“So găng” vàng và Bitcoin, hai tài sản mang lại mức lãi “khủng” năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
2020 là một năm lịch sử đối với cả giới đầu tư vàng và cộng đồng tiền ảo, khi cả hai tài sản này cùng mang lại mức lãi đậm...
Ảnh minh họa - Ảnh: Asia Times.
Ảnh minh họa - Ảnh: Asia Times.

2020 là một năm lịch sử đối với cả giới đầu tư vàng và cộng đồng tiền ảo, khi cả hai tài sản này cùng mang lại mức lãi đậm.

Đà tăng chóng mặt của giá vàng và Bitcoin đã mở ra một cuộc tranh cãi gay gắt quanh việc liệu Bitcoin - đồng tiền kỹ thuật số mới tồn tại hơn 1 thập kỷ - có thể chiếm mất vị thế của vàng - kênh đầu tư vốn là một "vịnh tránh bão" truyền thống?

NHỮNG CÚ TĂNG NGOẠN MỤC

Sau khi chạm đáy của năm ở vùng 1.470 USD/oz vào giữa tháng 3, giá vàng thế giới đã tăng mạnh mẽ trở lại và lập đỉnh ở ngưỡng 2.060 USD/oz vào đầu tháng 8. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng thế giới vượt qua mốc 2.000 USD/oz. Từ đáy đến đỉnh, giá vàng đã tăng hơn 40% trong vòng chưa đầy 5 tháng. Gần đây, giá vàng dao động dưới ngưỡng 1.900 USD/oz, nhưng vẫn tăng khoảng 23% so với mức giá chưa đầy 1.530 USD/oz khi bắt đầu năm 2020.

Diễn biến giá Bitcoin năm nay thậm chí có thể gây sửng sốt cho cả những nhà đầu tư lạc quan nhất. Khởi động năm ở mức gần 7.200 USD, giá tiền ảo này trượt dưới 5.000 USD vào khoảng giữa tháng 3, rồi sau đó tăng gần như không nghỉ lên ngưỡng 23.000 USD. Mới đây, chỉ trong vòng vài ngày, giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới lần lượt phá các mốc 20.000 USD, 21.000 USD, 22.000 USD, 23.000 USD và 24.000 USD. Đây đều là những mốc giá xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2008. Nếu so với thời điểm đầu năm, giá Bitcoin hiện tăng hơn 250%.

Sáng thứ Bảy (26/12) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin dao động quanh ngưỡng 24.800 USD. Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế chốt tuần giao dịch ở mức 1.880 USD/oz.

Có nhiều lý do để giới đầu tư đổ tiền vào vàng và Bitcoin trong năm nay, khiến hai tài sản này lọt top những kênh đầu tư "nóng" nhất thế giới. Lý do đầu tiên phải kể đến là Covid-19 - đại dịch đẩy kinh tế toàn cầu vào cuộc suy thoái tệ nhất kể từ Đại suy thoái 1930. Trong bối cảnh tăng trưởng bị đốn gục, cả vàng và Bitcoin cùng được mua với vai trò kênh đầu tư an toàn.

Tiếp đó, khi các ngân hàng trung ương ồ ạt in tiền và hạ mạnh lãi suất về vùng 0%, thậm chí về ngưỡng âm, và các chính phủ tung những gói kích cầu khổng lồ để cứu tăng trưởng, giới đầu tư lại có thêm một lý do nữa để mua vàng và Bitcoin: chống lại sự mất giá của tiền giấy và phòng ngừa khả năng lạm phát leo thang trong dài hạn.

Hiện nay, lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang ở khoảng 0-0,25%, lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là âm 0,5%, và lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là âm 0,1%. Do các chính phủ ồ ạt vay nợ, khối nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục mới 272 nghìn tỷ USD trong quý 3 năm nay và có thể lên 277 nghìn tỷ USD vào cuối năm, tương đương 365% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ gộp lại - theo số liệu do Viện Tài chính Quốc tế (IFF) công bố tháng 11.

BÁN VÀNG, MUA BITCOIN

Vàng từ lâu đã là tài sản được giới đầu tư tìm đến khi kinh tế bấp bênh, hoặc khi tiền giấy mất giá và áp lực lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, đây lại là vai trò mà Bitcoin gần như mới chỉ được gán cho trong năm nay. Trước đây, từ khi mới xuất hiện, Bitcoin luôn gắn với những đợt tăng giá bùng nổ rồi sụt giảm chóng mặt (boom and bust) nên thường được nhìn nhận như một tài sản đầu cơ đầy may rủi. Bằng chứng gần đây nhất là vào năm 2017, giá Bitcoin tăng 1.375% và tiến gần mốc 20.000 USD vào cuối năm, để rồi chỉ một năm sau, giá tiền ảo này lại rớt về ngưỡng 3.000 USD/oz.

Nhìn nhận về cơn sốt Bitcoin năm nay, giới ủng hộ tiền ảo tin mọi chuyện đã khác xưa. Họ cho rằng Bitcoin đã trải qua một quá trình trưởng thành, trở nên quen thuộc hơn và được tin tưởng hơn trước. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tổ chức ở và giới nhà giàu ở Mỹ hiện đang là lực lượng chính trên thị trường Bitcoin, thay vì những nhà đầu tư cá nhân ở những nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản như trong đợt sốt Bitcoin cách đây mấy năm. Ngoài ra, nhiều người còn xem Bitcoin là một phương thức thanh toán ngày càng được chấp nhận rộng rãi - một lợi thế mà vàng không có được

Mấy tháng trước, công ty quản lý quỹ đầu tư Fidelity Investments mở một quỹ Bitcoin - động thái được xem là một sự phê chuẩn quan trọng, bởi Fidelity vốn là một quỹ lớn, nổi tiếng và lâu năm. Tiếp đó, những công ty đại chúng như Square và MicroStrategy công bố quyết định đầu tư vào Bitcoin. Tỷ phú truyền thông Ricardo Salinas Pliego chia sẻ trên Twitter rằng ông đã đầu tư 10% tài sản thanh khoản của mình vào Bitcoin. Các huyền thoại Phố Wall như Guggenheim Partners LLC, Stanley Druckenmiller, Paul Tudor Jones và Bill Miller cũng ủng hộ việc mua Bitcoin. Tuy nhiên, chất xúc tác quan trọng hơn cả là việc PayPal vào tháng 10 quyết định cho phép người dùng tiếp cận với tiền ảo thông qua nền tảng thanh toán này.

Theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase, các quỹ như văn phòng gia đình - những tổ chức quản lý tài sản cho giới nhà giàu - gần đây bán vàng để mua tiền ảo. Từ tháng 10 đến giữa tháng 12, Grayscale Bitcoin Trust - một quỹ Bitcoin rất quen thuộc với các nhà đầu tư tổ chức - đón lượng vốn ròng chảy vào đạt khoảng 2 tỷ USD. Trong cùng khoảng thời gian, có khoảng 7 tỷ USD tiền vốn đã chảy khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng.

CUỘC TRANH LUẬN Ở PHỐ WALL

Một cuộc tranh luận quanh việc nên mua vàng hay mua Bitcoin đang diễn ra gay gắt ở Phố Wall.

"Bitcoin đang thiết lập vị thế của một kênh lưu trữ giá trị đáng tin cậy", chiến lược gia James Butterfill thuộc CoinShares nhận định với hãng tin Reuters. "Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức chưa từng có tiền lệ".

Giám đốc đầu tư phụ trách mảng trái phiếu của BlackRock, ông Rick Rieder, nói với hãng tin CNBC rằng Bitcoin sẽ đứng vững nhờ nhu cầu của các nhà đầu tư trẻ và nhờ sức mạnh của Bitcoin với tư cách một phương tiện trao đổi. Giao dịch Bitcoin "hữu ích hơn nhiều việc trao đổi một thỏi vàng", ông Rieder nói.

Nhưng đối với Giám đốc đầu tư Patrick Armstrong của Plurimi Wealth, người phân bổ 6,5% vốn đầu tư cá nhân vào vàng, cho dù giá Bitcoin có triển vọng tăng cao hơn, rủi ro đi kèm là quá lớn. Ông cho rằng vàng có một lịch sử lâu đời với tư cách một kênh lưu trữ giá trị mà Bitcoin không thể sánh bằng. "Trong thế giới của những giao dịch dựa trên sự mở rộng cung tiền, có thể Bitcoin vượt trội. Nhưng cũng có thể Bitcoin chẳng có một giá trị gì trong những năm tới. Tôi thì không cho rằng vàng cũng như thế", ông Armstrong nói.

Ngân hàng Goldman Sachs cũng cho rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy sự trỗi dậy của đồng Bitcoin đe dọa tới vị thế của vàng.

"Hiện tại, các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân giàu có vẫn tránh tiền kỹ thuật số vì quan ngại về tính minh bạch, trong khi giới đầu tư nhỏ lẻ thận trọng xem Bitcoin là một kênh đầu tư đặc biệt rủi ro", Goldman cho biết. "Chúng tôi chưa thấy bằng chứng nào cho thấy sự trỗi dậy của Bitcoin đe dọa tới thị trường vàng và tin rằng hai kênh đầu tư có thể cùng tồn tại".

Tuy bán ròng 107 tấn vàng trong tháng 11, các quỹ ETF vàng đã mua ròng 916 tấn vàng trong 11 tháng đầu năm, nhiều hơn lượng mua ròng cả năm của bất kỳ năm nào trước đây - Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho hay.

Nhưng dù gì, giới tài chính vẫn đang có một cái nhìn nghiêm túc về Bitcoin, khác hẳn với những gì diễn ra vào năm 2017. "Tôi đã thay đổi suy nghĩ", chiến lược gia Inigo Fraser-Jenkins thuộc Sanford C. Bernstein viết trong một báo cáo hôm 30/11. Bitcoin sẽ không thay thế vàng, nhưng có dư địa cho cả hai tài sản này, ông Fraser-Jenkins nhận định, đặc biệt khi lạm phát và nợ nần của thế giới gia tăng.

Chuyên đề