Sự cố sạt lở tuyến kè bảo vệ ở Cà Mau: Nhà thầu nói gì?

(BĐT) - Sự cố sạt lở tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau xảy ra mới đây đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Do đây là một công trình cấp bách, nên việc chậm trễ thi công thêm ngày nào càng khiến cho cư dân sống quanh đây bất an ngày đó.
Hiện trạng kè Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau bị sạt lở. Ảnh: Ngô Ngãi
Hiện trạng kè Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau bị sạt lở. Ảnh: Ngô Ngãi

Giới chuyên môn chưa đưa ra kết luận

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Công trình Đầu tư xây dựng kè cấp bách tại xã Tân Thuận do Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư. Đơn vị được chỉ định thầu thi công công trình này là Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình Hồng Lâm. Dự án này chỉ là một hạng mục chống sạt lở cấp bách cục bộ, chiều dài của Công trình theo bản vẽ là 230m. Khởi công từ cuối tháng 4/2016, đến thời điểm xảy ra sự cố, nhà thầu đã đóng kè được 130m, trong đó có 37m bị sạt lở.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu ngày 9/9/2016, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tuần rồi đích thân ông đã đi kiểm tra sự cố công trình trên. “Tôi thấy chỗ bị sạt lở nhiều nhất ở ngay nơi có mức thủy triều dâng lên cao nhất. Hiện giới chuyên môn chưa đưa ra kết luận, nhưng theo tôi, do dòng chảy của cửa Gành Hào lớn, khi nước tuôn vào kênh Nông Trường quá mạnh, cộng thêm do kết cấu công trình ở vị trí này cũng làm bình thường như những chỗ khác nên đã bị sạt lở”, ông Hải lý giải.

Không chỉ ở vị trí trên, ngay cả đoạn kè phía bên kia do Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Kim Sơn thi công, hàng cọc mới làm được khoảng 280m cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Tuy nhiên, theo ông Hải, hiện Nhà thầu Kim Sơn cũng đã tự nguyện đóng kè lá sen bên trong rồi nhổ lên kiểm tra để đóng sâu hơn nữa cho đảm bảo. Riêng với sự cố của phía Nhà thầu Hồng Lâm, họ đã tự nguyện nhổ lên phần bị sạt lở, hiện đang kiểm tra địa chất, nếu giải pháp cũ không được thì nhà thầu này sẽ đổi giải pháp khác và làm lại.

Trả lời thắc mắc của phóng viên về việc dư luận cho rằng rất có thể các nhà thầu này thiếu cả năng lực chuyên môn lẫn kinh nghiệm, ông Hải cho rằng: “Giải pháp làm bờ kè đóng bằng cọc ly tâm ở Cà Mau đã làm nhiều rồi, vì đây là “món” Cà Mau nghiên cứu và sáng tạo ra. Nhưng cũng cần hiểu, địa chất mỗi nơi mỗi khác, nên khi có sự cố xảy ra mà cứ đổ lỗi cho phía nhà thầu là không khách quan”. 

Nhà thầu Hồng Lâm nói gì?

Do nguồn ngân sách của Tỉnh hạn chế nên nhà thầu Hồng Lâm đã tự ứng tiền ra để thực hiện nhằm giải quyết tình trạng cấp bách.   
Cũng trong ngày 9/9/2016, phóng viên Báo Đấu thầu đã trao đổi với ông Trần Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình Hồng Lâm về sự cố nói trên. “Trước khi chủ đầu tư mời chúng tôi đến để hợp tác, đã có hiện tượng sạt lở rồi. Khi tiếp nhận hồ sơ từ chủ đầu tư, kết cấu của nó hết sức đơn giản, chỉ 2 làn cọc cừ ly tâm, chiều dài của mỗi cọc 12m, đóng ngập trong đất chỉ 6m, 4m trong nước và 2m nổi trên mặt nước. Do có sẵn nhân lực và thiết bị tại chỗ nên chúng tôi thi công ngay theo bản vẽ. Lý do chúng tôi không trao đổi với chủ đầu tư về mặt kết cấu vì đã có đơn vị tư vấn họ thiết kế sẵn một mô tuýp dành chung cho những công trình cấp bách tương tự”.

“Quá trình thực hiện công trình này đúng vào thời điểm mưa giông rất nhiều, do gần biển nên triều cường mạnh. Theo quan điểm của cá nhân tôi, đó cũng là một lý do tạo ra sạt lở. Nếu kè làm hoàn thiện rồi thì tính liên kết sẽ cao do đã tạo thành từng khối ổn định. Còn ở đây mình mới đóng từng cọc đơn lẻ, mà  cọc này theo thiết kế thì không được khoan địa chất, chỉ cắm trong đất 6m, cộng với khối đất ở trên tích nước nên có thể đã dẫn đến xảy ra sự cố trên” - ông Mạnh giải thích thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện phía Nhà thầu Hồng Lâm đang đề xuất với Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh Cà Mau xem xét lại kết cấu cho công trình này. Nếu Tỉnh xem xét cho tiếp tục sử dụng kết cấu đó thì nhà thầu làm lại, còn không sử dụng kết cấu đó thì phải chờ các đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị chuyên môn đưa ra thiết kế khác. Khi đó Nhà thầu Hồng Lâm có làm nữa hay không thì do quyết định của UBND Tỉnh và chủ đầu tư.

Được biết, do nguồn ngân sách của Tỉnh hạn chế nên nhà thầu này đã tự ứng tiền ra để thực hiện nhằm giải quyết tình trạng cấp bách.            

Chuyên đề