Tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư: Kỳ vọng gỡ điểm nghẽn giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc tách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ra khỏi dự án đầu tư đã được nhiều địa phương đề xuất như là giải pháp quan trọng để tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần các giải pháp căn cơ tháo gỡ chính những vướng mắc trong công tác GPMB, để không xảy ra ách tắc giải ngân ở chính dự án GPMB được tách ra.
Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành chậm tiến độ có liên quan đến công tác xây dựng các khu tái định cư, công tác kiểm đếm, xây dựng giá bồi thường. Ảnh: Song Lê
Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành chậm tiến độ có liên quan đến công tác xây dựng các khu tái định cư, công tác kiểm đếm, xây dựng giá bồi thường. Ảnh: Song Lê

Vòng luẩn quẩn do chậm giải phóng mặt bằng

Theo phản ánh của nhiều địa phương, đối với dự án đầu tư công, GPMB là một trong những vướng mắc chính ảnh hưởng đến tiến độ dự án, từ đó dẫn đến tăng chi phí, đội vốn. Đồng thời, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả sử dụng nguồn vốn có sẵn và khả năng bố trí vốn cho các dự án khác, gây ứ đọng vốn.

Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, Luật Đầu tư công quy định, trong trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể việc thực hiện dự án GPMB được tách riêng ra từ dự án tổng thể; chưa có cơ chế, chính sách để bảo đảm việc thực hiện riêng công tác GPMB, chưa giải quyết được các điểm nghẽn trong các quy định cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

Đối với dự án nhóm B, nhóm C, công tác GPMB không được tách thành dự án độc lập và triển khai tại bước thực hiện dự án (sau khi quyết định đầu tư). Thời điểm bắt đầu GPMB chậm hơn, phải thống kê, đo đạc, kiểm đếm, tăng chi phí bồi thường do chưa có cơ sở tính toán, áp dụng khung giá đền bù, một số trường hợp tăng chi phí có thể phải điều chỉnh dự án. Khoảng thời gian từ khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi được phê duyệt quyết định đầu tư thường tốn nhiều thời gian, làm tăng chi phí bồi thường. Đồng thời, việc xây dựng khu tái định cư cần triển khai thực hiện như một dự án thông thường nhưng chỉ được thực hiện khi dự án đã phê duyệt quyết định đầu tư cũng gây kéo dài thời gian GPMB.

Những bất cập nêu trên tạo ra vòng lặp trong triển khai thực hiện dự án: GPMB chậm dẫn đến đội vốn, - phải điều chỉnh dự án và lại chậm GPMB. Thời gian thực hiện công tác GPMB càng dài, thời gian còn lại theo quy định để thực hiện xây dựng, lắp đặt… càng ngắn, gây áp lực cho chủ đầu tư, nhà thầu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình….

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang hoàn thiện Dự thảo Đề án thí điểm tách phần hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư. Theo đó, việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập phải được đánh giá, nghiên cứu kỹ về tính khả thi, hiệu quả thực hiện căn cứ trên tính chất, mức độ phức tạp của dự án tổng thể. Đề án cũng sẽ phân định, làm rõ trách nhiệm của từng cấp liên quan trong việc GPMB.

Để không tắc tại chính dự án giải phóng mặt bằng

Tại Dự thảo Đề án, Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, nếu không giải quyết được những vấn đề căn cơ, cốt lõi trong công tác GPMB thì vẫn có thể gặp vướng mắc tại chính dự án GPMB được tách riêng, không đạt được kỳ vọng.

Ví dụ điển hình là Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là dự án GPMB độc lập được tách riêng từ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Dù có đầy đủ các cơ chế, chính sách và nguồn vốn để triển khai nhưng dự án GPMB vẫn gặp vướng mắc. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo tại Quốc hội ngày 12/11/2021, tổng số tiền giải ngân Dự án từ năm 2018 đến đầu tháng 10/2021 mới đạt hơn 10 nghìn đồng trong tổng số hơn 22 nghìn tỷ đồng đã bố trí (khoảng 47%). Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải việc chậm tiến độ có liên quan đến công tác xây dựng các khu tái định cư, công tác kiểm đếm, xây dựng giá và đặc biệt là trong thời gian vừa qua có ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Từ thực tế có thể thấy việc chậm trễ trong GPMB do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân khách quan như nguồn gốc đất không rõ ràng, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số khu đất mang tính chất đặc thù gắn với các giá trị về tâm linh, tín ngưỡng… Có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện GPMB như khung giá bồi thường chưa sát với giá thị trường; cơ chế, chính sách đền bù thay đổi trong quá trình thực hiện; quy trình, thủ tục còn phức tạp…

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nếu bất cập trong các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan không được giải quyết triệt để thì công tác GPMB vẫn bị vướng mắc...

Một số ý kiến cho rằng tại Dự thảo Đề án cần thiết có một số cơ chế đặc biệt để gỡ vướng, bảo đảm việc thực hiện dự án GPMB được tách riêng.

Chuyên đề