Ảnh Internet |
Sự khác biệt giữa hai nhóm cổ phiếu này bắt đầu từ 2 tháng trước, khi cổ phiếu các hãng công nghệ lớn của Mỹ thể hiện tốt hơn 19 điểm phần trăm so với cổ phiếu các ông lớn công nghệ Trung Quốc. Giới đầu tư cược rằng cổ phiếu Alibaba Group sẽ xuống giá – đây là mã cổ phiếu công nghệ bị bán tháo nhiều nhất trên thế giới. Trong khi đó, cổ phiếu Tencent cũng sụt giảm 5% vào cuối tuần trước sau khi Trung Quốc có kế hoạch siết chặt mảng kinh doanh trò chơi điện tử.
Có rất nhiều lí do khiến cổ phiếu công nghệ Trung Quốc lao dốc. Trong tháng 6, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra đã làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc – nơi mà các hãng Internet trong nước phải phụ thuộc. Mùa báo cáo thu nhập gần nhất cho thấy kết quả không khả quan, với tăng trưởng lợi nhuận quý II đã giảm xuống còn 16,2%, từ mức 47% ở cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cũng có những lí do để tin rằng sự phân kỳ giữa cổ phiếu công nghệ Mỹ và Trung Quốc có tính cấu trúc và sẽ tiếp tục như vậy. Chẳng hạn, dù lợi nhuận yếu, cổ phiếu hai hãng công nghệ Trung Quốc là Tencent và Alibaba vẫn đang giao dịch ở mức giá cổ phiếu trên lợi nhuận cao kỷ lục. Song trên cơ sở giá cổ phiếu trên doanh thu, hai hãng đang đi xuống.
Nói cách khác, các nhà đầu tư không còn tin rằng doanh số bằng đồng USD từ hãng công nghệ Trung Quốc sẽ có lợi cho các cổ đông như trước kia. Ngoài ra, chi tiêu của các công ty công nghệ Trung Quốc cũng đang ở mức đáng báo động. Trong năm nay, Alibaba, Tencent và JD.com Inc. đã đầu tư hơn 37 tỷ USD vào các startup. Ở chiều ngược lại, Amazon và Apple rất thận trọng trong việc đầu tư mạo hiểm này.
Trong khi các hãng công nghệ Mỹ như Amazon và Netflix Inc. vẫn tin tưởng vào việc tự thâm nhập thị trường mới, thì các hãng Trung Quốc dường như đã quyết định rằng đầu tư chiến lược vào các startup là lựa chọn hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, các khoản đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc quá chồng chéo.
Ofo và Mobike là những thương hiệu chia sẻ xe đạp hàng đầu Trung Quốc. Ofo được Alibaba hậu thuẫn. Mobike, ban đầu được hỗ trợ bởi Tencent, gần đây đã được mua lại bởi Meituan Dianping – hãng cung cấp dịch vụ giao thực phẩm trực tuyến mà Tencent nắm 20% cổ phần. Alibaba, Tencent và JD.com hiện đều hậu thuẫn cho 4/6 hãng thương mại điện tử hàng đầu tại Indonesia.
Theo Bloomberg, sự chồng chéo này sẽ chỉ dẫn đến cạnh tranh khốc liệt hơn, tiêu tốn tiền mặt hơn, trong khi lợi nhuận trên vốn đầu tư ngày càng bị xói mòn.
Bên cạnh đó, nhiều dấu hiệu đáng lo ngại đã xuất hiện trong báo cáo thu nhập. Lợi nhuận của Alibaba sụt giảm bởi sự cạnh tranh từ các công ty công nghệ mới tại Trung Quốc. Trong khi chi phí nghiên cứu và phát triển của JD.com tăng 80% lên đạt 2,8 tỷ NDT trong quý trước, dù vậy hãng vẫn không kỳ vọng tăng trưởng doanh số sẽ tốt hơn.