Bãi đất trống ngổn ngang gạch đá nhiều năm không được xây dựng. |
"Muốn sống trong thành phố đáng sống"
Con hẻm nhỏ dẫn vào khu phố 1, phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM ít người qua lại. Càng vào sâu, đường càng hẹp, đủ cho hai chiếc xe máy khéo léo lách nhau khi đi ngược chiều. Hai bên đường, phần lớn là những căn nhà cấp 4 nằm san sát, đua mái hiên ra ngoài và không có khoảng sân.
Bãi đất chừng 200 m2 trống hoác, gạch ngói lổn nhổn hiện ra bên cạnh đường thoát nước bốc mùi. Nhóm người chừng chục người gồm trai gái tuổi đôi mươi, mấy ông bà trung tuổi đang ngồi tám chuyện. Họ cười khi nhắc đến việc quy hoạch dự án Bình Quới - Thanh Đa.
Bà Tư, ngoài 50 tuổi, nói 26 năm sống khổ trong quy hoạch "treo", không biết đến khi chết bà có được ở trong mái nhà mới hay chưa. Chỉ tay về hướng căn nhà nhỏ, bà Tư kể đó là căn nhà người hàng xóm đã vay tiền người thân sửa mấy lần mà chưa được đồng ý nên vẫn phải chui rúc trong mái tranh dột nát bao năm nay.
Bà Lê Thị Thúy Vinh, Tổ trưởng tổ 14 khu phố 1, nói cuộc sống của người dân khu Bình Quới - Thanh Đa vô cùng khổ sở. Nhiều năm nhà cửa dột nát do không được sửa chữa. Cống rãnh thoát nước kém nên rác thải lênh láng khi có triều cường. Đường giao thông trong khu dân cư nhỏ hẹp, bí bức, ôtô không thể đi vào. Nguyện vọng của bà cũng như người dân trong khu phố là quy hoạch Bình Quới - Thanh Đa được thực hiện, bộ mặt đô thị được chỉnh trang, cuộc sống ổn định, vì “có an cư mới lạc nghiệp”.
Từ khi Bình Quới - Thanh Đa được quy hoạch, người dân không được chuyển đất nông nghiệp thành đất ở, xây nhà mới, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không được cấp giấy chủ quyền. Ở cương vị của mình, không ít lần bà Vinh phải chứng kiến cảnh người dân trong tổ dựng nhà rồi lại bị phá đi, cũng chỉ bởi "cái quy hoạch".
“Mà đâu có giàu có gì cho cam, nhiều người phải vay mượn tiền họ hàng, người thân để sửa nhà, cuối cùng rồi cũng phải đập bỏ. Tôi ngượng nghịu mỗi lần phải chứng kiến cảnh ấy”, bà Vinh bày tỏ.
Tổ trưởng tổ 14 khu phố 1 kể thêm có lần bà bị trách mắng vì tuyên truyền không tốt để người dân vi phạm xây dựng nhiều lần. Bà nói khi đó chỉ biết thở dài và nghĩ "tuyên truyền 1-2 năm còn được, 26 năm rồi ai tin".
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP HCM phê duyệt quy hoạch từ năm 1992, tính đến nay đã 26 năm. Nơi đây được kỳ vọng trở thành khu dân cư đô thị sinh thái, kết hợp cảnh quan thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại lớn của thành phố. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho toàn dự án lên tới 30.700 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa lên tới 22.800 tỷ đồng.
Toàn bộ phường 28 là khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa trong quy hoạch.
Sau bao nhiêu năm, mấy đời chủ đầu tư được chỉ định nhưng dự án vẫn đi vào ngõ cụt.
Năm 2004, TP HCM giao Tổng công ty xây dựng Sài Gòn. Đến 2010, dự án vẫn án binh bất động, TP HCM lại thu hồi đất, giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000.
5 năm sau, TP HCM chỉ định liên danh giữa Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC làm chủ đầu tư. Giữa năm 2016, Emaar Properties PJSC xin rút khỏi liên danh, không tiếp tục tham gia dự án. Còn lại một mình Bitexco.
Mới đây, TP HCM có chủ trương đấu thầu nhà đầu tư thực hiện dự án thay vì chỉ định như các năm trước. Đại diện UBND TP còn tiết lộ có 4 nhà đầu tư trong nước bày tỏ quan tâm, thậm chí có doanh nghiệp sẵn sàng chi ngay 3 tỷ USD để thực hiện. Danh tính các nhà đầu tư đều không được công bố.
Thông tin này lại một lần nữa nhen nhóm lên hy vọng của người dân Thanh Đa - Bình Quới về ngày dự án thành hiện thực. Bà Vinh cho biết nếu triển khai dự án, người dân mong người dân được đền bù thỏa đáng giá đất theo đúng thị trường hoặc bố trí tái định cư tại chỗ.
Một số người dân cho hay hiện tại, giá đất nông nghiệp sang tay ở Thanh Đa - Bình Quới là khoảng 18 - 20 triệu đồng/m2, đất thổ cư có nhà cấp 4 khoảng 40 triệu đồng/m2. So với các năm trước, giá đã tăng 5-6 lần, thậm chí cả chục lần.
Ngoài việc đấu thầu, TP HCM cũng giao Sở Xây dựng rà soát giải quyết cấp phép cho người dân sửa chữa nhà, phép xây dựng tạm trong thời gian chờ triển khai dự án. Tuy nhiên, bà Vinh cùng nhiều người dân khác khi được hỏi đều cho rằng người dân hoặc là không có tiền, hoặc chẳng biết khi nào sẽ dọn đi nên vẫn sống tạm bợ như thế chờ quy hoạch. Người làm phu hồ, người làm công nhân... Đất ruộng vườn vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc.