng trưởng.
Dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn cầu (GP Invest), Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam
Sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã tham gia tích cực vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đẩy nhanh tốc độ sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm 2022. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2022, ngành xây dựng có sự tăng trưởng hết sức rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, điều đó chứng tỏ các biện pháp của Chính phủ đã có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp xây dựng lớn đều không hoàn thành kế hoạch năm, kể cả doanh thu lẫn sản lượng. Trong đó, đáng lo ngại nhất là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn do giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, kéo dài từ năm 2020 đến nay.
Đơn cử, nếu dự án trúng thầu vào quý IV/2020 thì đến nay, giá dầu, thép, đất đắp nền, đá, cát, nhựa đường, xi măng… đều tăng mạnh. Cùng với đó, là sự thiếu hụt lao động thời vụ do sau dịch, lực lượng này hạn chế quay trở lại công trường xây dựng.
Một trong những quan ngại tiếp theo đối với các doanh nghiệp là vấn đề tài chính. Tại nhiều dự án đầu tư công, việc tạm ứng vốn “nhỏ giọt” và tình trạng nợ đọng đang khiến các nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Khoảng 90% doanh nghiệp xây dựng hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng. Do đó, việc duy trì hoạt động doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn tín dụng, vốn tạm ứng từ chủ đầu tư. Trong khi đó, các khoản nợ tín dụng thì phải trả lãi, các khoản nợ đọng hợp đồng từ chủ đầu tư thì không được tính lãi, điều này “đẩy” nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng hết sức khó khăn.
Chính vì vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ, bộ, ngành chức năng sớm ban hành giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu; đồng thời, có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất.
Nhiều cơ hội cho nhà thầu tại các dự án đầu tư công
Ông Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng 201
Chính phủ đang quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công cùng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội cho nhà thầu xây dựng tại các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ mạnh vào lĩnh vực xây dựng, công nghiệp nhờ chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế. Cùng với đó là hàng loạt biện pháp hỗ trợ của Chính phủ cũng đã được triển khai, đang tạo ra xung lực mới cho các doanh nghiệp ngành xây dựng phục hồi và tăng tốc.
Hàng loạt dự án cao tốc được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ mở ra cơ hội bứt phá về doanh thu, lợi nhuận cho nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông. Ngoài ra, nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án cũng sẽ tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Môi trường pháp lý cũng đang có một số chuyển biến tích cực. Chính phủ, Quốc hội đã có chương trình sửa đổi Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ những nút thắt pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Để có thể nắm bắt những cơ hội trong thời gia tới, chúng tôi sẽ tập trung tăng cường công tác quản trị tài chính, quản trị rủi ro; bảo đảm việc làm, tiền lương và quyền lợi cho người lao động; tăng cường hợp tác đầu tư; đẩy mạnh đầu tư và phát triển công nghệ. Đồng thời, tăng cường đào tạo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và đa dạng hóa kênh huy động vốn, xây dựng nguồn tài chính vững mạnh. Với những nỗ lực này, chúng tôi tin tưởng doanh nghiệp sẽ sớm phục hồi và đạt kết quả khả quan, tạo được lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn mới.
Cần chính sách phục hồi dòng khách du lịch quốc tế
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Bến Thành Mũi Né
Theo tôi, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đã qua của năm 2022 ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy và một số lĩnh vực khởi sắc. Có thể nói trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam có được sự phục hồi tốt là một tín hiệu rất mừng với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Đơn cử như lĩnh vực du lịch, những tháng qua đạt tốc độ tăng trưởng tốt, khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách nội địa gấp 1,8 lần so với cả năm 2021. Doanh thu du lịch, dịch vụ tăng cao là một chỉ dấu cho thấy sự phục hồi tích cực của nền kinh tế. Tính riêng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, công suất phòng bình quân tháng 7 khoảng 50 - 85%, rất nhiều khách sạn hạng sang đạt 100% công suất phòng vào các ngày cuối tuần. Những tháng qua, các cơ sở lưu trú Bình Thuận đón gần 3 triệu lượt khách (tăng 67,3%), trong đó khách quốc tế là 30.338 lượt (tăng 49,3%) và doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 5.417 tỷ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, thời gian tới chúng ta vẫn phải đối diện áp lực như nguy cơ lạm phát, đặc biệt là kinh tế thế giới có những dấu hiệu suy thoái. Tôi hy vọng với các giải pháp điều hành của Chính phủ, chúng ta sẽ giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Về lĩnh vực du lịch, bên cạnh thị trường khách nội địa phục hồi rất tốt, tôi mong muốn Chính phủ có giải pháp thu hút dòng khách du lịch quốc tế bởi đà phục hồi thị trường này còn nhiều ẩn số. Lượng khách Đông Âu sụt giảm mạnh bởi chiến sự Nga - Ukraine, trong khi đó khách Tây Âu có tâm lý cắt giảm chi tiêu vì lo ngại suy thoái kinh tế. Thị trường Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng khó khăn do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Để kích cầu, phục hồi dòng khách quốc tế, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực điện tử cho du khách bằng cách rút ngắn thời gian, gia hạn thời gian lưu trú. Bên cạnh đó, cần có các chương trình quảng bá, kích cầu du lịch quốc tế.