Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:Millbury |
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa hứng chịu cú đánh đầu tiên trong nhiệm kỳ từ các chính trị gia ở Washington, khi các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa tại Hạ viện quyết định rút dự luật chăm sóc y tế Trumpcare để thay thế cho Obamacare. Theo giới phân tích, số phận ông Trump trong phần còn lại của nhiệm kỳ sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc ông sẽ làm gì sau thất bại này.
Một nguồn tin nội bộ Nhà Trắng tiết lộ với CNN rằng sau khi dự luật chăm sóc y tế của mình đổ vỡ, ông Trump đã có phản ứng rất khác thường. Ông không lên mạng xã hội đăng những dòng trạng thái thể hiện sự giận dữ như trước đó. Trong Phòng Bầu dục, Tổng thống ngồi "buồn rầu và lặng lẽ" trước cú đòn được tung ra bởi "đầm lầy Washington", những chính trị gia mà ông từng thề sẽ "rút cạn".
Theo cây bút Gloria Borger và Athena Jones, các trợ lý của Trump từng rất tin tưởng rằng dự luật Trumpcare sẽ dễ dàng được thông qua và sẽ là động lực cho nhiệm kỳ Tổng thống của ông nhằm thúc đẩy những thay đổi quyết liệt hơn trong chương trình hành động đầy tham vọng của mình.
Thế nhưng thất bại của Trumpcare trước Hạ viện đã làm suy yếu đáng kể ảnh hưởng của Tổng thống, tiếp thêm sĩ khí cho các thành viên đảng Dân chủ, cũng như khiến tuyên bố của Trump rằng ông là bậc thầy đàm phán trở nên thiếu thuyết phục, theo các bình luận viên.
Bình luận viên Jonathan Bernstein của Bloomberg cho rằng việc Trumpcare "chết yểu" tại Hạ viện là một trong những lý do khiến tỷ lệ ủng hộ Trump xuống thấp kỷ lục ngay trong hai tháng đầu nhiệm kỳ, thời kỳ được gọi là "trăng mật" đối với các tổng thống Mỹ. Việc tỷ lệ ủng hộ chỉ còn 36% sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những gì Trump có thể làm tiếp theo.
Ngay cả với những người ủng hộ Trump, việc nhận thấy Tổng thống ngày càng đánh mất sự ủng hộ trong các cuộc thăm dò sẽ khiến họ ít có xu hướng thực hiện mọi điều ông mong muốn hơn, theo Bernstein. Trong khi đó, những người chống lại ông lại càng có động lực thể hiện sự phản đối của mình.
Tình trạng này không chỉ tồn tại ở các nghị sĩ Quốc hội, viên chức chính phủ, các nhóm lợi ích mà có thể lan tới các thẩm phán hay thậm chí là các nguyên thủ nước ngoài. Đến cuối tháng 4, các nghị sĩ đảng Cộng hòa phải tìm mọi cách thông qua một đạo luật chi tiêu mới để ngăn Nhà Trắng bị đóng cửa, nhưng động thái này rất có thể sẽ bị các thành viên phe bảo thủ tại Hạ viện ngăn chặn hoặc gây khó khăn, nhất là với một tổng thống không nhận được nhiều sự ủng hộ.
Không chỉ làm giảm sút uy tín của Trump, thất bại của Trumpcare có thể ảnh hưởng đáng kể đến một vấn đề lớn khác mà ông và các cố vấn của mình đang tập trung nhiều công sức, đó là kế hoạch cải cách thuế. Nhà Trắng hiểu rất rõ rằng thất bại tiếp theo trong kế hoạch này nếu xảy ra có thể đe dọa nghiêm trọng đến nhiệm kỳ Tổng thống của Trump.
Trump phát biểu trong một sự kiện diễn ra hồi tháng 2. Ảnh:Michael Vadon
Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump biết rằng thảm họa Trumpcare sẽ khiến nỗ lực giải quyết gói đề xuất thuế suất của ông càng gặp nhiều khó khăn hơn. Việc Trumpcare không được thông qua đồng nghĩa với khoản tiết kiệm hàng trăm tỷ USD mà Nhà Trắng kỳ vọng tiết kiệm được để bù đắp cho chính sách cải cách thuế sẽ bốc hơi.
"Nó khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn", một cố vấn của Trump thừa nhận.
Một quan chức cấp cao khác của Mỹ nói rằng kế hoạch cải cách thuế giờ đây có thể trở thành một "phiên bản nhỏ hơn" so với dự định ban đầu, với lý do chính quyền thiếu hàng nghìn tỷ USD bởi việc bãi bỏ Obamacare không được thông qua.
Nhiều cố vấn của Trump lo ngại rằng sự tồn tại của Obamacare cũng như quy mô bị thu hẹp của cuộc cải cách thuế sẽ tạo tiền đề cho đối thủ của đảng Cộng hòa lôi kéo cử tri trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, có thể đe dọa đến vị thế kiểm soát lưỡng viện của đảng Cộng hòa hiện nay.
"Đảng Dân chủ sẽ cảm thấy hăng hái hơn và những người ủng hộ họ cũng sẽ được tiếp thêm sức lực", một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump nói.
Washington chiến thắng
Trong lúc Nhà Trắng cố gắng đưa ra chiến lược đối phó với thất bại của Trumpcare, đội ngũ của Trump còn phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi quan trọng mà Trump đã đối mặt từ khi lên nắm quyền và ngày càng trở nên cấp thiết.
Họ phải trả lời xem liệu Trump có còn là "kẻ ngoài cuộc về chính trị" như những gì ông từng tự hào trong chiến dịch tranh cử và liệu ông có còn nên duy trì phong cách làm việc "nói trước, tính sau" cũng như tính cách khó lường của mình hay không.
Điều trớ trêu là chính phong cách "kẻ ngoài cuộc" và tuyên bố đối đầu với giới chính trị gia truyền thống đã góp phần giúp ông Trump giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri, đưa ông đến chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng. Việc thay đổi phong cách đó chẳng khác nào thừa nhận ông đã thất bại trước các chính trị gia chuyên nghiệp từng bị ông gọi là "đầm lầy Washington".
Trump tuyên bố "rút cạn đầm lầy Washington"
Tuy nhiên, chính sự thiếu kinh nghiệm về chính trị khiến Trump không có những mạng lưới và đầu mối liên lạc quan trọng mà một tổng tư lệnh luôn cần đến khi nắm quyền. Các nguồn tin ở Đồi Capitol xác nhận rằng Trump dường như không quen với những chi tiết chuyên sâu trong dự luật chăm sóc y tế khi gặp gỡ để thuyết phục các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Dù Trump từng tuyên bố rằng ông biết về chính trị nhiều hơn các chính trị gia và sẽ sớm đạt được kết quả bằng nghệ thuật đàm phán cũng như kỹ năng chốt hợp đồng của mình, thực tế là sau hai tháng cầm quyền, Trump chưa đạt được bất cứ thắng lợi lớn nào về mặt lập pháp. Trước khi Trumpcare bị rút, hai sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cư của ông đều bị tòa án đình chỉ, còn kế hoạch ngân sách giảm đầu tư cho đối ngoại để tăng ngân sách quốc phòng cũng đang vấp phải phản ứng từ Quốc hội.
"Tôi cho rằng điều đang diễn ra là Washington đã giành chiến thắng", Mick Mulvaney, giám đốc ngân sách của Trump, nhận xét. "Điều chúng tôi học được trong tuần qua là Washington còn rã nát hơn những gì Tổng thống Trump từng nghĩ. Thật không may là hiện trạng đã chiến thắng, còn người dân chịu thua".
Theo giới quan sát, có vẻ như ông Trump đã quá vội vàng trong việc chinh phục các chính trị gia trong khi không nắm trong tay những đầu mối cần thiết. Người tiền nhiệm của ông, Barack Obama, đã mất hàng tháng trời thuyết phục Quốc hội thông qua Obamacare, còn Trump lại tìm cách bãi bỏ nó để thông qua đạo luật mới chỉ trong vài tuần.
"Đây là một phần trong chiến lược của Nhà Trắng nhằm tạo ra động lực gây sốc trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Nhưng chiến thuật này có vẻ đã thất bại, khi chính quyền Trump dành quá ít thời gian để đánh giá mức độ phức tạp về chính trị và pháp lý để đưa ra chiến lược toàn diện", bình luận viên Borger nhấn mạnh.