Sai phạm tại 3 dự án nhiên liệu sinh học của PVN: Nhiều nhà thầu liên đới

(BĐT) - Từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án nhiên liệu sinh học (NLSH) tại Dung Quất, Phú Thọ và Bình Phước. 
Tập đoàn Dầu khí và các tập thể, cá nhân đã để xảy ra vi phạm trong việc chỉ định thầu các dự án nhiên liệu sinh học. Ảnh: Tiên Giang
Tập đoàn Dầu khí và các tập thể, cá nhân đã để xảy ra vi phạm trong việc chỉ định thầu các dự án nhiên liệu sinh học. Ảnh: Tiên Giang

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đã để xảy ra nhiều sai phạm, trong đó có việc chỉ định thầu và thực hiện các nội dung của hợp đồng EPC không đúng quy định.

Chỉ định thầu không đúng gây hậu quả

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc đầu tư các dự án NLSH có vốn góp của PVN và các đơn vị thành viên cho thấy, PVN và các tập thể, cá nhân đã để xảy ra vi phạm trong việc chỉ định thầu; đàm phán về giá hợp đồng EPC; miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng cho các nhà thầu và nhiều vi phạm khác liên quan đến hợp đồng EPC.

Cụ thể hơn, tại Dự án NLSH Phú Thọ, Công ty CP Hóa dầu và NLSH dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư, đã lựa chọn Công ty CP Thiết kế công nghiệp hóa chất (CECO) là đơn vị trúng thầu trở thành nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư. Sau khi xin được chủ trương chỉ định thầu thực hiện gói thầu EPC, Tổ hợp Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)/Alfa Laval/Delta-T được lựa chọn thực hiện gói thầu EPC dự án này. Giá trúng thầu được phê duyệt là 59,177 triệu USD.

Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, TTCP phát hiện, đến thời điểm được chỉ định thầu và ký hợp đồng EPC Dự án NLSH Phú Thọ, nhà thầu PVC chưa từng thực hiện hợp đồng EPC dự án NLSH hoặc các dự án có tính chất tương tự. Mặc dù PVC là nhà thầu chưa có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án NLSH, nhưng tại dự án này, PVC lại được giao thực hiện các công việc quan trọng của Dự án.

Kết luận của TTCP chỉ rõ, việc chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T là vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2005. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trong quá trình thực hiện, nhà thầu PVC đã phải dừng thi công Dự án từ tháng 11/2011, vi phạm quy định của hợp đồng EPC, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, khiến Dự án khó tiếp tục thực hiện.

Cũng vướng phải vi phạm tương tự, tại Dự án NLSH Dung Quất, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật và Xây lắp dầu khí (PTSC) cũng được phép liên danh với Alfa Laval (Ấn Độ) để thực hiện Dự án NLSH Dung Quất. Mặc dù PTSC chưa từng thực hiện dự án NLSH hoặc dự án có tính chất tương tự nhưng cũng được chỉ định thầu thực hiện những công việc quan trọng của Dự án. “Việc chỉ định thầu không đúng này đã dẫn đến thi công hạng mục Xử lý nước thải không đáp ứng công suất của nhà máy; Dự án chậm tiến độ 24 tháng, làm tăng chi phí cho chủ đầu tư 345 tỷ đồng” - TTCP chỉ rõ.

Thiếu minh bạch trong thực hiện hợp đồng EPC

Tổng vốn đầu tư vào 3 dự án nhiên liệu sinh học tính đến tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng
Liên quan đến việc điều chỉnh hợp đồng EPC Dự án NLSH Phú Thọ, PVB đã phê duyệt thay đổi giá trị điều chỉnh hợp đồng EPC dựa trên đề nghị của PVC (PVC đề nghị phần công việc của mình phát sinh số tiền 20,11 triệu USD). Trong đó, phê duyệt giá trị điều chỉnh so với Hợp đồng gốc là 8.357.491 USD, đồng thời đưa 7 hạng mục công việc với giá trị 1.364.491 USD ra ngoài Hợp đồng gốc để thực hiện sau và ký Phụ lục hợp đồng với giá trị trọn gói là 65.018.000 USD, chênh lệch số học giữa Phụ lục hợp đồng so với Hợp đồng gốc là 6.993.000 USD.

Mặc dù so sánh cho thấy, giá trị phê duyệt phát sinh trong Phụ lục hợp đồng so với hợp đồng EPC đã ký phát sinh tăng 8.357.491 USD, tuy nhiên, TTCP phân định rõ, việc chủ đầu tư và nhà thầu thể hiện trên hồ sơ số tiền 8.357.491 USD là chênh lệch sau khi bù trừ giữa phát sinh do tăng giá và giá trị các hạng mục công việc đưa ra ngoài Hợp đồng gốc là không phản ánh rõ giá trị thực tế đã phát sinh, gây hiểu nhầm rằng: giá trị hợp đồng EPC chỉ điều chỉnh tăng 6.993.000 USD, nhưng thực tế khối lượng PVC phải thực hiện theo hợp đồng EPC ban đầu đã tăng tới 15.165.932 USD (chủ yếu là tăng giá). Việc làm này biểu hiện sự thiếu minh bạch trong thực hiện hợp đồng EPC.

Cùng với nhiều sai phạm khác, mục tiêu phát triển NLSH của PVN đã để lại nhiều hậu quả. Với việc PVC dừng thi công Dự án NLSH Phú Thọ, chi phí phát sinh tính từ ngày 1/12/2011 đến ngày 31/12/2014 là 392 tỷ đồng, nhưng Nhà máy không hoàn thành, bị lãng phí. Để khởi động lại Dự án thì chi phí cần thiết để duy tu, bảo dưỡng thiết bị là không nhỏ. Tính đến thời điểm tháng 9/2016, chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và PVN vẫn chưa có giải pháp. Dự án ngày càng lâm sâu vào tình trạng bế tắc, khó khắc phục được hậu quả.

Ở Dự án NLSH Dung Quất, các chỉ tiêu kinh tế trong thực hiện đầu tư cũng như sau khi Nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động đều không đạt theo Báo cáo đầu tư dự án. Từ những sai phạm đã được TTCP chỉ rõ, dẫn đến việc đầu tư các nhà máy sản xuất NLSH chưa có hiệu quả. Theo báo cáo của Công ty CP NLSH dầu khí miền Trung, năm 2014 Nhà máy NLSH Dung Quất lỗ khoảng 164 tỷ đồng.

Với Dự án NLSH Bình Phước, từ tháng 4/2013 đến thời điểm thanh tra, Nhà máy hầu như không vận hành thương mại. Dự tính mỗi năm lỗ khoảng 200 tỷ đồng, năm 2013 và 2014 lỗ khoảng 400 tỷ đồng.

TTCP kết luận, tổng vốn đầu tư vào 3 dự án nêu trên với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng chưa có hiệu quả.

Chuyên đề