Sớm bộc lộ nhiều khó khăn của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng đầu tiên của năm 2023, với lực đẩy, khí thế từ kết quả đạt được trong năm 2022, nền kinh tế đã bước đầu có một số kết quả tích cực. Dù vậy, những số liệu thống kê cũng cho thấy nền kinh tế đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng là giải pháp để vừa hỗ trợ sản xuất trong nước, vừa phát triển không gian và động lực tăng trưởng mới. Ảnh: Lê Tiên
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng là giải pháp để vừa hỗ trợ sản xuất trong nước, vừa phát triển không gian và động lực tăng trưởng mới. Ảnh: Lê Tiên

Theo nhiều tổ chức quốc tế, tình hình thế giới năm 2023 tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt. Việc khôi phục các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất trên toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Lạm phát tuy đã chậm lại nhưng tiêu dùng và các hoạt động kinh tế đang suy giảm trên diện rộng; thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia suy giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, làm gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023. WB hạ dự báo tăng trưởng từ 3% xuống còn 1,7%; IMF hạ từ 3,2% xuống 2,7%...

Việc Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế, thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn được dự báo có thể tạo ra một số thuận lợi nhất định đối với Việt Nam, nhưng làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với thu hút đầu tư nước ngoài, hàng hóa của nước ta.

Trong bối cảnh này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nền kinh tế tháng 1/2023 đạt được một số kết quả tích cực. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, vốn FDI đăng ký mới có tín hiệu tích cực, tháng 1 đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tháng 1 ước xuất siêu 3,6 tỷ USD… Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng nhờ sức cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết Nguyên đán.

Dù vậy, theo công bố của Tổng cục Thống kê, nhiều chỉ số cho thấy khó khăn của nền kinh tế cần được lưu tâm. Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 bằng 92% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm cao hơn tháng Tết giai đoạn 2018 - 2022. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đều giảm so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang các thị trường chủ lực giảm khá lớn khi so với những tháng Tết cùng kỳ giai đoạn 2018 - 2022.

Tháng 1/2023, vốn FDI đăng ký mới đạt 1,2 tỷ USD, cán cân thương mại ước xuất siêu 3,6 tỷ USD… Ảnh: Lê Tiên

Tháng 1/2023, vốn FDI đăng ký mới đạt 1,2 tỷ USD, cán cân thương mại ước xuất siêu 3,6 tỷ USD… Ảnh: Lê Tiên

Nhiều doanh nghiệp phản ánh số đơn, quy mô đơn đặt hàng mới, sản lượng và hoạt động mua hàng của doanh nghiệp đều giảm; tiếp cận tín dụng khó khăn. Hiện tại, doanh nghiệp gần như phải “tự bơi” để tìm vốn, tìm đơn hàng nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm so với yêu cầu đề ra, mới đạt 0,2% tổng nguồn lực, khả năng không giải ngân hết trong năm 2023.

Trước bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của năm 2023, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phải quán triệt phương châm hành động của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã được thông qua, nhất quán giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng cao nhất, khơi thông các điểm nghẽn, thu hút FDI có chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước…

Với những thách thức lớn nổi lên, nhất là áp lực lạm phát, Bộ KH&ĐT nhận định, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lạm phát hiện nay không xuất phát từ thị trường tài chính, tiền tệ như giai đoạn 1997 và 2008 - 2013 mà do sự gián đoạn chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ, phát sinh do kinh tế thế giới đồng thời bị tác động bởi đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, cộng hưởng với chính sách tiền tệ nới lỏng mà nhiều quốc gia theo đuổi trong giai đoạn trước đây. Do đó, trọng tâm chính sách để kiểm soát lạm phát hiện nay không phải tập trung vào riêng chính sách tiền tệ, mà phải đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh số đơn, quy mô đơn đặt hàng mới, sản lượng và hoạt động mua hàng của doanh nghiệp đều giảm; tiếp cận tín dụng khó khăn.

Theo Bộ KH&ĐT, điều hành chính sách tài khóa cần chủ động, giảm tối đa độ trễ trong xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai. Chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, góp phần giảm giá đầu ra để kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ có thể điều hành tín dụng, lãi suất ở mức hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia… Chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, tập trung giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Đồng thời, trước tình hình khó khăn trong tiếp cận vốn, thiếu đơn hàng của doanh nghiệp…, phải kịp thời nghiên cứu, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng trong năm 2023 để vừa hỗ trợ sản xuất trong nước, vừa phát triển không gian và động lực tăng trưởng mới…

Đối với việc triển khai hỗ trợ lãi suất 2% còn chậm, đề nghị Ngân hàng Nhà nước đánh giá khả năng thực hiện chính sách này để đề xuất giải pháp, báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP nhằm giải ngân hết số vốn đúng thời hạn, hoặc đề xuất điều chỉnh chính sách cho hiệu quả.

Chuyên đề