Luôn có rủi ro khách hàng chậm thanh toán, dẫn đến doanh nghiệp không thu xếp được nguồn để trả cho nhà cung cấp |
Tòa án nhân dân TP. Hà Tĩnh vừa đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó nguyên Giám đốc Công ty TNHH Huy Phong bị truy tố vì để Công ty chậm thanh toán tiền mua hàng của đối tác.
Theo đó, bị cáo Trần Tố Loan, với tư cách là Giám đốc Công ty TNHH Huy Phong đã ký hợp đồng mua bán sim, thẻ với Trung tâm Dịch vụ khách hàng Hà Tĩnh, tổng giá trị hàng hóa sau khi chiết khấu là hơn 2 tỷ đồng và được chậm trả trong thời hạn 3 - 15 ngày. Sau khi bán hàng, Công ty không trả tiền cho nhà cung cấp, mà sử dụng làm vốn quay vòng và trả nợ cá nhân Giám đốc, dẫn đến không thanh toán được tiền hàng.
Được biết, vụ án được khởi tố từ năm 2013 và đưa ra xét xử nhiều lần. Cơ quan công tố ban đầu cáo buộc Trần Tố Loan lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sau đó chuyển sang tội danh sử dụng trái phép tài sản.
Tòa án nhân dân TP. Hà Tĩnh nhận định, sim, thẻ là của Trung tâm, bị cáo mua về, bán, thu tiền, nhưng không trả tiền hàng cho Trung tâm là sử dụng trái phép tài sản. Tuy nhiên, bản án đã bị tòa cấp trên hủy và yêu cầu điều tra lại.
Tháng 3/2016, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành cáo trạng truy tố Trần Tố Loan tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với quan điểm cho rằng, bị can biết mua sim, thẻ về bán sẽ lỗ nhưng vẫn mua về, bán hàng lấy tiền làm vốn quay vòng và sử dụng cá nhân.
Ngày 14/6 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn và dự kiến sẽ mở lại vào ngày 30/6 tới.
Trong quá trình xét xử, Trần Tố Loan nhiều lần kêu oan và cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa một giao dịch kinh doanh thương mại. Việc mua sim, thẻ là giao dịch giữa hai pháp nhân, giữa Công ty TNHH Huy Phong và Trung tâm Dịch vụ khách hàng Hà Tĩnh. Trách nhiệm thanh toán tiền hàng thuộc về pháp nhân - Công ty Huy Phong.
Thực tế cho thấy, việc mua bán hàng hóa và quay vòng vốn như đã xảy ra tại Công ty Huy Phong là tình huống phổ biến trong các doanh nghiệp. Cùng một thời điểm, doanh nghiệp có nhiều giao dịch mua bán và tiền bán hàng thu về được sử dụng để chi trả những khoản cần thiết, đến hạn phải thanh toán, còn những khoản chưa đến hạn có thể để sau. Doanh nghiệp không nhất thiết phải để dành tiền bán hàng để trả cho đúng nhà cung cấp mặt hàng đó, mà có thể sử dụng cho mục đích khác, miễn là đảm bảo khả năng thanh toán khi đến thời hạn trả tiền. Điều này giúp đồng vốn được sử dụng hiệu quả hơn. Tất nhiên, không có gì đảm bảo là đến hạn, doanh nghiệp sẽ thanh toán đủ, bởi luôn có rủi ro khách hàng chậm thanh toán, dẫn đến doanh nghiệp không thu xếp được nguồn để trả cho nhà cung cấp.
Câu hỏi đặt ra, nếu vì lý do nào đó, dòng tiền gặp “bất trắc”, đến hạn thanh toán, doanh nghiệp chưa trả được nợ, trách nhiệm sẽ ra sao?
Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật Bross và cộng sự, về cơ bản, các giao dịch kinh tế giữa hai pháp nhân, nếu có một bên không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán, bên còn lại có quyền nhờ đến cơ quan tài phán (tòa án hoặc trọng tài kinh tế, tùy theo điều khoản của hợp đồng) phân xử. Trách nhiệm, nếu có, thuộc về pháp nhân. Nhưng việc quy kết hình sự là không phù hợp, vì hình sự hóa một quan hệ pháp luật khác.
Về trường hợp Công ty Huy Phong và Trung tâm Dịch vụ khách hàng Hà Tĩnh nêu trên, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng, không đủ căn cứ để quy vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trung tâm bán hàng trả chậm cho Công ty Huy Phong thì khoản nợ là nghĩa vụ của pháp nhân Công ty Huy Phong với Trung tâm. Nếu Trung tâm bị xâm phạm về quyền lợi thì chủ thể vi phạm phải là pháp nhân - Công ty Huy Phong - do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
“Bà Trần Tố Loan và Công ty Huy Phong là hai chủ thể khác nhau. Trường hợp bà Loan sử dụng tài sản của Công ty Huy Phong thì đó là vấn đề nội bộ của Công ty Huy Phong”, luật sư Nguyễn Hồng Bách nói.
Báo cáo giám sát chuyên đề về oan sai của Quốc hội cuối năm 2015 cho thấy, nhiều trường hợp bị oan thuộc loại án về kinh tế, khởi tố không đúng với bản chất của hành vi khách quan. Nguyên nhân là do người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, áp dụng pháp luật máy móc, chỉ chú ý đến hậu quả, thiệt hại xảy ra, chưa đánh giá đúng ý thức chủ quan để phân biệt giữa vi phạm pháp luật về dân sự, kinh tế với hành vi phạm tội; không xem xét lỗi và điều kiện khách quan dẫn đến hành vi vi phạm. Do đó, đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.