Một số hoạt động liên quan đến tài sản ảo, kết nối người đi vay và người cho vay trên nền tảng công nghệ… tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền do hầu hết được thực hiện trực tuyến. Ảnh: Tường Lâm |
Theo NHNN, sau 9 năm thực thi Luật Phòng chống rửa tiền 2012 (hiệu lực từ 1/1/2013), cơ chế phòng chống rửa tiền (PCRT) đã có bước tiến đáng kể cùng với việc hoàn thiện bộ máy gồm các cơ quan, tổ chức và đơn vị chuyên trách về phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, Luật PCRT cũng đã bộc lộc nhiều điểm bất cập, hạn chế và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động PCRT.
Trước hết, về đối tượng áp dụng, hiện có một số hoạt động mới phát sinh như tài sản ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay trên nền tảng công nghệ… Khung pháp lý cho các hoạt động này đang trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện. Trong trường hợp khung pháp lý về cấp phép, quản lý các hoạt động này được ban hành thì quy định tại Luật PCRT chưa bao quát được. Đây là những hoạt động tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền do hầu hết được thực hiện trực tuyến, các bên tham gia có tính ẩn danh cao.
Bên cạnh đó, các quy định về việc phân tích, xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ của NHNN tại Luật PCRT hiện chưa được rõ ràng, chưa thể hiện rõ các quy trình, nghiệp vụ cơ bản trong phân tích thông tin...
Mặt khác, theo NHNN, việc hoàn thiện pháp luật về PCRT là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác PCRT nói riêng và phòng chống tham nhũng nói chung.
Do đó, Dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) đưa ra những nội dung theo định hướng cải thiện những điểm bấp cập như trên.
Điều 15 Dự thảo quy định về việc thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro với khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị. Tuy nhiên, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dự thảo không có quy định các đối tượng báo cáo sẽ căn cứ vào nguồn nào để xác định một khách hàng có thuộc diện là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị hay không.
Luật PCRT 2012 đã quy định các đối tượng báo cáo có thể sử dụng danh sách được ban hành bởi NHNN để tuân thủ. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục giữ nguyên quy định này của Luật PCRT 2012 và bổ sung nội dung trên vào Dự thảo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị như Dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) là hợp lý để các tổ chức có thể chủ động xác định đối tượng có rủi ro. “Bên cạnh quy định như vậy, NHNN có thể có hướng dẫn theo hướng phác họa chân dung các nhân vật này với một số đặc điểm để các tổ chức tín dụng tham chiếu, xác định”, ông Hiếu nói.
Về sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ mới, Điều 17 Dự thảo quy định các doanh nghiệp cần nhận diện và đánh giá mức độ rủi ro khi áp dụng công nghệ mới khác với công nghệ đang sử dụng. Theo VCCI, quy định này chưa rõ ràng. Cụ thể, công nghệ thế nào được coi là “khác” với công nghệ đang sử dụng, chẳng hạn nếu doanh nghiệp sử dụng cùng công nghệ sinh trắc học nhưng chuyển từ nhận diện qua vân tay sang mống mắt thì có được coi là “khác” hay không?
Bên cạnh đó, phạm vi công nghệ mới như vậy còn tương đối rộng. Quy định với cách hiểu như trên dường như chưa thật sự phù hợp và tạo thêm gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp. Dù áp dụng công nghệ nào, các doanh nghiệp đều phải thực hiện việc ban hành chính sách, quy trình quản lý rủi ro. Quy định như vậy cũng không thật sự phù hợp khi một doanh nghiệp triển khai công nghệ mới, nhưng thực tế đã được cho phép trong văn bản pháp luật chuyên ngành.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng giới hạn phạm vi công nghệ mới cần phải thực hiện đánh giá rủi ro.
Còn theo ông Nguyễn Trí Hiếu, Dự thảo đề cập các sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ mới như vậy là phù hợp. “Hiện có nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính công nghệ mới như tiền ảo, cho vay ngang hàng… Đây là những sản phẩm có thể được sử dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền. Không thể xác định trước được tương lai sẽ có những sản phẩm nào mới nên khó có thể quy định rõ ràng công nghệ nào là mới. Vì vậy, trong báo cáo kiểm tra định kỳ về PCRT, nếu có áp dụng sản phẩm công nghệ mới thì tổ chức báo cáo nêu rõ”, ông Hiếu nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, để công tác PCRT có hiệu quả, bên cạnh khuôn khổ pháp lý, các tổ chức cần lưu ý về công tác tập huấn cho nhân viên về ý thức PCRT để có báo cáo khi nhận biết giao dịch đáng ngờ. Mặt khác, cần yêu cầu các ngân hàng tích cực lập báo cáo phòng chống rửa tiền, bởi nhiều ngân hàng vẫn e ngại bị để ý nếu có giao dịch đáng ngờ.