Sức mạnh báo chí cách mạng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một chiến sỹ cách mạng lỗi lạc, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam mà còn là một cây bút xuất sắc, một nhà báo lớn, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Bác Hồ đã viết hàng trăm bài báo trên tờ “Người Cùng Khổ” với mục tiêu là vạch trần bộ mặt của chủ nghĩa thực dân, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng, giải phóng các dân tộc bị thuộc địa
Bác Hồ đã viết hàng trăm bài báo trên tờ “Người Cùng Khổ” với mục tiêu là vạch trần bộ mặt của chủ nghĩa thực dân, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng, giải phóng các dân tộc bị thuộc địa

Là người am hiểu tinh hoa văn hóa Đông, Tây, kim, cổ và sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Bác đã thấy rõ sức mạnh to lớn của báo chí. Đặc biệt, Bác coi báo chí là một thứ vũ khí sắc bén và đã sử dụng một cách tài tình để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc.

Ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã ký tên và gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Versailles đòi Chính phủ Pháp ân xá tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong bản Yêu sách, Người đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam yêu cầu chính quyền thực dân Pháp phải cho “tự do báo chí và tự do ngôn luận”. Bản Yêu sách gây tiếng vang lớn tại Pháp và được Báo “Dân Chúng” (Le Populaire) và Báo “Nhân Đạo” (L' Humanité) đăng tải.

Sau đó, Người cùng một số nhà hoạt động cách mạng thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa và lập ra cơ quan ngôn luận của Hội. Tờ “Người Cùng Khổ” ra đời xuất bản số báo đầu tiên ngày 1/4/1922. Người đã viết hàng trăm bài báo với mục tiêu là vạch trần bộ mặt của chủ nghĩa thực dân, vạch trần chính sách đàn áp, bóc lộc dã man của chủ nghĩa đế quốc, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng, giải phóng các dân tộc bị thuộc địa.

Cuối năm 1924, sau khi từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), Người thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Ngày 21/6/1925, Người xuất bản số đầu tiên tờ Thanh Niên, mở đầu cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Sau tờ Thanh Niên, Người cho ra đời hàng loạt tờ báo như “Công Nông”, “Lính Kách Mệnh”, “Tạp chí Đỏ”, “Việt Nam Độc Lập”, “Cứu Quốc”…, phối hợp chặt chẽ với các tờ “Búa Liềm”, “Tranh Đấu”, “Tiếng Nói Của Chúng Ta”… trở thành vũ khí sắc bén tấn công mạnh mẽ vào chủ nghĩa thực dân, truyền bá chủ nghĩa yêu nước, góp phần làm nên kỳ tích giành độc lập tự do cho nước nhà.

Trong một bài đăng trên báo Thanh Niên năm 1926, Người viết: “Đồng bào ơi! Quyền tự do là trời cho mình. Người mà không được tự do thà rằng chết. Tỉnh dậy, đập vỡ cái lồng Tây nó nhốt người mình đó. Đồng bào ơi! Cam chịu như gà như lợn mà hay sao, chỉ có gà, lợn mới chịu người ta giam giữ mãi, nếu là người thế nào cũng tìm cách phá lồng mà ra”.

Những bài báo chân thực, giản dị, đi thẳng vào trái tim người đọc như trên của Người đã làm lay động hàng triệu con tim người Việt. Nó nói lên khát vọng và ý chí của số đông giới cần lao, chỉ rõ đường đi và hành động cụ thể để giải phóng nô lệ, áp bức.

Mục đích viết báo của Người không gì khác là vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Các bài viết của Người như những lời hiệu triệu, trở thành sức mạnh tinh thần thúc đẩy cuộc cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi trọn vẹn. Bác không chỉ là một nhà báo lớn mà còn là một cây bút độc đáo, có bản sắc, đầy sáng tạo. Quan niệm làm báo của Bác rất cởi mở, không gò bó cứng nhắc, mỗi chữ, mỗi bài báo viết ra phải gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc. Nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận xét: “Hãy đọc ngay một đoạn báo bình thường của Bác. Biết là của Bác rồi mà đọc xong ta vẫn lạ lùng. Quá quen hàng chục năm trời nay với lời văn giản dị tiếng suối trong như tiếng hát xa của Người, ta sửng sốt trước lối văn rất hiện đại, rất là châu Âu, mà đây cũng là của Bác”.

Với Bác, làm báo là để làm cách mạng, là để thực hiện bằng được khát vọng độc lập dân tộc, tiến tới dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ. Vì vậy Người luôn coi báo chí là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng xã hội mới của nhân dân ta.

Gần một trăm năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam giữ vững vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của dân tộc, đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong mọi thời điểm, báo chí cách mạng luôn là công cụ hữu hiệu để giải quyết những vấn đề gai góc của thời đại đặt ra. Chính vì lẽ đó mà nhiều nhà lãnh đạo cấp cao như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Bình, Lê Quang Đạo, Phan Anh, Nguyễn Thành Lê… là những cây bút lớn. Họ đều coi báo chí là thứ vũ khí “có sức mạnh hơn mười vạn quân”. Họ “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng, làm nên những kỳ tích Điện Biên Phủ, mùa xuân 1975 cũng như công cuộc đổi mới hôm nay…

Cho đến nay báo chí cách mạng Việt Nam đã có một đội ngũ vô cùng hùng hậu. Ở bất cứ thời điểm nào, báo chí luôn là ngọn cờ tiên phong của cách mạng, không khoan nhượng với cái ác, hàng ngày, hàng giờ đấu tranh với mọi thói hư tật xấu, mọi âm mưu thủ đoạn xâm lược của kẻ thù từ bên ngoài; tổ chức và phát động các phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân; đấu tranh bảo vệ vững chắc đất đai của tổ quốc; bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng; chống tham ô, tham nhũng góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy tiến bộ xã hội, đổi mới mạnh mẽ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.

Hiện nay thế giới đang bước sang một thời kỳ mới - cách mạng 4.0. Sự phát triển kỳ vĩ của khoa học mở ra vô số cơ hội và thách thức đối với báo chí. Đây là mảnh đất màu mỡ, tạo ra nền tảng cho sự sáng tạo với vô vàn những sản phẩm truyền thông mới lạ, đa hình thức. Vì lẽ đó, đội ngũ người làm báo phải tự thay đổi, tập trung trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ, luôn đổi mới bản thân và làm mới tác phẩm. Nhà báo không ngừng sáng tạo, khẳng định giá trị bản thân, nhưng vẫn giữ được cốt cách, phẩm chất của một nhà báo cách mạng chân chính.

Hơn bao giờ hết, nhà báo hôm nay phải tự mình vượt qua thách thức, khó khăn, nhận thức sâu sắc sứ mệnh của mình trong giai đoạn mới, đóng góp tài năng và trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của đất nước. Xây dựng một nước Việt Nam mới thực sự vững mạnh, hùng cường.

Chuyên đề