Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh |
Cùng bị xét xử về tội danh trên còn có bị cáo Nguyễn Huy Hùng (sinh năm 1968, nguyên giám đốc chi nhánh ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (sinh năm 1970, nguyên cán bộ cấp dưới của bị cáo Hùng).
Trước đó, tòa đã 2 lần hoãn phiên tòa để làm rõ kết quả ủy thác tư pháp của Mỹ. Theo đó, HĐXX chờ kết quả dịch thuật và hợp thức hóa lãnh sự đối với lời khai của người liên quan tới vụ án là bà Nguyễn Hiệp Hảo (hiện đang sống tại Mỹ).
Liên quan tới kết quả ủy thác tư pháp trên, chủ tọa cho biết đây là tài liệu của FBI (Cục điều tra liên bang thuộc Bộ Tư pháp Mỹ- PV).
Trong phần thủ tục, luật sư Lê Thị Minh Nhân (bào chữa cho bị cáo Khanh) đề nghị HĐXX có hướng dẫn sử dụng kết quả tư pháp. Bên cạnh đó, luật sư cho rằng lời khai của bà Hảo có thể làm thay đổi bản chất vụ án, kết quả tư pháp là tình tiết mới của vụ án xuất hiện sau khi cáo trạng được ban hành, từ đó đề nghị HĐXX xem xét trong quá trình xét xử.
Tiếp đó, HĐXX cho rằng về mặt hình thức thì tòa đã tạo điều kiện cho các luật sư tiếp cận tài liệu trên nhưng theo nguyên tắc thì không được sao chụp, không được đưa ra khỏi khu vực tòa án. Đồng thời, chủ tọa cho rằng liên quan tới kết quả ủy thác tư pháp từ Mỹ sẽ được làm rõ trong quá trình tranh luận tại phiên tòa.
Nhằm đảm bảo khách quan trong lời khai đối với từng bị cáo nên HĐXX quyết định cách ly từng bị cáo trong phần xét hỏi.
Bị cáo Nguyễn Huy Hùng là bị cáo được HĐXX gọi lên xét hỏi đầu tiên trong vụ án. Bị cáo cho rằng cáo trạng truy tố về hành vi của mình không đúng, bản thân bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi từ vụ án cũng như không gây thất thoát cho ngân hàng và Nhà nước.
Bị cáo Hùng cho rằng quan hệ vay mượn giữa bà Hồ Thị Hiệp và ngân hàng đã được thực hiện trước khi bị cáo về tiếp quản BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn. Lý giải về việc tại sao không phát mãi tài sản của bà Hiệp để thu hồi nợ cho ngân hàng mà để bà Hiệp bán cho bị cáo Khanh thì bị cáo Hùng cho rằng bản thân bị cáo chưa có kinh nghiệm xử lý nợ xấu, khi bắt tay vào việc thu hồi các khoản nợ của bà Hiệp khiến bị cáo bị căng thẳng.
Các bị cáo tại tòa
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2005 – 2008, bà Hồ Thị Hiệp, giám đốc công ty TNHH Xuất khẩu Thương mại An Tây (công ty An Tây) vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tây Sài Gòn 72 tỉ đồng. Tài sản thế chấp khi vay gồm 20 ha đất, nhà xưởng, định giá tài sản vào khoảng 80 tỉ đồng.
Đến năm 2008, công ty An Tây không có khả năng trả nợ nên phía ngân hàng đưa vào danh mục nợ xấu, sau đó phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Thời điểm này, bị cáo Hùng và bị cáo Lộc đã giao tài sản thế chấp lại cho bà Hồ Thị Hiệp tự bán, người mua là ông Nguyễn Hồng Khanh (nguyên Bí thư thị xã Bến Cát) và thành viên gia đình. Khi giao tài sản đảm bảo cho bà Hiệp để bán thì Hùng và Lộc không có văn bản thỏa thuận với bà Hiệp về việc bán tài sản.
Bên cạnh đó, Hùng và Lộc thống nhất để bà Hiệp nhận một khoản tiền mặt từ bán tài sản đảm bảo không đưa vào trả nợ cho ngân hàng theo quy định. Hành vi ông Nguyễn Hồng Khanh với Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo kết luận định giá, toàn bộ diện tích đất thời điểm chuyển nhượng có giá trị gần 46 tỉ đồng. Ngân hàng thu hồi được hơn 10 tỉ đồng, Khanh thanh toán cho bà Hiệp số tiền 4,3 tỉ đồng và giá trị thiệt hại ngân hàng trong thu hồi nợ là gần 36 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Hùng, Lộc còn lỏng lẻo trong quản lý tài sản thế chấp để sót diện tích 1.689m2 đất trị giá 748 triệu đồng của bà Nguyễn Hiệp Hảo (con gái bà Hiệp) thế chấp cho BIDV Tây Sài Gòn để cho Khanh quản lý, sử dụng.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục xét hỏi.