Sản phẩm bất động sản tốt sẽ có “cửa” với cuộc chơi mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 70% các dự án bất động sản hiện nay đều bị ách tắc pháp lý do các luật chồng chéo. Do đó, muốn khơi thông nguồn cung bất động sản, nhất ở ở khu vực phía Nam - nơi có nhiều dự án đang đình trệ, cần phải gỡ "nút thắt" pháp lý cho lĩnh vực này.
Muốn khơi thông nguồn cung bất động sản, nhất ở ở khu vực phía Nam nơi có nhiều dự án đang đình trệ, thì phải gỡ nút thắt pháp lý cho lĩnh vực này
Muốn khơi thông nguồn cung bất động sản, nhất ở ở khu vực phía Nam nơi có nhiều dự án đang đình trệ, thì phải gỡ nút thắt pháp lý cho lĩnh vực này

Tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc

Tại Diễn đàn Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam - Xu hướng đầu tư", do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức tại TP.HCM sáng 25/4/2024, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường Bất động sản thuộc Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản trong quý I/2024 đã có phản ứng tích cực với những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Tuy nhiên, để tăng nguồn cung cho thị trường, thời gian tới, các bên liên quan vẫn cần tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện các dự án bất động sản tại các địa phương, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, giao đất, xác định giá đất...

Vẫn theo ông Hải, việc các bộ luật sớm có hiệu lực cơ bản sẽ giải quyết, tháo gỡ được những vướng mắc về pháp lý của các dự án. Sự hồi phục của thị trường từ đó sẽ sớm ổn định và tạo ra môi trường thuận lợi mới cho nhà đầu tư.

Song, PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lại tỏ ra băn khoăn khi những báo cáo về thị trường bất động sản gần đây chưa sát với khó khăn thực tế, bởi "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau sáng hơn quý trước", nhưng khó khăn vẫn chồng chất. Những khó khăn, tồn tại của thị trường bất động sản vẫn còn nhiều, cho thấy có thể những chính sách, giải pháp được ban hành thời gian qua chưa đủ thời gian để "ngấm" vào thị trường, hoặc cũng có thể cách tiếp cận chưa đi đúng trọng tâm, trọng điểm nên cần phải xem xét lại.

Thanh lọc những chủ đầu tư tài chính kém

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (VARS), năm 2024, thị trường sẽ thanh lọc những chủ đầu tư tài chính kém. Trái lại, những chủ đầu tư tài chính tốt, sản phẩm tốt với pháp lý hoàn chỉnh... sẽ có “cửa” với cuộc chơi mới. Tới đây, quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng tích cực. Trong đó, phân khúc có nhu cầu lớn là căn hộ chung cư sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường; tiếp đến là loại hình nhà, đất thổ cư khi triển vọng phục hồi của thị trường địa ốc rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng lưu ý, trong năm 2024 vẫn thấy khá nhiều điểm cản trở dòng tiền đầu tư. Dòng tiền sản xuất không lo lắng, nhưng dòng tiền đầu tư đang bị khó khăn khi trái phiếu phải xử lý năm 2024 lên tới 382.000 tỷ đồng. Đặc biệt, dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản đang xấu nhất trong vòng 5 năm qua. Hệ thống thanh toán tiền mặt cũng thấp nhất trong 5 năm vừa qua, khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn rất lớn về dòng tiền.

“Dòng tiền tiếp tục khó khăn cho quý I và quý II và sẽ cải thiện dần dần từ quý III/2024. Các doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh không tốt sẽ khó tiếp cận được vốn ngân hàng”, ông Hiển nhấn mạnh và cho biết thêm, điểm sáng trong năm 2024 chỉ phục hồi cục bộ, xuất phát từ nhà đầu tư trung hạn giải ngân chưa nhiều và không có sự xoay vòng. Các quỹ đầu tư tầm nhìn trung hạn bắt đầu đặt cửa vào các công ty bất động sản.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh nhìn nhận, điểm tích cực là tín dụng bất động sản tháng 3 đã bắt đầu tăng trở lại so với 2 tháng đầu năm 2024. Tính chung quý I, tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM khoảng 970.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng dư nợ bất động sản cả nước, tăng khoảng 0,46% so với cuối năm 2023, đặc biệt trong tháng 3 tăng khoảng 0,96%. Mặc dù tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản vẫn còn khó khăn nhưng tín dụng tiêu dùng, mua nhà thực sự để ở, mua nhà ở xã hội, vay để sửa chữa... chiếm tỷ trọng tương đối cao, khoảng 668.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 68% tổng dư nợ bất động sản.

Về xu hướng đầu tư, ông Nguyễn Thái Bình - Chủ tịch Đông Tây Group đánh giá, thị trường bất động sản phía Nam vẫn chưa có nhiều sản phẩm mới để có thể dẫn dắt và khơi thông thị trường. So với phía Bắc, thị trường vẫn phía Nam đang còn khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. 3 luật mới được ban hành đã và sẽ có tác động rõ nhất đến thị trường. Việc mở lối pháp lý cho các nhà đầu tư Việt kiều ở nước ngoài sẽ là một điểm sáng cho thị trường trong thời gian tới.

“Ở khu vực phía Nam, có 3 dòng sản phẩm mà người mua đang hướng tới. Thứ nhất là dòng căn hộ chung cư, đặc biệt là khu vực trung tâm. Thứ hai là bất động sản ven biển, nhưng không phải dòng bất động sản nghỉ dưỡng. Thứ ba là dòng bất động sản nhà liền thổ gắn liền với hạ tầng với những tuyến đường giao thông huyết mạch. Nhìn chung, xu hướng đầu tư bất động sản phía Nam là những bất động sản có nhu cầu ở thực, phát sinh được dòng tiền”, ông Bình bình luận.

Chuyên đề