S&P 500 chuẩn bị hoàn tất nửa đầu năm tệ nhất từ 1970, dầu thô tụt giá

0:00 / 0:00
0:00
Nếu nhìn lại 6 tháng, S&P 500 đang chuẩn bị hoàn tất nửa đầu năm tệ nhất kể từ thập niên 1970, trong bối cảnh hàng loạt yếu tố bất lợi gây áp lực lên thị trường...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters

Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (29/6), tiến tới hoàn tất nửa đầu năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Giá dầu thô đi xuống vì nỗi lo thắt chặt nguồn cung không lớn bằng nỗi lo suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 82 điểm, tương đương tăng 0,27%, đánh dấu phiên tăng đầu tiên sau 2 phiên giảm liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq cùng có phiên giảm thứ ba liên tiếp, với mức giảm tương ứng 0,07% và 0,03%.

Cả Dow Jones và S&P 500 đang trên đà hoàn tất quý giảm mạnh nhất kể từ quý 1/2020 - thời điểm Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Trong 3 tháng trở lại đây, Nasdaq đã giảm hơn 20%, quý tệ nhất của chỉ số này kể từ năm 2008.

Nếu nhìn lại 6 tháng, S&P 500 đang chuẩn bị hoàn tất nửa đầu năm tệ nhất kể từ thập niên 1970, trong bối cảnh hàng loạt yếu tố bất lợi gây áp lực lên thị trường.

“Lạm phát tăng cao, sự dịch chuyển chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và mức định giá cổ phiếu cao là những yếu tố ám ảnh tâm trí nhà đầu tư suốt từ đầu năm”, Giám đốc đầu tư John Lynch của Comerica Wealth Management phát biểu. “Sự kết hợp của phong toả chống Covid ở Trung Quốc và chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến mức độ biến động gia tăng cao hơn, vì nhà đầu tư ngày càng trở nên lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra vào một thời điểm nào đó trong năm tới”.

Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, nói với hãng tin CNBC rằng bà ủng hộ việc nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 7 nếu các điều kiện kinh tế hiện tại duy trì. Đầu tháng 6, Fed đã nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại việc tăng lãi suất quá quyết liệt sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

“Chúng tôi không tin là thị trường chứng khoán đã chạm đáy. Thị trường còn giảm nữa. Nhà đầu tư nên nắm giữ mức tiền mặt cao vào lúc này”, Chủ tịch George Ball của Sanders Morris Harris phát biểu.

Cả ba chỉ số đều đang trên đà hoàn tất tháng 6 với mức giảm sâu. Trong đó, Nasdaq chuẩn bị có tháng giảm thứ ba liên tục. Chỉ số này hiện giảm hơn 30% so với mức kỷ lục thiết lập vào tháng 11 năm ngoái. Năm nay đã chứng kiến nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn “tuột dốc không phanh”, như Netflix giảm 70%; Apple và Alphabet cùng giảm khoảng 22%; Meta giảm 51%...

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,46%, chốt ở 116,26 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,77%, còn 109,78 USD/thùng.

Trước đó, giá cả hai loại dầu đã tăng hơn 2% trong phiên ngày thứ Ba vì nỗi lo nguồn cung thắt thặt do phương Tây trừng phạt Nga lấn át nỗi lo về nhu cầu dầu có thể giảm tốc nếu kinh tế toàn cầu suy thoái.

“Thị trường dầu đang giằng co giữa một bên là bức nền kinh tế vĩ mô xấu đi và sự xuất hiện của nguy cơ suy thoái, với một bên là những yếu tố nền tảng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, thậm chí mạnh nhất từ trước đến nay, của giá dầu”, chuyên gia Mike Chan của RBC Capital viết trong một báo cáo.

Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được xem là hai thành viên duy nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có công suất khai thác dầu dự trữ để bù đắp cho sự hao hụt nguồn cung dầu từ Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần này nói rằng ông được Saudi Arabia và UAE sẽ khó tăng sản lượng nhiều hơn.

“Nhà đầu tư đã có sự điều chỉnh trạng thái, nhưng vẫn tin tưởng vào triển vọng tăng giá của dầu vì cho rằng Saudi Arabia và UAE sẽ không thể tăng mạnh sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu hồi phục, đặc biệt là nhu cầu xăng hàng không”, nhà nghiên cứu Hiroyuki Kikukawa của Nissan Securities nhận định.

Theo vị chuyên gia này, giá dầu có khả năng sẽ duy trì trên mức 110 USD/thùng, vì còn có những yếu tố hỗ trợ khác như nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong mùa mưa bão ở Mỹ trong mùa hè.

Chuyên đề