Sửa quy định về quản lý hợp đồng: Cần bình đẳng giữa các chủ thể

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đối với dự án đầu tư xây dựng, quản lý hợp đồng xây dựng là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của việc thực hiện dự án. Nhiều nhà thầu kỳ vọng các quy định về quản lý hợp đồng xây dựng được hoàn thiện hơn, giảm thiểu tranh chấp - ác mộng đối với các chủ thể ký hợp đồng và đảm bảo sự bình đẳng, quyền lợi của các bên, tạo thuận lợi trong thực hiện hợp đồng...
Việc sửa đổi Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng hướng đến mục tiêu đồng bộ hệ thống pháp luật mới, khắc phục vướng mắc trong thực tế, công bằng giữa các chủ thể. Ảnh: Lê Tiên
Việc sửa đổi Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng hướng đến mục tiêu đồng bộ hệ thống pháp luật mới, khắc phục vướng mắc trong thực tế, công bằng giữa các chủ thể. Ảnh: Lê Tiên

Còn nhiều vướng mắc

Hợp đồng xây dựng có giá trị lớn, tính chất pháp lý phức tạp, tiềm ẩn tranh chấp phát sinh, công tác quản lý hợp đồng xây dựng đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, vẫn còn không ít hạn chế, vướng mắc về pháp lý ảnh hưởng đến hiệu quả công tác này.

Ông Nguyễn Bắc Thủy, Trưởng phòng Kinh tế đầu tư và Hợp đồng xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, chỉ ra vấn đề nổi cộm là việc áp dụng hợp đồng EPC khá tràn lan, tùy tiện; điều kiện đưa ra áp dụng hợp đồng EPC chưa đạt, dẫn đến nhiều hợp đồng EPC thất bại và dễ phát sinh tranh chấp. Các đại dự án thua lỗ của ngành công thương là một ví dụ, dự án không những không rút ngắn thời gian mà còn kéo dài, không đảm bảo hiệu quả đầu tư mong muốn. Bên cạnh đó, có nhiều hợp đồng EPC tại thời điểm ký hợp đồng là giá tạm tính, khi có dự toán mới ký với nhau giá chính thức, trong khi đó trao quyền cho nhà thầu làm thiết kế. “Liệu nhà thầu có thiết kế tiết kiệm chi phí, hiệu quả nhất cho hợp đồng đã ký hay không, hay là không phải tiền của tôi thì giá trị thiết kế càng lớn càng được nhiều tiền”, ông Thủy đặt vấn đề và cho rằng phải thay đổi phương thức quản lý hợp đồng EPC, cũng như đưa thêm các điều kiện để áp dụng hợp đồng EPC, đảm bảo khả thi, hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Bắc Thủy, vướng mắc rất lớn khác là liên quan đến việc điều chỉnh giá hợp đồng, bởi hầu hết tranh chấp suy cho cùng đều vì mục đích chi phí được thanh toán là bao nhiêu tiền. Ông Thủy chỉ ra, khi có biến động bất thường các yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất xây dựng, như giá nguyên nhiên vật liệu, nhân công, máy thi công, như thời kỳ giá cát tăng đột biến, có nơi trên 200%, không nhà thầu, chủ đầu tư nào lường trước. Với những trường hợp đó có xem xét điều chỉnh hay không đối với hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng theo đơn giá cố định? Nếu không điều chỉnh, nhà thầu không đủ chi phí làm thì thà bỏ dở ngang chừng, còn chủ đầu tư thì không hoàn thành được công trình đúng tiến độ, ảnh hưởng đến ổn định đời sống xã hội, công văn việc làm… Theo ông Thủy, cần xem xét quy định hành lang pháp lý cho việc điều chỉnh giá hợp đồng và quy định thế nào để tránh lạm dụng, áp dụng tùy tiện.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Kinh tế xây dựng cho biết, quy định về thời điểm bắt đầu thu hồi tạm ứng do các bên tự thỏa thuận hiện nay nhiều khi bị áp dụng tùy tiện theo chủ quan, tạo ra cơ chế không sòng phẳng giữa các chủ thể.

Mong muốn công khai và bình đẳng

Đại diện Cục Kinh tế xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng (NĐ 37). Nghị định sửa đổi hướng đến mục tiêu đồng bộ hệ thống pháp luật mới, khắc phục vướng mắc trong thực tế, công bằng giữa các chủ thể. Dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ giải quyết các vấn đề về điều chỉnh giá hợp đồng, tạm ứng, thanh toán, quyết toán; quyền và nghĩa vụ của các bên, chế tài giải quyết tranh chấp giữa các bên; bổ sung một số loại hợp đồng phù hợp với thực tiễn; đặc biệt là quy định chặt chẽ hơn về việc áp dụng hợp đồng EPC…

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giảng viên cao cấp Khoa Kỹ thuật xây dựng - Đại học Bách khoa TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, kỳ vọng việc sửa đổi NĐ 37 giải quyết được các vấn đề ngành xây dựng đang vướng, không chỉ tập trung quá nhiều vào hợp đồng EPC. Ông Hiệp chỉ ra vướng mắc rất lớn mà các chủ đầu tư, nhà thầu đang gặp phải là việc Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán gần cuối giai đoạn xây dựng yêu cầu xuất toán, nhưng chủ đầu tư đã thanh toán rồi, xử lý như thế nào tại thời điểm đó.

Bên cạnh đó, ông Hiệp kiến nghị khi quyết toán tất toán giá trị công trình nên công khai thông tin đầy đủ: diện tích dự án, bao nhiêu hạng mục, quy mô, cấp công trình, vị trí địa lý, giá trị quyết toán, trong đó quyết toán phần thô là bao nhiêu, phần hoàn thiện bao nhiêu, thiết bị bao nhiêu. Nếu công khai đầy đủ, thực chất thì các nhà thầu trong ngành sẽ tính toán được có hợp lý hay không, tránh thất thoát, suất đầu tư mỗi nơi một kiểu...

Ở góc độ khác, ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam khuyến nghị cần có sự đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan đến hợp đồng xây dựng tại Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng để thuận lợi trong triển khai. Ngoài ra cần có sự bình đẳng giữa các chủ thể trong hợp đồng. Ông Dương Văn Cận lấy ví dụ về bảo lãnh, nhà thầu phải thực hiện nhiều loại bảo lãnh, như bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, nhưng chủ đầu tư thì không phải bảo lãnh, không thanh toán hoặc kéo dài thời gian thanh toán đều vô can. Quy định như vậy rất mất bình đẳng, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản, cần có cơ chế bảo lãnh thanh toán với chủ đầu tư đi kèm với chế tài. Bên cạnh đó, có cơ chế xử lý liên quan đến nợ đọng trong xây dựng. “Có công trình đưa vào sử dụng 4 - 5 năm mà chủ đầu tư vẫn chưa trả hết tiền cho nhà thầu, làm nhà thầu rất khó khăn. Cần có quy định chủ đầu tư phải thực hiện thanh toán xong cho nhà thầu mới được đưa công trình vào sử dụng”, ông Dương Văn Cận kiến nghị.

Chuyên đề