Bộ Công Thương cho biết đã có kịch bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của người dân và doanh nghiệp từ nay đến tháng 4. Ảnh: Tiên Giang |
Theo Bộ Công Thương, từ đầu tháng 2 đến nay, nguồn cung ứng trong nước gặp sự cố (Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - nhà sản xuất cung ứng cho 35% thị trường trong nước giảm công suất) nên Bộ phải điều hành tăng nhập khẩu lên gấp 3 bình thường để bù đắp. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Tại Công điện, Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong nước như: Bộ Công Thương; Bộ Tài Chính; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản nguồn cung từ nay đến tháng 4. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết, tồn kho và dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu khoảng 1,3 triệu tấn, cùng nguồn cung của 2 nhà máy lọc dầu trong nước (dù Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất) là 1 triệu tấn. Trong 15 ngày đầu của tháng 2, lượng hàng nhập khẩu về đến cảng Việt Nam là hơn 800 ngàn tấn xăng dầu cộng với 650 ngàn tấn chuẩn bị cập cảng trong 2 tuần cuối tháng 2. Như vậy, nguồn cung xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước ở mức khoảng 3,8 triệu tấn. So với mức tiêu dùng hàng tháng là 1,8 - 2 triệu tấn thì nguồn cung hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân và doanh nghiệp.
Thông tin đưa ra tại cuộc làm việc bàn về các biện pháp cung ứng xăng dầu vừa được Bộ Công Thương tổ chức cho biết, hiện Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang chạy ở mức 55 - 60% công suất. Dự kiến, trong tháng 3, Nhà máy sẽ cung cấp khoảng hơn 80% so với kế hoạch. Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5, nhà máy sẽ sản xuất 100% công suất.
Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đàm phán sớm với các nhà đầu tư nước ngoài tại Nhà máy Lọc dầu Nghi sơn để sớm đưa Nhà máy ổn định sản xuất, kinh doanh. “Nhà máy đang nhập các lô dầu thô về để cuối tháng 2, đầu tháng 3 bảo đảm trên 80% công suất, sau đó đạt 100% công suất”, nguồn tin cho biết.
Theo ông Trần Duy Đông, các thương nhân đầu mối sẽ có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước nếu Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm lượng cung ứng như kế hoạch. “Như vậy, trong quý I, nguồn cung xăng dầu là chắc chắn bảo đảm. Nguồn cung trong quý II hiện đã có kịch bản để bảo đảm”, ông Đông khẳng định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho rằng, để bình ổn giá xăng dầu, điều quan trọng là bảo đảm nguồn cung, giám sát thị trường.
Để đáp ứng nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đang có kế hoạch bán đấu giá gần 102 triệu lít xăng RON92 dự trữ quốc gia để đưa vào thị trường với giá khởi điểm dự kiến 14.058 đồng/lít tạm thời giảm bớt căng thẳng thị trưởng. Đồng thời, Bộ chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình thương nhân nếu có hành vi “găm hàng’ chờ tăng giá. Bộ Công Thương đã lên kế hoạch thanh tra tại 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để xem xét việc tuân thủ của các đơn vị này…
Về phía cơ quan quản lý giá, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt công tác dự báo, điều hành linh hoạt giá xăng dầu, tránh tác động bất lợi lên lạm phát.