Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Sẽ can thiệp sớm tổ chức tín dụng như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc can thiệp sớm khi có các dấu hiệu rủi ro tại các ngân hàng giúp giảm nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn hệ thống. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả công tác này, cần xây dựng khung quy trình xử lý nhằm tránh bị động trong triển khai, có công nghệ giám sát liên tục hoạt động của hệ thống và đảm bảo chất lượng thông tin giám sát.
Công tác giám sát và quản trị rủi ro hệ thống ngân hàng cần được thực hiện thường xuyên thay vì chờ báo cáo từ các ngân hàng. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Công tác giám sát và quản trị rủi ro hệ thống ngân hàng cần được thực hiện thường xuyên thay vì chờ báo cáo từ các ngân hàng. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội dự kiến thảo luận tại hội trường và biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Một trong những nội dung được quan tâm tại Dự thảo Luật là can thiệp sớm tổ chức tín dụng (TCTD). Dự thảo Luật nêu rõ quy định về các trường hợp can thiệp sớm, biện pháp can thiệp trong trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt, phương án khắc phục của TCTD được can thiệp sớm, phương án giải thể TCTD được can thiệp sớm…

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank, Signature Bank, First Republic Bank (Mỹ), hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, Dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Bên cạnh đó, kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, Dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua. Theo đó, Dự thảo Luật xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của NHNN tại giai đoạn can thiệp sớm, quy định một số biện pháp đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm, cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của TCTD chưa đến mức nghiêm trọng.

Tại giai đoạn can thiệp sớm, TCTD, chủ sở hữu, cổ đông của TCTD phải tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của mình như: phải tăng vốn điều lệ, vốn được cấp; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao; bán, chuyển nhượng tài sản và thực hiện các giải pháp khác để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý; hạn chế hoặc không chia cổ tức, tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản trị, điều hành… Bên cạnh đó, TCTD còn có thể bị xem xét hạn chế hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng; đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật…

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, các biện pháp can thiệp sớm cần phải kịp thời, đúng liều lượng và hiệu quả. Để làm được như vậy, NHNN cần được trao đủ thẩm quyền cần thiết với quy trình thực hiện cụ thể. Trong đó, NHNN là bên cho vay đặc biệt khi TCTD rơi vào tình trạng khó khăn. Do đó, bên cạnh việc đưa ra các dấu hiệu nhận biết rủi ro để can thiệp sớm, cần xây dựng khung quy trình xử lý khủng hoảng, tránh tình trạng khi có vấn đề thì các cơ quan chức năng lại phải xin cơ chế xử lý khiến vấn đề trở nên trầm trọng và có thể gây rủi ro cho cả hệ thống.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, cần đảm bảo nguyên tắc can thiệp càng sớm càng tốt; không tiết lộ, công khai không đúng lúc về TCTD có vấn đề cần can thiệp vì tính nhạy cảm của hoạt động ngân hàng; cho vay đặc biệt nên có thời hạn, điều kiện cụ thể đối với TCTD được “giải cứu/can thiệp” nhằm giảm thiểu rủi ro đạo đức; nên tăng cường các chính sách hỗ trợ (kể cả cho vay đặc biệt) đối với TCTD tham gia “cơ cấu lại/giải cứu” nhằm chia sẻ khó khăn và tăng tính động lực.

Để các biện pháp này được thực hiện thuận lợi, ông Lực cho rằng, nên có quy định bảo hộ pháp lý đối với đội ngũ thanh tra, kiểm tra - giám sát TCTD cũng như các lĩnh vực khác, như thông lệ quốc tế (đối với trường hợp nguyên nhân do khách quan và/hoặc đã hành động “đúng quy định, quy trình, hợp lý; trừ trường hợp cố ý, cố tình…). Cơ chế này cũng cần được áp dụng cho những cán bộ tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, quy định về can thiệp sớm với các TCTD tại Dự thảo Luật phù hợp với xu thế của hoạt động ngân hàng trong thời gian gần đây theo hướng quản trị rủi ro chủ động.

Tuy nhiên, ông Linh cho rằng, để thực hiện hiệu quả việc này, công tác giám sát và quản trị rủi ro hệ thống ngân hàng cần được thực hiện thường xuyên thay vì chờ báo cáo từ các ngân hàng, đồng thời, đảm bảo tính trung thực và chính xác từ các thông tin thu thập giám sát. Đặc biệt, “các ngân hàng thương mại cần nâng cao chuẩn mực quản trị theo chuẩn mực quốc tế thì mới hỗ trợ tốt công tác giám sát, cảnh báo sớm rủi ro và can thiệp sớm”, ông Linh nhấn mạnh.

Chuyên đề