Giá đất tại các tỉnh chuẩn bị có đặc khu đang lên "cơn sốt". |
Trước tình hình giá đất tăng đột biến trên địa bàn, Phó chủ tịch huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) Võ Lục Phẩm, cho biết địa phương gặp khó trong nắm bắt thông tin.
Bởi theo ông, giá đất tăng đột biến chỉ có bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng biết, trao đổi bên ngoài trực tiếp hoặc bên lề. Trong khi đó, khi làm thủ tục chuyển nhượng chính thức thì giá đất trong hợp đồng chuyển nhượng chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn so với bảng giá đất chung của tỉnh.
Nhiều sai phạm về sử dụng đất và lấn chiếm, chặt phá rừng
Bắc Vân Phong nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh, được quy hoạch trở thành 1 trong 3 đặc khu hành chính - kinh tế đầu tiên của cả nước. Theo đề án, nơi đây sẽ phát huy các điều kiện thuận lợi về hàng hải trong khu vực và thế giới để phát triển cảng biển, quốc phòng.
Từ sau Tết Nguyên đán, hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai ở đây đã diễn ra rầm rộ. Do nhu cầu bỗng tăng cao nên thủ tục diễn ra cũng rất đơn giản, nhanh chóng khi người này sang tay cho người khác và giá đất cũng được "cò" hét tăng gấp nhiều lần.
Theo phản ánh, tại nhiều xã thuộc huyện Vạn Ninh như Vạn Thắng, Vạn Thọ, Vạn Khánh… giá đất hiện tăng theo giờ, thậm chí gấp 10 lần so với trước đây. Cụ thể, thay vì chỉ 1 vài triệu đồng/m2, nay đã dao động 6 - 13 triệu đồng/m2.
Chị Nguyễn Hà, ngụ tại Từ Liêm, Hà Nội cho biết, để đón làn sóng đặc khu, chị và nhóm bạn đã rủ nhau gom tiền về Vạn Ninh để mua đất, đợi khi giá tốt thì bán lại là kiếm được bộn tiền. “Bắc Vân Phong giờ là chỗ đầu tư tốt. Dự án vào đây chưa nhiều, nếu biết nắm bắt ngay lúc này sẽ là cơ hội đầu tư tốt cho ai muốn làm giàu”, chị nói.
Không chỉ ở Bắc Vân Phong, chị Hà còn cho biết thêm, chị đã về Quảng Ninh để buôn đất ở khu vực Vân Đồn. Đây cũng là 1 trong 3 đặc khu kinh tế - hành chính theo đề án. “Tôi đã sang tay 2 mảnh đất ở đây và còn giữ 1 mảnh gần 500 m2 để chờ giá”, chị nói và cho biết, không chỉ riêng chị mà nhiều người Hà Nội và các tỉnh khác cũng đổ vào các nơi này để đầu tư đất.
Trước thực trạng diễn ra trên địa bàn, ông Võ Lục Phẩm thừa nhận, khi thông tin huyện Vạn Ninh trở thành Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong, thời gian qua, số giao dịch nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng đất đai trên địa bàn tương đối nhiều, làm đẩy giá đất lên đột biến.
Cụ thể, trong quý đầu của năm 2018, số giao dịch mà huyện tiếp nhận và giải quyết là 2.253 hồ sơ, bằng 186,4% tổng số hồ sơ so với cả năm 2016 và bằng 65,3% tổng số hồ sơ cả năm 2017. Trong đó, tập trung chủ yếu là đất đai thuộc 4 xã Vạn Hưng, Vạn Thắng, Vạn Thọ và Vạn Khánh.
Điều kiện đi lại khó khăn nên không kiểm soát hết
Ông Phẩm cũng cho biết, tình hình sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm, phá rừng… diễn ra rất phức tạp, chủ yếu tại 3 xã Vạn Thọ, Vạn Hưng và Vạn Thạnh.
Qua kiểm tra, huyện này đã phát hiện 54 trường hợp xây dựng lấn chiếm, trái phép, hiện vẫn còn nhiều trường hợp chưa xử lý được. "Sau bão số 12, một số hộ dân tại khu vực thôn Tuần Lễ lấn chiếm đất tại khu vực rừng và xây dựng nhà ở nằm trong hành lang đường Cổ Mã - Đầm Môn", ông giải thích.
Tại xã Vạn Hưng, xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép do nhu cầu đất san lấp đất nhưng địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Đặc biệt, Vạn Thạnh là nơi xảy ra vi phạm nhiều nhất về lấn chiếm, chặt phá rừng và một số hòn đảo nhỏ. Tại đây, 14 ha diện tích đất lâm nghiệp đã bị chặt phá, tập trung ở các thôn Vĩnh Yên, Đầm Môn và các đảo Hòn Trì, Hòn Cò, Hòn Đỏ, Hòn Gà, Hòn Kê, Hòn Nhọn… Theo ông Phẩm, hiện nay, tình trạng lấn chiếm này đã được xử lý và không còn tái diễn.
Giải thích về vai trò quản lý của các địa phương khi để xảy ra nhiều vi phạm, đặc biệt trên địa bàn xã Vạn Thạnh, Phó chủ tịch huyện nêu: "Xã này đã tiến hành tổ chức kiểm tra, ngăn chặn. Tuy nhiên, do điều kiện đi lại khó khăn, công tác theo dõi, kiểm tra, ngăn chặn của địa phương chưa kịp thời dẫn đến số trường hợp vi phạm ngày càng tăng và phức tạp hơn".
Nhân viên tiếp thị đất dựng pa nô, che dù ngoài vỉa hè để rao bán đất tại Phú Quốc, một trong 3 đặc khu kinh tế theo đề án.
Các khó khăn này đã được UBND huyện báo cáo và xin ý kiến tỉnh. Sau đó, tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện theo quy định hiện hành.
Để ngăn chặn và giải quyết các trường hợp vi phạm, huyện này đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường quản lý quỹ đất công, đất chưa sử dụng; kiểm tra, xác minh nguồn gốc khoáng sản với trường hợp khai thác để san lấp mặt bằng; thu hồi giấy chứng nhận đã cấp nếu sử dụng đất không đúng mục đích hay có hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Đất đai.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang đề nghị quản lý, ổn định thị trường bất động sản, tránh đầu cơ, tạo bong bóng bởi đây là các địa phương được chọn để xây dựng mô hình đặc khu kinh tế đầu tiên trong cả nước. Theo đó, 3 đặc khu kinh tế này là Quảng Ninh với Vân Đồn, Khánh Hòa với Bắc Vân Phong và Kiên Giang với Phú Quốc.
Bộ đã yêu cầu 3 tỉnh kiểm tra, nắm tình hình, làm rõ nguyên nhân gây biến động thị trường. Ngoài ra, cần thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường.
Dự kiến, tháng 5 tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến và xem xét thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Luật thông qua sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập các đặc khu trong tương lai.