Sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển điện gió thay cơ chế giá FIT

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Liên quan đến cơ chế chính sách đối với việc phát triển các dự án điện gió sau ngày 31/10 tới - thời điểm cơ chế giá FIT (giá cố định) hết hạn, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ cho biết, trong tương lai dự kiến sẽ thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện gió.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương tại cuộc họp báo
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương tại cuộc họp báo

Ông Dũng cho biết, theo Quyết định số 39/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ thì giá FIT sẽ kết thúc vào ngày 31/10/2021 và Bộ Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió.

“Theo đó, chúng tôi đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến cơ chế chính sách phát triển các dự án điện gió trong thời gian tới trên cơ sở phù hợp với Luật đầu tư, Luật đấu thầu... Và trong tương lai, sẽ lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu”, ông Dũng cho biết.

Đề cập về việc cần thiết phải chuyển đổi sang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện gió, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương cho rằng, việc chuyển dịch từ cơ chế giá FIT ưu đãi sang cơ chế đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư phát triển các dự án điện tái tạo, trong đó có các dự án điện gió là xu hướng chung của thế giới và phù hợp với khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Cơ chế giá FIT là công cụ thúc đẩy tốt cho thị trường năng lượng tái tạo mới phát triển như tại Việt Nam. Theo kinh nghiệm thế giới, khi thị trường đã phát triển đến quy mô nhất định, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn cho công tác quản lý và tăng độ minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả kinh tế.

Theo đó, đề cập việc cơ chế xử lý các dự án dở dang, không kịp “về đích” trước ngày 31/10 tới, ông Dũng cho biết, trong cơ chế chính sách mới sẽ có quy định để xử lý tình huống với các dự án điện gió dở dang trên nguyên tắc chi phí vốn đầu tư, bảo dưỡng, kỹ thuật nhà máy để thương thảo giá mua điện.

Cung cấp thêm thông tin về tình hình công nhận vận hành thương mại đối với các dự án điện gió, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, theo số liệu cập nhập của Bộ Công Thương thì đến tháng 8/2021 có 106 dự án điện gió xác nhận kịp giá FIT. Trong số này có 54 dự án thuộc thẩm quyền xem xét nghiệm thu củ Bộ Công Thương và đến thời điểm này Bộ đã nhận hồ sơ của 30 dự án để nghiệm thu kịp hưởng giá FIT.

Tuy vậy, bên cạnh việc nhiều dự án nỗ lực để đưa dự án kịp tiến độ vận hành thương mại trước ngày 31/10 tới, ông Dũng cho hay, trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng nhận được các văn bản của các địa phương, hiệp hội và DN điện gió cho biết có nhiều dự án không về kịp thời điểm 31/10 để hưởng giá FIT mà nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, họ đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét gia hạn giá FIT để hỗ trợ các nhà đầu tư.

“Trong thời gian vừa qua, có nhiều cơ quan báo chí đăng tải việc gia hạn giá FIT điện gió song Bộ Công Thương đính chính là không xem xét vấn đề này”, ông Dũng nhấn mạnh trước một số phản ánh việc xem xét gia hạn giá FIT điện gió sau ngày 31/10/2021.

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, hiện Bộ Công Thương đang tích cực rà soát, điều chỉnh các thông tin Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng như đã có văn bản gửi các đơn vị lấy ý kiến hoàn thiện. “Dự kiến, ngày 3/10 tới, Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII sẽ họp thẩm định và dự kiến bỏ phiếu thông qua Dự thảo Quy hoạch. Nếu được bỏ phiếu thông qua, trong tháng 10/2021 Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt”, ông Dũng thông tin.

Chuyên đề