Tầm nhìn mới về mục tiêu phát triển

(BĐT) - Nhìn lại 10 năm qua (2011 - 2020), về đại thể có thể thấy nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên hầu khắp các lĩnh vực. Đó là nền tảng quan trọng để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước hướng tới mục tiêu thịnh vượng, hùng cường.
Cần có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước để phục vụ phát triển đất nước
Cần có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước để phục vụ phát triển đất nước

Những thành tựu quan trọng                     

Tăng trưởng kinh tế khá cao, nhất là 5 năm gần đây mức tăng GDP ước đạt 6,8%/năm, thuộc nhóm có mức tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới. Quy mô GDP ước tính năm 2020 sẽ đạt gần 300 tỷ USD, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010 (116 tỷ USD), GDP/người tăng từ mức 1.330 USD năm 2010 lên hơn 3.000 USD năm 2020, đạt mục tiêu chiến lược đề ra.

Các ngành công nghiệp và dịch vụ từ mức 81% GDP năm 2010 đã tăng lên 87%, lực lượng lao động trong hai khu vực trên cũng tăng từ mức 50,5% năm 2010 lên 66,5%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 3,5 lần, từ 157 tỷ USD năm 2010 lên khoảng 568 tỷ USD năm 2020, tương đương trên 190% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4%/năm từ 2016 đến nay, lạm phát cơ bản giảm từ 13,6% năm 2011 xuống dưới 2%.

Về mặt xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,2% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 còn dưới 3%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành sớm gần 2 năm so với mục tiêu Chiến lược đề ra; đến tháng 6 năm 2019 cả nước có 4.458 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 50% tổng số xã.

Kết quả nêu trên đã góp phần tô đậm thêm “thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” của hơn 3 thập niên đổi mới, đồng thời mở ra cho thời kỳ chiến lược 10 năm tới những vận hội mới, tiềm lực và vị thế mới để vượt qua các thách thức của “bẫy thu nhập trung bình”, vươn lên đẳng cấp phát triển cao hơn.

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (10/2019) đã cho ý kiến bước đầu về nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó có đặt ra mục tiêu hướng đến một nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 - năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, và hướng đến nước có mức thu nhập cao vào năm 2045 - năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước. Mục tiêu phát triển nêu trên là sự thể hiện quan điểm phát triển nhanh và bền vững, để vừa đảm bảo chống lại nguy cơ tụt hậu, vừa bắt kịp xu hướng chung của thế giới, thực hiện mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững; đồng thời thể hiện rõ ý chí, khát vọng vươn lên của dân tộc. 

4 trụ cột trọng tâm hướng tới mục tiêu thịnh vượng

Để thực hiện những mục tiêu đề ra, việc xác định đúng đắn những giải pháp luôn có ý nghĩa rất quyết định. Ở tầm chiến lược, các giải pháp này phải có tính căn bản, dài hạn, bao quát và hài hòa các mối quan hệ. Đồng thời, cũng phải có những điểm nhấn, những đột phá mang đậm sắc thái đặc thù của một thời kỳ nhất định. Trên tinh thần như vậy, có thể gợi mở một số hướng giải pháp chủ yếu sau để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược 10 năm tới.

Một là, nâng cao hơn nữa chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Đây là nội dung chính của một trong ba đột phá chiến lược được nêu trong Chiến lược giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, nếu như trong Chiến lược 2011 - 2020, trọng tâm của đột phá thể chế “là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”, coi “khu vực tư nhân là một động lực quan trọng” phát triển kinh tế, thì trong Chiến lược 2021 - 2030, nội dung đột phá thể chế được mở rộng thêm, nhấn mạnh hơn tới sự đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học công nghệ...

Hai là, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Có thể nói, sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu và từng quốc gia. Đây vừa là thách thức, nhưng lại vừa là cơ hội to lớn đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vậy nên, rất cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng để phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; lấy doanh nghiệp là trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện, bao gồm kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.

Ba là, phát triển con người đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Trong Chiến lược 10 năm 2011 - 2020, “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân” được xác định là một trong ba đột phá chiến lược. Trong Chiến lược 2021 - 2030, nội dung này cần được nhấn mạnh hơn với nội dung bao quát về phát triển con người một cách toàn diện. Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng nhanh yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Hướng giải pháp là cải cách chế độ đãi ngộ đồng thời với yêu cầu nghiêm ngặt về chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp cao. Đồng thời cần có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước để phục vụ phát triển đất nước.

Bốn là, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với đổi mới tư duy phát triển vùng. Chiến lược 10 năm 2021 - 2030 cần đặt vấn đề tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mở rộng thêm nội dung phát triển mạnh hạ tầng số làm cơ sở để phát triển kinh tế số, xã hội số. Cái mới ở đây không chỉ là mở rộng phạm vi, mà còn nhấn mạnh tính hiện đại bên cạnh tính đồng bộ. Điều đó có nghĩa rằng, đối với mỗi loại hạ tầng, đều có yêu cầu về những xu hướng công nghệ mới. Ví dụ hạ tầng năng lượng, cần ưu tiên hơn cho các loại năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Thực tế chỉ ra rằng, hạ tầng không chỉ là lĩnh vực phải đi trước một bước và có tầm nhìn dài hạn, mà còn gắn với phát triển vùng. Trong thế giới hiện đại, sự phát triển vùng chịu tác động của nhiều yếu tố, nhưng đô thị luôn đóng vai trò động lực lôi kéo, đầu tàu phát triển. Vì vậy, phát triển vùng phải phối hợp chặt chẽ với phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng nội vùng cũng như liên kết giữa các vùng, các đô thị.

Chuyên đề