Lei Jun - đồng sáng lập, CEO Xiaomi - Ảnh: SMH. |
Giám đốc điều hành (CEO) của nhiều startup Trung Quốc đang bắt đầu nhận những khoản thưởng cổ phiếu hàng tỷ USD sau khi công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) mà không bị ràng buộc gì về hiệu quả công việc. Việc này làm dấy lên quan ngại về lợi ích của các nhà đầu tư.
Theo Bloomberg, gần đây nhất, CEO của startup thương mại điện tử Pinduoduo Inc, có trụ sở tại Thượng Hải, nhận ít nhất 1 tỷ USD cổ phần tại công ty mà không có bất cứ điều kiện nào về kết quả làm việc, khi công ty chuẩn bị IPO ở Mỹ.
Lei Jun, CEO của nhà sản xuất smartphone Xiaomi Corp cũng nhận được khoản tiền 1,5 tỷ USD mà không có điều kiện nào đi kèm, khi công ty lên sàn tại Hồng Kông hồi đầu tháng 7. Năm 2014, khi JD.com Inc lên sàn, công ty này cũng báo chi phí 591 triệu USD thưởng cổ phiếu cho CEO.
Theo Bloomberg, việc thưởng cổ phiếu đi kèm với IPO mà không gắn liền với những điều kiện về hiệu quả hoặc thành tích trong công việc của các CEO là điều không bình thường. Bởi bản thân việc IPO đã là một cách để thưởng cho các CEO và cấp dưới của họ.
Những người sáng lập, điều hành Pinduoduo, Xiaomi và JD vốn đã nắm số cổ phần đáng kể trong công ty và trở thành tỷ phú dù không có những khoản thưởng thêm đó. Việc trả những khoản thưởng hậu hĩnh cho CEO làm dấy lên quan ngại sẽ gây thua thiệt cho các cổ đông tương lai.
"Nhìn chung, những khoản thưởng không đi kèm với ràng buộc về kết quả công việc không phải là điều vì lợi ích tốt nhất của cổ đông", Michael Cheng, phó chủ tịch ESG Research tại MSCI Inc nhận xét. "Điều này đi ngược với mục đích của chính sách thưởng mà ở đó các giám đốc nhận thưởng để tạo ra giá trị cho công ty và các cổ đông".
Colin Huang, CEO của Pinduoduo có thể sẽ sớm sở hữu khối tài sản trị giá ít nhất 8,3 tỷ USD nhờ số cổ phần đang nắm giữ tại công ty này và thưởng IPO. Theo đó, ông sẽ lọt vào top 25 người giàu nhất tại Trung Quốc, theo Bloomberg Billionaires Index.
Pinduoduo, nhận được đầu tư từ Tencent Holdings Ltd dự kiến IPO tại Mỹ và Huang là cổ đông lớn nhất với 46,8% cổ phần công ty. Với mức giá IPO cao nhất, tài sản của Huang sẽ lên tới 9,9 tỷ USD và trở thành người giàu thứ 16 tại Trung Quốc, vượt qua Richard Liu, người sáng lập hãng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc JD.com.
Chính sách thưởng cổ phiếu IPO của các startup Trung Quốc không giống ở các công ty Mỹ. Tesla Inc đã đưa ra gói thưởng lên tới 55,8 tỷ USD dành cho CEO Elon Musk trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, Musk chỉ có thể nhận số tiền này nếu hãng xe điện này đạt một số mục tiêu như tăng doanh thu lên 150 tỷ USD và vốn hóa lên 650 tỷ USD.
Trong trường hợp của Xiaomi, Lei Jun hiện đã là cổ đông lớn nhất và có quyền biểu quyết đa số. Nên việc công ty trao khoản thưởng thêm 1,5 tỷ USD mà không đi kèm bất kỳ điều kiện nào khiến nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn.
"Không có nhiều trường hợp các công ty trao thưởng cổ phiếu giá trị lớn như thế này mà không có điều kiện gì", Frank Bi, đối tác tại hãng luật Ashurst chuyên các vụ IPO, mua bán, sáp nhập ở Hồng Kông cho biết. "Đây có thể được xem là dấu hiệu nguy hiểm trong quản trị doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư".