Ảnh minh họa |
Quy chế quy định về công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao trong các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình công tác, văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm văn bản mật, tối mật, tuyệt mật (gọi tắt là văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Quy chế này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; các cơ quan, tổ chức khác trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (các bộ, cơ quan, địa phương).
Quyết định số 23/2018/QĐ-TTg giải thích rõ nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bao gồm: Soạn thảo và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, phê duyệt hoặc ban hành, phê duyệt theo thẩm quyền các đề án, báo cáo, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; những nhiệm vụ cụ thể khác được giao thực hiện trong các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (không bao gồm những nhiệm vụ thực hiện thường xuyên theo chức năng của các bộ, cơ quan, địa phương).
Nhiệm vụ giao trong văn bản quy phạm pháp luật gồm: Nghị định của Chính phủ, Quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định mới quy định rõ nội dung thông tin phải cập nhật. Đối với văn bản giao nhiệm vụ không phải là văn bản mật, ngoài cập nhật lên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi và công khai trên mạng dùng riêng của Chính phủ tên văn bản; cơ quan, đơn vị trình ban hành văn bản; cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ; nội dung nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; thời hạn thực hiện nhiệm vụ thì còn phải cập nhật tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao (đã thực hiện, đang thực hiện, chưa thực hiện trong hạn hoặc quá hạn; chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giao so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Đối với văn bản giao nhiệm vụ được phát hành theo chế độ mật (mật, tối mật, tuyệt mật), cập nhật các thông tin sau đây lên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi và công khai trên mạng dùng riêng của Chính phủ: Tên văn bản, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm ban hành, người ký văn bản (không có trích yếu); cơ quan, đơn vị trình ban hành văn bản; cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ; đơn vị (thuộc Văn phòng Chính phủ) được giao theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện; tổng số nhiệm vụ giao (không cập nhật chi tiết nội dung nhiệm vụ); thời hạn hoàn thành; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao (đã thực hiện; chưa thực hiện trong hạn hoặc quá hạn; không cập nhật nội dung chi tiết kết quả thực hiện). Trường hợp đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương phải báo cáo các nội dung theo quy định bằng văn bản theo chế độ mật gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan.
Ngoài ra, Quyết định số 23/2018/QĐ-TTg cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm và quy trình cập nhật thông tin; thời hạn cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi; nhiệm vụ, quyền hạn theo dõi, đôn đốc; nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra; trách nhiệm của các cơ quan liên quan....
Trong đó, Quyết định nêu rõ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương và báo cáo kết quả kiểm tra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng.
Quyết định cũng sửa đổi lại thời hạn thông tin, báo cáo. Theo quy định mới, chậm nhất trước ngày 20/6 (đối với Báo cáo 6 tháng) và ngày 30/11 (đối với Báo cáo năm), các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp, gửi báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ.
Trên cơ sở số liệu của các bộ, cơ quan, địa phương, trước ngày 25/6 và ngày 20/12 hàng năm, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, xây dựng báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính giao các bộ, cơ quan, địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.