Việt Nam hiện là một cơ sở gia công lớn giày Adidas - Ảnh: Reuters. |
Giám đốc điều hành (CEO) của hãng đồ thể thao Adidas dự báo rằng sự dịch chuyển của hoạt động gia công giày từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp diễn, dù bác bỏ những lo ngại xung quanh việc Mỹ có thể áp thuế quan lên giày dép sản xuất tại Trung Quốc.
Hãng tin Reuters cho biết, trong cuộc họp cổ đông thường niên của Adidas, CEO Kasper Rorsted cho biết các nhà máy ở Việt Nam sản xuất 44% sản lượng giày của Adidas trong năm 2017, so với mức 31% vào năm 2012. Trong khi đó, các nhà cung cấp Trung Quốc chỉ đóng góp 19% sản lượng giày của Adidas trong năm ngoái, so với mức 30% vào năm 2012.
"Tôi sẽ không loại trừ khả năng xu hướng này sẽ tiếp diễn", ông Rorsted nói. "Trung Quốc vẫn là một thị trường gia công quan trọng, bất luận vấn đề thuế quan".
Vị CEO nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều bấp bênh xung quanh việc những ngành hàng nào của Trung Quốc có thể chịu thuế quan mới khi vào thị trường Mỹ. "Chúng tôi có thể bị đánh thuế nhập khẩu, nhưng các đối thủ cạnh tranh khác cũng vậy thôi", ông nói.
Puma, một đối thủ đồng hương của Adidas, hiện đang sản xuất khoảng 1/3 sản phẩm tại Trung Quốc. Tháng trước, hãng này nói đang lên kế hoạch khẩn cấp để chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các thị trường châu Á khác nếu giày dép sản xuất ở Trung Quốc bị Mỹ áp thuế quan.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC mới đây, ông Rorsted cho biết hầu hết hàng Adidas sản xuất tại Trung Quốc là để bán tại Trung Quốc. Trong khi đó, phần lớn lượng hàng Adidas phục vụ cho thị trường Mỹ và châu Âu được sản xuất ở Indonesia và Việt Nam.
Vị CEO ước tính 10% hàng mang thương hiệu Adidas được bán ở châu Á có thể là hàng giả, nhái. Số hàng giả, nhái này bao gồm hàng bán tại các cửa hàng thực tế và cả trên mạng.
Quý 1 năm nay, hàng đồ thể thao của Đức này, chứng kiến lợi nhuận ròng đạt 540 triệu Euro, tương đương hơn 647 triệu USD, so với mức 455 triệu Euro cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu trong quý của hãng tăng 10%, đạt 5,55 tỷ Euro. Trong đó, doanh thu tại thị trường Bắc Mỹ tăng 21%, đạt 1,04 tỷ Euro.