Đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp nâng cấp, hoàn thiện quy trình sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu, từ đó có thể biến thử thách thành cơ hội. Ảnh: Huấn Anh |
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam
Mặc dù không phải là lĩnh vực trực tiếp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hiện nay, các DN cơ khí đang gặp rất nhiều khó khăn do đơn hàng cung cấp bị đình trệ. Thay vì thụ động trước khó khăn, các ông chủ DN cơ khí nên tận dụng thời gian này để nâng cấp, hoàn thiện các dây chuyền, bộ máy sản xuất, tìm ra các điểm còn hạn chế trong quy trình sản xuất để khắc phục trong lúc chờ thời cơ. Sau khi tình hình ổn định trở lại, dây chuyền sản xuất có thể vận hành một cách trơn tru và hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, việc “giữ chân” người lao động có tay nghề trong dây chuyền sản xuất cũng rất quan trọng để có thể duy trì hoạt động ổn định của bộ máy sản xuất. Các DN cơ khí nên vận dụng các quỹ lương, phúc lợi, dự phòng để có chế độ duy trì một phần lương cho người lao động, tạo sự kết nối và cùng nhau vượt qua khó khăn chung.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Để vượt qua thách thức của dịch Covid-19, song song với các giải pháp mang tính chiến lược cho hàng thập kỷ, Tập đoàn đã chuẩn bị những biện pháp vừa phù hợp với phát triển lâu dài, vừa đáp ứng cho việc đối phó với cuộc khủng hoảng để duy trì bộ máy quản lý sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn hiện nay, đồng thời giúp Tập đoàn có thể khôi phục nhanh chóng sau khủng hoảng. 3 nhóm giải pháp tái cấu trúc đó là: Tái cấu trúc hệ thống quản lý; tái cấu trúc nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính và tái cấu trúc nguồn tài chính.
Điển hình về tái cấu trúc hệ thống quản lý, Hòa Bình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc online. DN cho phép đại đa số thành viên có thể làm việc trên Internet, áp dụng triệt để Hệ thống quản lý công việc TMS để phối hợp làm việc giữa các phòng ban cũng như công trường. Theo đó, chúng tôi yêu cầu tất cả công việc của cá nhân, đơn vị phải được hoạch định, báo cáo kết quả thực hiện trên hệ thống này. Đây cũng là cơ sở để trả lương, giải quyết các chế độ phúc lợi, khen thưởng và đề bạt nhằm đảm bảo sự công bằng. Bên cạnh đó, các nghiệp vụ đang thực hiện trên các hệ thống như: PMS, ERP, Portal Office vẫn tiếp tục sử dụng… Sắp tới, chữ ký số sẽ được áp dụng rộng rãi cho các giao dịch nội bộ. Theo đó, việc phê duyệt các khoản thanh toán, văn bản, bản vẽ, tài liệu và các phiếu trình… sẽ được thực hiện bằng chữ ký số. Việc áp dụng chữ ký số sẽ góp phần nâng cao sự tuân thủ quy trình làm việc ở tất cả các cấp, đảm bảo tính an toàn, tính duy nhất của các tài liệu và kỳ vọng sẽ tiết kiệm được ít nhất 20% thời gian cho việc phê duyệt, ít nhất 50% chi phí cho việc in ấn, sao lưu.
Nhóm giải pháp tái cấu trúc về nguồn nhân lực theo phương châm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thêm việc làm hữu ích cho toàn thể thành viên Tập đoàn trong thời kỳ khủng hoảng, hướng đến mục tiêu không có một nhân tố tích cực nào phải nghỉ việc vì không bố trí được việc làm…
Tôi tin tưởng tuyệt đối rằng, với tinh thần "cánh diều ngược gió", biến trở lực thành động lực, biến thử thách thành cơ hội, nhất định Hòa Bình sẽ vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19 để tiến lên mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Dịch bệnh là động lực để DN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, đây là nhu cầu bắt buộc. Trước mất nhiều thời gian để thúc đẩy dạy học, họp trực tuyến, thì nay, chỉ trong vòng 1 tháng, từ Nhà nước đến tư nhân đều chuyển đổi sang hình thức trực tuyến. Hình thức này mang lại nhiều lợi ích, giảm chi phí đi lại, phù hợp với làn sóng công nghệ số, tự động hóa trong đời sống và sản xuất hiện nay.
Đây cũng là giai đoạn “vàng” để DN tái cấu trúc. Đầu tiên là thay đổi tư duy chủ DN và hoạt động của DN, bao gồm tái cơ cấu chiến lược của DN, hoạch định lại chiến lược, định vị khách hàng, điều chỉnh lại thị trường. Thứ hai là tái cơ cấu sức khỏe tài chính của DN. Thứ ba là tái cơ cấu nhân sự. Thứ tư là tái cơ cấu thương hiệu của DN.
Hầu hết DN nhỏ và vừa không thực hiện được đồng thời tất cả các nội dung trên cùng một lúc, cho nên cần đánh giá, soát xét và lựa chọn thực hiện từng nội dung trọng yếu.
Trong lúc chờ đợi thời cơ sau khi hết dịch bệnh, DN cần tranh thủ từng bước hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Hồ sơ phải xác định khả năng kinh doanh trước, trong và sau dịch để nhà cung cấp vốn nhìn nhận rõ ràng, tiệm cận với các chi nhánh ngân hàng ở địa phương. Nếu DN làm đúng mà không vay được, thì Hiệp hội DN nhỏ và vừa sẽ làm trung gian để can thiệp.
Ngoài các gói hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, các DN hỗ trợ nhau tiền đổi tiền, hàng đổi hàng cũng là cách làm hay lúc này.
Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu
Để thích nghi với bối cảnh hiện tại, DN phải mạnh dạn cắt bỏ những nhân sự, những khâu trung gian, những bộ phận không mang lại giá trị cốt lõi cho công ty mà chỉ mang tính chất hỗ trợ. Đồng thời, tạo động lực tốt cho người lao động thấy được bản thân họ phải thích nghi theo hướng đa năng, đa nhiệm trong hoạt động của DN, không còn khái niệm như trước đây việc anh anh làm, việc tôi tôi làm, mà là việc của chúng ta. Có như vậy mới tạo ra được giá trị về công ăn việc làm, về thu nhập cho DN.
Sau Covid-19 sẽ có một cuộc thanh lọc trên diện rộng. Nếu DN nào trụ vững thì cơ hội phát triển rất tốt, còn DN nào mang tính hình thức, thiếu tập trung về phương pháp quản trị thì có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí ngừng hoạt động nếu không điều chỉnh kịp thời.
Mỗi DN, nhà thầu đều có một định hướng khác nhau. Ở công ty chúng tôi với tư cách là một DN chuyên đấu thầu quản lý hoạt động của các chung cư, sự ảnh hưởng hiện tại là có nhưng không phải khốc liệt như những DN khác. Chúng tôi đang cơ cấu lại năng lực của nhân viên, cắt giảm các chi phí không cần thiết và tăng cường các giá trị cốt lõi để vượt qua tình trạng khó khăn chung hiện nay.
“Cần có giải pháp linh hoạt để tái cấu trúc, tối ưu hóa hệ thống quản trị”
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, DN nên bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá lại những nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn do dịch bệnh gây ra. Tại Tập đoàn Đèo Cả, chúng tôi đã có quỹ dự phòng cho những trường hợp rủi ro phát sinh nên các hoạt động thi công ngoài công trường vẫn được triển khai liên tục và thông suốt như tại Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Dự án hầm Hải Vân 2 để hoàn thành theo tiến độ đã đặt ra trước đó; hoạt động quản lý, vận hành tại các dự án khác cũng diễn ra trôi chảy theo kế hoạch.
Trong bối cảnh khó khăn này, HĐQT, Ban lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra những biện pháp linh hoạt nhằm tái cấu trúc, tối ưu hoá hệ thống quản trị, qua đó điều chỉnh, thay đổi tư duy lãnh đạo, rà soát, đánh giá năng lực nhân sự chủ chốt để xác lập chiến lược phát triển của Tập đoàn trong dài hạn.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà
Trong giai đoạn khó khăn này, các DN cần nhân cơ hội rà soát lại hoạt động xem cần điều chỉnh gì, chuẩn bị hành trang gì, tập trung nguồn lực bổ sung, hoàn thiện để khi thời cơ đến thì có thể nắm bắt, thực hiện hiệu quả ngay.
Trong số các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, DN xây dựng được cho là có cơ hội phát triển hơn trước do trong năm nay dự kiến sẽ có nhiều công trình, hạng mục được đầu tư xây dựng. Cùng với đó kéo theo các ngành dịch vụ, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng… cũng nhanh chóng phục hồi. Trong lúc chờ đợi, các DN nên tập trung nâng cao năng lực, tăng cường thiết bị thi công và xác định sẵn sàng để làm tăng ca, đảm bảo tiến độ các công trình.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Trong bối cảnh hiện nay, các ngành, địa phương rà soát và giải quyết sớm các thủ tục đầu tư cho những dự án lớn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, huy động mọi nguồn vốn xã hội vào sản xuất kinh doanh; không để tình trạng có tiền mà không tiêu được và dự án triển khai chậm trễ chỉ vì thủ tục. Cần khuyến khích các DN cung ứng không tăng giá dịch vụ, giá cước vận tải, giá vật tư trong thời gian tới và cố gắng giảm giá, cước phí cho DN.
Riêng việc thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, cần tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các DN và hiệp hội DN trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Cụ thể, chủ động trong việc tìm nguyên liệu trong nước, giữ nhịp độ sản xuất, tăng doanh số bán hàng trực tuyến là những giải pháp mà nhiều DN đang làm.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thành An
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tính năng động, chủ động độc lập “tác chiến” của đơn vị được đẩy lên mức cao hơn. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động từ rất sớm, chúng tôi đã quen với câu chuyện phải xử lý thông tin nhanh, chính xác, làm việc độc lập... Vì vậy, dịch Covid-19 không làm cho hoạt động của chúng tôi bị gián đoạn, hạn chế, đảm bảo tiến độ, chất lượng các gói thầu, dự án.
Khó khăn, thách thức từ dịch bệnh cũng là áp lực, động lực để DN đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, từ đó nâng cao tính năng động, chủ động để giảm thiểu rủi ro, thậm chí là cơ hội bứt lên. Sắp tới, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu nền kinh tế. Đây là cơ hội cho các DN xây lắp năng động có thêm nhiều việc làm mới, củng cố năng lực, kinh nghiệm để vươn lên mạnh mẽ.
Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Xây lắp dầu khí miền Nam
Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi buộc lòng phải thu gọn bộ máy, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách tái cấu trúc. Trước đây, công ty chúng tôi có những công ty con nên bộ máy khá cồng kềnh, nay đều cho sáp nhập vào công ty mẹ. Thông qua việc sáp nhập nói trên, chúng tôi đã tối đa hóa nguồn lực đang có, sử dụng và điều phối nguồn lực một cách tốt nhất. Song song đó, chúng tôi cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, đặc biệt là những khoản đầu tư, mua sắm, chỉ ưu tiên những vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất để tạo ra doanh thu cho Công ty.
Một điều hết sức quan trọng nữa là vấn đề nhận thức. Đối với người lao động, phải thắp được ngọn lửa nhiệt huyết, để họ thấy được khó khăn chung mà tự giác chia sẻ với DN. Nếu từ trên xuống dưới đồng lòng nhất trí, thì DN ắt sẽ vượt qua khó khăn.
Việc tạo ra dòng tiền ổn định cho DN lúc này là rất quan trọng. Cho nên, những dự án nào thu được tiền ngay thì chúng tôi triển khai ngay. Cái nào đang đàm phán với khách hàng thì phải lựa chọn phương án an toàn nhất, phải có cơ chế thanh toán cụ thể và được bảo lãnh bởi ngân hàng, để tránh trường hợp “giữa đường đứt gánh”, làm xong nhưng không thu hồi được tiền.
Ông Lê Quân Tài, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại gỗ Tài Lợi
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc ít, nhà thầu quy mô nhỏ hiện rất khó khăn. Để duy trì sản xuất kinh doanh, chúng tôi buộc phải tính toán lại chi phí, cắt bỏ những khoản chi phí không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người lao động. Dù có giãn tiến độ sản xuất, giãn ca kíp nhưng phải đảm bảo công việc ổn định cho công nhân để đảm bảo dịch qua thì bộ máy lập tức chạy hết tốc lực. Chúng tôi đảm bảo việc cung cấp hàng hóa cho các gói thầu đã triển khai sẽ đúng tiến độ, đạt chất lượng như cam kết. Trong bối cảnh này, nhà thầu cần tăng cường tham gia các gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn chống dịch theo chủ trương của Nhà nước.