Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại thượng đỉnh G20 ở Osaka tháng 6/2019 - Ảnh: Reuters/CNBC. |
Không có chuyện Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần tới một cuộc "chiến tranh lạnh" cho dù căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang - Chủ tịch ngân hàng lớn nhất nước Pháp BNP Paribas, ông Jean Lemierre, nói trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
"Tôi không tin đây là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh. Trước tiên bởi tôi là một người trưởng thành trong thời chiến tranh lạnh và tôi hiểu thế nào là chiến tranh lanh. Đó không phải là những gì tôi chứng kiến hiện nay", ông Lemierre nói.
"Đúng là đang có căng thẳng, có xung đột, nhưng tôi nghĩ mọi người đều hiểu lợi ích của hợp tác, nếu không muốn nói là toàn cầu hóa", vị Chủ tịch nhà băng phát biểu.
Thương chiến Mỹ-Trung đã kéo dài khoảng 1 năm rưỡi, với những đợt áp thuế liên tiếp của mỗi bên lên hàng hóa của đối phương. Sau nhiều vòng đàm phán, hai bên vẫn chưa tìm ra giải pháp để kết thúc cuộc chiến đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu này.
Tuy nhiên, ông Lemierre nói ông không quá lo ngại về những diễn biến khó lường của đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
"Thương mại là thương mại. Thương mại cần có đàm phán. Khi đã có đàm phán, thì phải có căng thẳng, và tôi không lo lắng nhiều về điều này… Đó là một phần của quá trình đàm phán", ông phát biểu.
Ông Lemierre thừa nhận rằng "thế giới đang chờ kết quả cuối cùng của những gì đang diễn ra", nhưng "việc này sẽ cần thời gian… và tôi hy vọng mọi chuyện sẽ đến lúc được giải quyết".
Đánh giá lạc quan của ông Lemierre có phần tương đồng với nhận định của Chủ tịch ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS, ông Axel Weber. Trao đổi với CNBC, ông Weber cho rằng cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc luôn có những diễn biến khó lường, nhưng vẫn có khả năng trong dài hạn hai nước sẽ đi đến một giải pháp cho những bất đồng hiện nay.
"Cho dù hai bên đang có sự bất đồng lớn ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn cho là có cơ hội cho một giải pháp. Và khả năng tìm ra giải pháp nằm ở thực tế là thương mại mang lại lợi ích rất thật sự cho cả hai phía", ông Weber nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Tony James, Phó chủ tịch điều hành công ty quản lý đầu tư Blackstone, thừa nhận rằng so với cách đây 1 năm, ông hiện kém lạc quan hơn về khả năng thương chiến Mỹ-Trung được giải quyết. "Tôi vẫn lạc quan, nhưng sự lạc quan đã giảm xuống", ông James nói.
Mặc dù vậy, ông James cho rằng Washington và Bắc Kinh có thể ký kết một thỏa thuận hạn chế bao gồm những "điều khoản dễ dàng" như Trung Quốc mua thêm hàng hóa nông sản Mỹ, và gác lại những vấn đề gai góc hơn như sở hữu trí tuệ. Theo ông, một thỏa thuận như vậy cũng có thể giúp cải thiện niềm tin doanh nghiệp toàn cầu vốn đã bị thương chiến làm cho sứt mẻ nhiều.