Sứ mệnh lan tỏa những giá trị tốt đẹp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc nêu gương người tốt, việc tốt. Ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, tháng 7/1954, Bác đã chỉ thị: Các tờ báo của Đảng và đoàn thể mở mục “Người mới, việc mới” để biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong nhân dân và cán bộ, đảng viên nhằm động viên phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển.
Bác Hồ trong buổi họp mặt đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua Công - Nông - Binh toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội (7/7/1958)
Bác Hồ trong buổi họp mặt đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua Công - Nông - Binh toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội (7/7/1958)

Đến tháng 6/1968, trong bài phát biểu tại hội nghị bàn về việc viết và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”, Bác gợi ý cho các cơ quan báo chí và các nhà xuất bản đổi mục “Người mới, việc mới” thành mục “Người tốt, việc tốt” cho đúng nghĩa hơn. Theo Bác, người tốt, việc tốt ở đâu, ngành nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm của họ dù nhỏ, nhưng giống như những giọt nước thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả... Những việc làm đó cần được tuyên truyền, lan tỏa để khích lệ mọi người hăng hái làm việc ích nước, lợi nhà.

Những người cầm bút viết báo, hẳn ai cũng đã từng được học, được nghe giảng về nhiệm vụ của báo chí. Báo chí không phải chỉ dừng lại ở phản ánh, mà cao hơn là phải định hướng tư tưởng thông qua biểu dương những nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến để giúp mọi người nhận thấy giá trị của hành động tốt đẹp mà ngưỡng mộ, phấn đấu noi theo. Mục tiêu của báo chí truyền thông là nhằm tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, khả năng lôi cuốn, cổ vũ thành phong trào quần chúng rộng lớn để cái tốt ngày càng sinh sôi và phát triển nhiều thêm; cái xấu ngày càng bị đẩy lùi, thu hẹp và đi đến bị đào thải.

Có một thời, nhiều tờ báo từ Trung ương đến địa phương đều mở chuyên mục “Người tốt, việc tốt” ở những vị trí trang trọng. Nhiều cơ quan báo chí đã cử những phóng viên đạo đức tốt, tay nghề giỏi để viết gương người tốt, việc tốt. Nhiều bài viết đã có tiếng vang, có sức thuyết phục, tính giáo dục cao, tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có tình trạng báo chí dường như chỉ nêu mặt xấu, mặt tiêu cực trong xã hội mà quên đi trách nhiệm ca ngợi cái tốt, phê phán cái xấu để góp phần xây dựng nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội, hướng xã hội đến những điều tốt đẹp.

Đúng là trong xã hội hiện nay vẫn còn những nhức nhối làm chúng ta chưa thật yên tâm, nhưng đó chỉ là những hiện tượng, sự việc đơn lẻ, không phản ánh bản chất xã hội. Thực tế là trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cũng xuất hiện nhiều tấm gương lao động sáng tạo, dũng cảm, hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân nhưng việc phản ánh, tôn vinh, tuyên truyền, lan tỏa những tấm gương ấy vẫn chưa tương xứng, thậm chí nhiều lúc còn bị khuất lấp bởi tin tức về các vụ việc tiêu cực.

Với thói quen nghề nghiệp, tôi đã có dịp tâm sự về thực tế đó với một vài đồng nghiệp trẻ và được các nhà báo này cho biết, bây giờ bạn đọc cũng ít quan tâm đến các bài viết về người tốt, việc tốt! Tôi đem câu hỏi “Có thật là bạn đọc hiện nay ít quan tâm đến các bài viết về gương người tốt, việc tốt và nếu đúng như vậy thì nguyên nhân vì sao?” đặt cho Tổng biên tập một vài tờ báo thì đều được cho biết, đó là thực tế! Nguyên nhân một phần là do bạn đọc bị hút vào thói quen thích xem những chuyện giật gân, hiếu kỳ. Nhưng một phần nữa là báo chí viết về gương người tốt, việc tốt chưa đủ sức lay động, chưa dồn vào đó nhiều tâm huyết để khiến người khác xúc động. Ở đây còn là câu chuyện về trình độ, năng lực và cả tâm huyết của người làm nghề nữa. Phải là một nhà báo có đạo đức, vừa có tay nghề tốt, vừa có tâm huyết thì mới đủ sức làm nên một tác phẩm báo chí có sức lay động, nhất là tác phẩm về gương người tốt, việc tốt!

Bên cạnh đó, cũng có tình trạng một số ít phóng viên và cơ quan báo chí mượn cớ biểu dương, nêu gương người tốt, việc tốt để trục lợi bằng cách thổi phồng sự thật, ca ngợi quá mức khiến bạn đọc mất niềm tin vào báo chí. Thực tế đã có trường hợp ngày hôm qua nhờ báo chí “lăng xê” mà một người trở thành “nổi tiếng”, nhưng ngay sau đó, cũng chính con người này bị báo chí không tiếc lời phê phán, chỉ trích vì các phản ánh trước đó không trung thực!

Vậy là việc tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến không phải là việc dễ nếu xét theo khía cạnh tạo nên được một tác phẩm báo chí thu hút được bạn đọc - nhất là bạn đọc trong thời đại công nghệ 4.0 bây giờ! Tình trạng mất cân đối về cơ cấu giữa các bài báo phản ánh tiêu cực với các bài báo biểu dương nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt một phần do khó khăn của thể loại bài viết này.

Thật may là trong mấy năm gần đây, trên nhiều tờ báo in, báo điện tử, chương trình phát thanh, truyền hình cũng đã xuất hiện trở lại chuyên mục nêu gương người tốt, việc tốt với những hình thức thể hiện khá mới mẻ, đa dạng, trong đó phải kể đến chuyên mục “Việc tử tế” phát sóng trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam. Ra mắt từ năm 2015, “Việc tử tế” là chương trình tái hiện và ca ngợi những tấm gương, hành động, nghĩa cử đẹp trong cuộc sống. Đây thực sự là một chương trình rất hay và có ý nghĩa. Nó không chỉ có ý nghĩa biểu dương những tấm gương tốt trong cuộc sống mà còn xây dựng được niềm tin cho khán giả rằng trên đời này vẫn còn nhiều lắm những người tốt, việc tốt rất đáng trân trọng.

Điều đó cho thấy biểu dương nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt trên báo chí bây giờ là khó nhưng không phải không làm được. Bám sát tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bên cạnh việc phê phán, vạch trần những thói hư tật xấu, tham nhũng, tiêu cực, báo chí vẫn cần phải chú trọng nêu gương người tốt việc tốt, gương điển hình tiên tiến, ca ngợi cái hay, cái tiến bộ để góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây cũng là trách nhiệm xã hội của các nhà báo và cơ quan báo chí trước Tổ quốc và nhân dân. Điều này một lần nữa được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi còn là Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh trong thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được “dòng chảy chính” của xã hội, của đất nước, phải “phò chính, diệt tà”. Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh”.

Chuyên đề