Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Lê Tiên |
Chiến tranh đã đi qua, song những di chứng của nó vẫn còn hiện hữu. Đó là những nỗi đau, mất mát không gì có thể bù đắp được đối với hàng triệu thân nhân các thương binh, liệt sỹ. Làm thế nào để thân nhân hàng triệu người đã hy sinh cho Tổ quốc được an ủi, có cuộc sống ấm no… luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua mỗi thời kỳ. Đó cũng chính là lời nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ thiêng liêng, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và thôi thúc hành động "đền ơn đáp nghĩa" với các gia đình liệt sĩ, thương binh và những người có công với Tổ quốc.
Cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sỹ, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành luôn dành thời gian đến viếng các liệt sỹ, thăm hỏi và quan tâm đến các thương binh, thân nhân những người đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Điều đó thúc đẩy nhân dân, không chỉ đi đến các nghĩa trang để tưởng nhớ những người đã hy sinh cho sự nghiệp giành độc lập, thống nhất đất nước, mà còn nhắn nhủ những người còn sống rằng, phải sống xứng đáng với hàng triệu người ngã xuống vì Tổ quốc.
Bất kể một hành động tử tế nào, như việc tri ân các liệt sỹ, đều là nền tảng cho một sự phát triển nhân văn, bao trùm. Những hành động ấy sẽ thúc đẩy trách nhiệm xã hội của những người đang được sống trong một đất nước mà các thế hệ cha ông đã không chỉ bỏ vào đó tâm huyết, trách nhiệm mà còn cả tính mạng.
Ấy là trên bình diện chung. Còn thực tế, nhiều bộ, ngành, địa phương trong những dịp tưởng nhớ lại sự hy sinh của các bậc cha anh, những người đi trước gây dựng nên Tổ quốc này, đã thể hiện sự tri ân của mình bằng những cách thức khác nhau.
Tổ quốc của tôi tổ quốc của tôi
Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ
Ngọn đuốc hòa bình bao người đã ngã
Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông
Tổ quốc linh thiêng tổ quốc linh thiêng
Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa
Biết bao triệu mỗi người thao thức tiếng Việt Nam
Biết bao triệu người lấy thân mình che chở
Tổ quốc linh thiêng! Tổ quốc linh thiêng!
Bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” này vang lên giữa đảo Cồn Cỏ trong đêm Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thăm địa danh lịch sử này dịp 27/7/2022. Giữa ánh lửa bập bùng, các đoàn viên của Bộ KH&ĐT, của huyện đảo Cồn Cỏ, các chiến sĩ trẻ ở hòn đảo này cùng nắm tay, hát vang “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa Hoàng Sa dội vào ghềnh đá”.
Đây chỉ là một trong những hoạt động mà Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu dịp Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 vừa qua. Trước đó, cả trăm bạn trẻ cùng các cán bộ lãnh đạo cục, vụ của Bộ đã đến Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn… để thắp hương, tưởng nhớ và tri ân hàng chục nghìn liệt sỹ đã yên nghỉ nơi đây. Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dẫn đầu đoàn đến thăm, tặng quà cho các thương binh, người yếu thế, thân nhân liệt sỹ tại Quảng Trị.
Và như Bộ trưởng tâm sự, việc tri ân những người đã bỏ lại một phần máu thịt của mình vì đất nước không những thể hiện truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, mà còn thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, chia sẻ một phần khó khăn với các gia đình, thương binh, bệnh binh. Điều này còn nhằm giáo dục lớp trẻ không bao giờ được quên những hy sinh lớn lao của những người đi trước đã đóng góp cho hòa bình.
Việc thắp hương tưởng nhớ, tri ân anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang, đóng góp vào việc cải tạo Nghĩa trang Trường Sơn cũng là để giáo dục cho lớp trẻ, đồng thời để các anh hùng liệt sỹ nằm đây được ấm cúng hơn, người còn sống có thể dễ dàng thăm viếng hơn. Đó cũng là cách, như Bộ trưởng Dũng nói, “giáo dục lịch sử bằng sự tử tế”.
Trong đoàn công tác của Bộ KH&ĐT hồi tháng 7/2022 đến Quảng Trị, chúng tôi thấy có nhiều cựu chiến binh đi cùng. Hỏi ra mới biết đó là những người “bạn chiến đấu” của Bộ trưởng. Họ kể về những ngày tháng chiến đấu nơi biên giới phía Bắc cùng các đồng đội, trong đó có đồng đội Nguyễn Chí Dũng.
Từng là lính, nên Bộ trưởng Dũng thấm sự khốc liệt của chiến tranh, cũng như những hậu quả lâu dài của nó. Có lẽ cũng vì vậy mà Bộ trưởng muốn lan tỏa sự biết ơn, trân trọng những người đã hy sinh hoặc bỏ một phần xương máu vì đất nước cho cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan mình. Những việc cụ thể có thể kể đến như góp phần quy tập hài cốt liệt sỹ, đóng góp xây dựng một số nghĩa trang ở Hà Giang, Nghĩa trang Trường Sơn hay chăm lo cho các gia đình chính sách.
Không chỉ vậy, những người yếu thế cũng được Bộ KH&ĐT quan tâm đặc biệt. Hàng năm, Bộ KH&ĐT tổ chức các chương trình quy tụ những nhóm yếu thế do Bộ bảo trợ. Mỗi chương trình góp phần lan tỏa tinh thần nhân văn trong cộng đồng, từ đó phản ánh niềm tin sâu sắc chúng ta sẽ sống một cuộc đời tốt đẹp, nhân ái và hạnh phúc nhất nếu biết sẻ chia, lan tỏa các giá trị tử tế. Xúc động đến rơi lệ là điều những ai tham dự đều trải qua khi có dịp tham gia những “sự kiện nhân văn” như vậy.
Những điều đấy có thể là sự thể hiện sinh động những định hướng “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như Bộ KH&ĐT nhiều lần khẳng định. Các chính sách, dự báo, chiến lược được soạn thảo cũng đậm dấu ấn tinh thần này.
Có thể là vì, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhiều lần khẳng định với báo chí: “Thành quả phát triển của đất nước phải được lan tỏa cho mọi người, trong đó có người yếu thế”.