S&P 500 bốc hơi 1,9%, giá dầu bay hơn 5% vì nỗi lo Omicron và phát biểu của Chủ tịch Fed

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh và giá dầu cũng lao dốc chóng mặt trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (30/11), khi nhà đầu tư lo lắng về biến chủng mới của Covid-19 và tuyên bố về chủ trương chính sách tiền tệ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng chạm đáy của phiên khi ông Powell nói rằng ngân hàng trung ương nước này sẽ bàn về việc đẩy nhanh cắt giảm chương trình mua tài sản trong cuộc họp vào tháng 12. Tuyên bố này được ông Powell đưa ra trong phiên điều trần trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ.

GIÁ CỔ PHIẾU CHAO ĐẢO, TRÁI PHIẾU ĐƯỢC MUA MẠNH

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 652,22 điểm, tương đương giảm gần 1,9%, còn 34.482,72 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 1,9%, còn 4.567 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,6%, còn 15.537,69 điểm. Chỉ số Russell của các cổ phiếu vốn hoá nhỏ giảm 1,9%, còn 2.198,91 điểm.

Ông Powell nói rằng Fed có thể cắt giảm chương trình mua tài sản với tốc độ nhanh hơn mức giảm 15 tỷ USD mỗi tháng đang áp dụng hiện nay. Đây là chương trình mua vào 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng mà Fed đã triển khai kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu nhằm bơm tiền vào nền kinh tế. Trong cuộc họp tháng trước, Fed tuyên bố cắt giảm chương trình này bắt đầu từ tháng 11, với mức giảm 15 tỷ USD mỗi tháng.

“Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế đang rất mạnh và sức ép lạm phát cũng lớn hơn. Theo quan điểm của tôi, giờ là lúc phù hợp để xem xét hoàn tất chương trình mua tài sản sớm hơn vài tháng so với dự kiến lúc đầu”, ông Powell nói. “Tôi dự kiến chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề này trong cuộc họp tiếp theo vào tháng tới”.

Phát biểu trên của ông Powell cho thấy trọng tâm của Fed giờ đây đã dịch chuyển sang chống lạm phát và những ảnh hưởng tiêu cực của sự leo thang giá cả, thay vì lo ngại những tác động cản trở tăng trưởng của biến chủng mới Omicron.

Phiên “đỏ lửa” này của chứng khoán Mỹ cũng diễn ra sau khi CEO Stephane Bancel của hãng dược Moderna nói với tờ Financial Times rằng các vaccine hiện tại có thể giảm tác dụng đối với Omicron. Ông Bancel nói hiệu quả của các vaccine hiện nay trong việc chống lại biến chủng mới có thể “giảm nhiều” so với chống các biến chủng trước. Cổ phiếu Moderna giảm khoảng 4,4% trong phiên này, sau khi tăng bùng nổ trong hai phiên liên tiếp trước đó.

Trong một diễn biến khác, hãng dược Regeneron cho biết thuốc kháng thể của hãng này có thể giảm tác dụng với biến chủng Omicron.

“Thị trường đang tập trung vào dòng tin tức liên quan đến biến chủng Omicron”, Giám đốc đầu tư Jim Paulsen của Leuthold Group phát biểu. Hôm thứ Hai, “thị trường hồi phục nhờ tin từ Nam Phi nói rằng các triệu chứng của biến chủng Omicron có thể nhẹ, và ngày thứ Ba, thị trường chấn động bởi tin từ Moderna rằng Omicron có thể ‘né’ những vaccine hiện có và việc phát triển một vaccine mới có thể mất vài tháng”.

Cổ phiếu các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch-lữ hành một lần nữa bị bán tháo. Expedia Group giảm gần 3,3%; Norwegian Cruise Line Holdings sụt 3,5%; và Booking Holdings mất khoảng 3,7%.

“Chúng ta cần lường trước tất cả mọi kịch bản, bao gồm việc ca nhiễm Omicron có thể xuất hiện ở Mỹ và khả năng vaccine hiện có giảm tác dụng với biến chủng này”, chuyên gia Jim Cramer của CNBC viết trên mạng xã hội Twitter. “Tất cả những mối lo này đã khiến nhà đầu tư xả hàng”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm mạnh, xuống dưới mốc 1,45%, khi nhà đầu tư mua mạnh trái phiếu để tìm kiếm sự an toàn vì lo ngại nền kinh tế giảm tốc do biến chủng mới. Lợi suất giảm bất chấp khả năng Fed có thể đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.

Hôm thứ Sáu tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức 1,69%, cao nhất trong nhiều tháng vì kỳ vọng Fed sẽ sớm tăng lãi suất trong năm 2022 sau khi hoàn tất việc cắt giảm chương trình mua tài sản.

GIÁ DẦU LAO DỐC, CUỘC HỌP OPEC+ LÀ TÂM ĐIỂM

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London sụt 2,87 USD/thùng, tương đương giảm 3,9%, còn 70,57 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York sụt 3,77 USD/thùng, tương đương giảm 5,4%, chốt ở 66,18 USD/thùng.

Phiên ngày thứ Sáu, giá dầu Brent giảm gần 12% và giá dầu WTI giảm 13%. Trong phiên ngày thứ Hai, giá hai loại dầu này phục hồi tương ứng 2,6% và 1%.

Trong bối cảnh triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu bị sự xuất hiện của biến chủng Omicron che mờ, sự chú ý của thị trường đang hướng tới của họp của OPEC+ vào ngày thứ Năm (2/12). Câu hỏi đặt ra là liệu liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh có giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 1, cắt giảm mức tăng, hay tăng mạnh hơn.

“Chúng tôi nghiêng về khả năng OPEC+ tạm ngừng việc tăng sản lượng do biến chủng Omicron và do việc các nước tiêu thụ dầu lớn phối hợp xả dự trữ dầu”, nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank viết trong một báo cáo.

Với quan điểm tương tự, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nói: “Sau tuyên bố xả dự trữ của Mỹ và các quốc gia khác, và việc hàng loạt quốc gia cấm các chuyến bay từ miền Nam châu Phi, OPEC+ dễ dàng có lý do để dừng tăng sản lượng, thậm chí là giảm nhẹ sản lượng”.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Citi cho rằng OPEC+ sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 1, nhưng mức tăng có thể thu hẹp còn 262.000 thùng/ngày thay vì 400.000 thùng/ngày như hiện nay.

Ngày thứ Ba đánh dấu phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11. Tính cả tháng, Dow Jones giảm 3,7%; S&P 500 sụt 0,8%; Nasdaq tăng 0,25%; và Russell 2000 trượt gần 4,3%.

Giá dầu Brent giảm 16,4% trong tháng 11, còn giá dầu WTI giảm 20,8%. Đây là tháng giảm mạnh nhất của cả hai loại dầu kể từ tháng 3/2020.

Chuyên đề