Sự bùng nổ của hàng hóa gắn mác Triều Tiên giữa vòng vây cấm vận

Trong bối cảnh chịu nhiều sức ép từ Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế, Triều Tiên đang hướng đến việc xây dựng một nền kinh tế tự lực cánh sinh và thoát khỏi sự lệ thuộc từ đồng minh Trung Quốc. Thực tế này đã dẫn tới sự bùng nổ trong thị trường hàng tiêu dùng gắn mác nội địa Triều Tiên.
Bên trong một cửa hàng tạp hóa tại một khu chung cư mới được xây dựng ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Bên trong một cửa hàng tạp hóa tại một khu chung cư mới được xây dựng ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Chủ trương của lãnh đạo

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn về kinh tế đối với Triều Tiên để gây sức ép buộc quốc gia này phải từ bỏ chương trình hạt nhân cũng như tên lửa gây tranh cãi, Triều Tiên cũng đang chạy đua để xây dựng một chiến lược tăng trưởng kép cả về kinh tế và quân sự.

Phần lớn các hàng hóa tiêu dùng tại Triều Tiên vẫn chủ yếu đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các doanh nhân có cơ hội tới thăm Triều Tiên, từ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền, nước này bắt đầu nỗ lực bắt tay vào sản xuất để có thể bán được nhiều hàng hóa mang thương hiệu nội địa hơn nhằm khẳng định tinh thần độc lập tự chủ của đất nước này.

Hiện vẫn chưa có số liệu chính xác về việc đã có bao nhiêu hàng hóa nội địa do Triều Tiên trực tiếp sản xuất. Trong khi đó, số liệu từ những nước bán hàng hóa do Triều Tiên xuất khẩu sang như Trung Quốc và Malaysia cũng chưa chắc đã phản ánh chính xác về sức sản xuất thực sự của Triều Tiên. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng từ chối trả lời khi được hỏi liệu nguyên nhân khiến hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên bị sụt giảm trong thời gian gần đây là do Bình Nhưỡng tăng cường sản phẩm nội địa hay không.

Các sản phẩm nước ngọt do Air Koryo sản xuất được bày bán tại một gian hàng ở sân bay Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Các công ty mở rộng thị trường

Các du khách nước ngoài đến Triều Tiên cho biết các công ty lớn tại nước này như hãng hàng không quốc gia Air Koryo hay tập đoàn Naegohyang đều đã bắt đầu mở rộng quy mô hoạt động và đặt chân vào thị trường hàng tiêu dùng như thuốc lá hay quần áo thể thao.

Các sản phẩm do Air Koryo sản xuất khá đa dạng, từ thuốc lá cho tới đồ uống. Air Koryo thậm chí còn phát triển hãng taxi riêng và cả trạm xăng. Trong khi đó tập đoàn Naegohyang, khởi điểm là một công ty sản xuất thuốc lá có trụ sở tại Bình Nhưỡng, cũng bắt đầu mở rộng quy mô trong những năm gần đây, sản xuất thêm cả hàng điện tử và quần áo thể thao.

Đồ thể thao được bày bán bên trong một cửa hàng tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Tháng trước, các phóng viên của Reuters tới Bình Nhưỡng đã có cơ hội vào thăm một cửa hàng tạp hóa của Triều Tiên và nhận thấy rất nhiều sản phẩm gắn mác “sản xuất tại Triều Tiên” như nước uống, bánh kẹo và các thực phẩm cơ bản khác. Trong khi đó, các du khách khác cũng nhìn thấy một loạt mặt hàng do Triều Tiên sản xuất được bày bán tại các cửa hàng như đồ ăn đóng hộp, cà phê, kem đánh răng, mỹ phẩm, xà phòng, xe đạp và nhiều hàng hóa khác.

Các công ty tại Triều Tiên không công khai bất kỳ thông báo hay tuyên bố nào liên quan đến lợi nhuận hay doanh thu từ việc bán các mặt hàng này. Tuy nhiên, các chuyên gia bán lẻ và thương nhân cho biết thị trường hàng tiêu dùng ở Triều Tiên ngày càng năng động hơn nhờ vào sự xuất hiện ngày càng đông của tầng lớp “donju” hay còn gọi là “bậc thầy của tiền bạc”. Đây là những thương nhân giàu có đã rót tiền đầu tư giúp ngành bán lẻ và xây dựng ở Bình Nhưỡng và một số thành phố lớn khác của Triều Tiên phát triển.

Các sản phẩm bánh kẹo nội địa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Chất lượng sản phẩm

Theo lời các du khách nước ngoài, hàng tiêu dùng do Triều Tiên sản xuất ngày càng tỉ mỉ và kỹ lưỡng hơn, thậm chí có thể nhìn thấy cả mã vạch trên nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ đồ trang sức cho tới nước ngọt. Các cửa hàng cũng ngày càng cạnh tranh hơn, thậm chí cung cấp cả đồ mẫu để cho khách thử. Đây là điều chưa từng xảy ra ở Triều Tiên cách đây 5 năm.

“Khi các nhà máy mới được mở ra, việc đóng gói, gắn mác và bổ sung các thành phần trong các sản phẩm của chúng tôi cũng sẽ được cải thiện”, Rhee Kyong-sook, 33 tuổi, một nhân viên bán hàng của Triều Tiên, cho biết.

Kim Chul-ung, một giáo viên thể dục 39 tuổi, nói rằng: “Tôi có thể thưởng thức hoa quả thật trong các đồ uống do Triều Tiên sản xuất và so sánh nó với đồ uống từ các nước khác”.

Một cửa hàng bán đồ gia dụng tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, người Triều Tiên cũng quan tâm đến chất lượng hàng hóa và đây là lý do khiến họ muốn mua hàng nội địa.

“Người Triều Tiên ngày càng không muốn mua các sản phẩm từ Trung Quốc vì họ nghĩ các sản phẩm này chất lượng không tốt”, một thương nhân Đông Nam Á chuyên buôn hàng từ nước ngoài về Triều Tiên cho biết.

“Tôi đã nhìn thấy mọi người trong một cửa hàng ở Triều Tiên. Họ so sánh một sản phẩm Trung Quốc và một sản phẩm Triều Tiên và quyết định chọn hàng Triều Tiên”, ông Michael Spavor đến từ công ty chuyên đưa các đoàn du khách, học giả và nhà đầu tư từ nước ngoài tới Triều Tiên cho biết.

Mặc dù vậy, Triều Tiên hiện vẫn chưa thể thoát hẳn khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc vì phần lớn các nguyên liệu thô để sản xuất hàng nội địa của Triều Tiên vẫn phải nhập từ hoặc thông qua Trung Quốc. Do vậy, nếu Bắc Kinh phải chịu sức ép từ Mỹ và buộc phải tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên thì Bình Nhưỡng cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, theo Reuters.

Người dân Triều Tiên chọn mua giày bên trong một cửa hàng ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Chuyên đề