Điểm sáng rõ nét trong bức tranh tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng là bước tiến mạnh về quy mô vốn của các ngân hàng và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) được cải thiện. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, nợ xấu ở ngưỡng cao đang rủi ro “âm ỉ” và là lực cản lớn nhất với quá trình tái cơ cấu. Làm thế nào để tránh phát sinh thêm trường hợp ngân hàng phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và nhận diện rõ thực trạng nợ xấu để có giải pháp xử lý hiệu quả, thực chất là bài toán ngành ngân hàng cần giải trong thời gian tới đây.
Sau khi 2 ngân hàng 0 đồng được chuyển giao bắt buộc (Ngân hàng Xây dựng được chuyển giao cho Vietcombank; Ngân hàng Đại dương được chuyển giao cho MBBank), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn thành và trình đề án chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng còn lại trước ngày 20/12/2024. Đây là những chuyển động tích cực sau 9 năm các ngân hàng này được NHNN mua lại 0 đồng. Bên cạnh đó, tại Công điện 137/CĐ-TTg về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, một trong những nhiệm vụ Thủ tướng đặt ra với NHNN là “tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý hiệu quả nợ xấu”.
Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng đạt hơn 21,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 6,9% so với cùng kỳ năm trước, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 7%. Hệ số an toàn vốn (CAR) của nhiều ngân hàng thương mại đạt mức trên 10%.
Đánh giá về tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc chuyển giao bắt buộc là phương án được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm khắc phục tình trạng yếu kém của các ngân hàng thương mại, không chỉ giúp cải thiện tình hình tài chính của ngân hàng “0 đồng” mà còn tạo cơ hội mở rộng quy mô hoạt động cho những ngân hàng nhận chuyển giao, tận dụng chính sách ưu đãi từ việc nhận chuyển giao để phát triển hoạt động kinh doanh.
“Đây là việc chưa có tiền lệ trong hoạt động ngân hàng Việt Nam và khác biệt với thông lệ quốc tế. Vì vậy, cần tiếp tục đánh giá và đưa ra cách thức xử lý hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, có thể xem xét bán cho các nhà đầu tư nước ngoài để họ bơm vốn và xử lý nợ xấu triệt để dù việc này không dễ dàng bởi vướng quy định về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng”, ông Hiếu nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đây là việc được chờ đợi trong gần 10 năm qua, đưa các ngân hàng này vào chặng thứ hai của chiến lược tái cơ cấu. “Bên cạnh việc kỳ vọng quá trình này sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong thời gian tới đối với cả bên được và bên nhận chuyển giao, cần chú ý kiểm soát chặt hệ thống để tránh phát sinh thêm ngân hàng rơi vào diện kiểm soát đặc biệt. Điều này vẫn có thể xảy ra trong bối cảnh chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng. Đáng chú ý, những con số thực tế của nợ xấu có thể sẽ cao hơn nếu quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực”, ông Đức nhận định.
Bên cạnh việc tiếp tục chuyển giao bắt buộc các ngân hàng 0 đồng, ông Đức cho rằng cần có giải pháp với Ngân hàng SCB. Theo đó, có thể đưa ra lộ trình giảm dần chi nhánh, giải quyết quyền lợi cho người gửi tiền và chuyển giao các hạng mục còn lại cho ngân hàng khác theo cơ chế riêng.
Cùng với động thái tích cực từ việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng, có thể nhận thấy điểm sáng rõ nét trong bức tranh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là bước tiến về quy mô vốn và cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Theo đó, tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng đạt hơn 21,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 6,9% so với cùng kỳ năm trước, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 7%. Hệ số an toàn vốn (CAR) của nhiều ngân hàng thương mại đạt mức trên 10%.
Ở chiều ngược lại, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở ngưỡng cao là một lực cản đối với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. NHNN cho biết, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD hiện ở mức 4,55%, tương đương con số của cuối năm 2023 nhưng tăng gấp đôi mức của năm 2022.
Trong khi đó, nhiệm vụ xử lý nợ xấu được đặt ra khá tham vọng tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, mục tiêu là phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở dưới mức 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém).
Xử lý nợ xấu là một trong những thách thức với ngành ngân hàng trong thời gian tới. Ảnh: Nhã Chi |
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, hệ thống ngân hàng không thể thực hiện tái cơ cấu một cách toàn vẹn nếu không xử lý tốt nợ xấu. NHNN đã có nhiều động thái quyết liệt để thúc đẩy xử lý nợ xấu. Nhiều ngân hàng cấp tập rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ nhưng vẫn khó khăn. Bên cạnh đó, nền kinh tế chịu nhiều tác động bất lợi từ Covid-19, bất ổn địa chính trị thế giới, bão Yagi khiến nỗ lực giảm tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống TCTD chưa đạt hiệu quả, thậm chí chưa thể kỳ vọng giải quyết mạnh trong thời gian tới.
Từ góc độ các ngân hàng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, một trong những thách thức với ngành ngân hàng trong thời gian tới là xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, các TCTD phải đối diện với nợ xấu tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 (thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD) hết hiệu lực, công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, TCTD không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ…, làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Ông Hiếu cho rằng, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng, các bộ, ngành, NHNN, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm; trong đó công tác tố tụng giải quyết vụ án tại tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, NHNN cần tiếp tục tập trung thanh tra chuyên đề đối với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động của các TCTD như cấp tín dụng tập trung vào các khách hàng lớn tiềm ẩn rủi ro, hoạt động tư vấn, giới thiệu liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và các dịch vụ tư vấn, giới thiệu khác; thanh tra xử lý nợ xấu và thu hồi nợ ngoại bảng sau khi xử lý rủi ro; thanh tra tỷ lệ sở hữu cổ phần, mua bán, chuyển nhượng cổ phần...
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, để xử lý nợ xấu triệt để, cần có lộ trình nhanh chóng chấm dứt quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ, chưa chuyển nhóm nợ, chỉ rõ thực trạng chất lượng tài sản ngân hàng để có giải pháp xử lý, kiểm soát hoạt động hiệu quả hơn.