Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An |
UBND tỉnh Nghệ An vừa thông qua Dự thảo Đề án phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.
Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được thành lập vào năm 2007, đến nay đã và đang khẳng định rõ vị trí, vai trò động lực trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, rõ nét nhất là trong giai đoạn 2016 - 2020.
Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp hàng năm đóng góp từ 10 - 12% tổng thu ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 23.000 lao động địa phương.
Tuy nhiên, mô hình phát triển của Khu kinh tế Đông Nam đã bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất chưa cao; chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại…
Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam trở thành khu vực kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ, phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi...
Cụ thể, đến năm 2025 sẽ thực hiện điều chỉnh ranh giới khu kinh tế lên 80.000 ha (bao gồm 70.000 ha mặt đất và 10.000 ha mặt nước biển), trong đó, diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000 ha, đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An.
Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch và thành lập Khu kinh tế cửa Khẩu Thanh Thủy với diện tích tự nhiên khoảng 21.500 ha; quy hoạch phát triển 10 - 12 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế với diện tích tự nhiên khoảng 4.500 ha.
Giai đoạn 2021 - 2025, thu hút đầu tư 100 - 120 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 75.000 - 90.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt trên 60% so với vốn đầu tư đăng ký.
Thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp đến năm 2025 chiếm khoảng 20- 25% tổng thu ngân sách trên địa bàn Tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 80.000 - 100.000 người lao động.
Tỷ lệ các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường đến năm 2025 đạt 100%; đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất trong khu kinh tế được cấp giấy phép môi trường, các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp xử lý chất thải (nước thải, chất thải) đạt tiêu chuẩn trước khi thải…
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 19.912 tỷ đồng.
Trước đó, tại Phiên họp thường kỳ tháng 5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã cho ý kiến thông qua Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040.
Hiện Khu kinh tế Đông Nam có tổng diện tích 20.776,47 ha, gồm các khu chức năng chính: Khu phi thuế quan 650 ha; 5 khu công nghiệp 4.461 ha (bao gồm khu công nghiệp công nghệ cao 94 ha); 6 khu đô thị với tổng diện tích đất dân cư 1.822 ha; trung tâm đào tạo 212 ha; khu du lịch nghỉ dưỡng 1.417 ha; khu bến cảng Cửa Lò và khu bến cảng Đông Hồi. Hiện đã cơ bản đã hoàn thành việc lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu xây dựng.
Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế sẽ lấy các khu công nghiệp làm trọng tâm phát triển cho khu kinh tế, từ đó lan tỏa phát triển các khu chức năng kèm theo như đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch…
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng, đồng bộ với phát triển hạ tầng đầu mối kết nối (cảng biển nước sâu)…
Phương án điều chỉnh đã đưa ra khỏi quy hoạch Khu công nghiệp Nam Cấm và Khu công nghiệp Thọ Lộc; điều chỉnh chức năng sử dụng đất và đưa ra khỏi quy hoạch khu phi thuế quan (điều chỉnh thành khu hậu phương cảng, khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ)…
Trên cơ sở định hướng quy hoạch 2 khu công nghiệp trung tâm, bố trí quy hoạch thêm 2 khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Cấm, Thọ Lộc. Nâng tổng số khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ trong Khu kinh tế Đông Nam lên 3 khu; tăng diện tích đất công nghiệp thêm 671 ha (từ 4.461 ha lên 5.132 ha), tăng 15% diện tích đất 5 khu công nghiệp hiện nay trong khu kinh tế…